Đầu tư
Vốn FII từ Singapore chủ động tìm đến Việt Nam
Nam Phương - 06/08/2018 14:21
Dòng vốn đầu tư gián tiếp từ Singapore đang chủ động tìm đường đến Việt Nam, thông qua hàng loạt thương vụ mua cổ phần trên sàn chứng khoán hay mua bán, sáp nhập (M&A) các doanh nghiệp lớn và start-up Việt.

Điểm nhấn bất động sản và tiêu dùng

Bên cạnh nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đứng thứ 3 trong các quốc gia đầu tư vào Việt Nam, các nhà đầu tư Singapore cũng tích cực tìm kiếm cơ hội tại Việt Nam thông các kênh đầu tư gián tiếp (FII) như chứng khoán, M&A và góp vốn dự án.

Theo số liệu từ Viện Hợp nhất, Mua lại và Liên kết (IMAA), các nhà đầu tư Singapore đã thực hiện tổng cộng 86 thương vụ M&A tại Việt Nam từ năm 2007 đến 2017, với tổng giá trị đầu tư là 1,86 tỷ USD.  

Keppel Land hiện sở hữu 500 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi của Nam Long. Trong ảnh: Dự án biệt thự Camellia Garden của nhà đầu tư Nam Long

Trong đó, lĩnh vực được dòng vốn FII từ Singapore đặc biệt ưu ái là bất động sản và tiêu dùng. Chỉ trong 3 năm gần đây, các tên tuổi lớn trong ngành bất động sản Singapore như Keppel Land và CapitaLand đã mua lại nhiều dự án nhà ở và khu phức hợp tại TP.HCM và Hà Nội. Ngoài ra, các “đại gia” Singapore còn rót vốn vào doanh nghiệp bất động sản Việt, như Keppel Land hiện sở hữu 500 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi của Nam Long, hay Frasers Property Ltd vừa mua lại 75% vốn của Phú An Khang vào tháng 5/2018.

Để thuận tiện cho việc đầu tư, CapitaLand cũng thành lập 2 quỹ đầu tư bất động sản tại Việt Nam trong năm 2017 và 2018, với tổng vốn 430 triệu USD. Tuy nhiên, khoản đầu tư lớn nhất là  Quỹ đầu tư Chính phủ Singapore (GIC) rót 1,3 tỷ USD vào Vinhomes, trở thành cổ đông chiến lược của doanh nghiệp này. Theo nhận định từ Savills Việt Nam, các nhà đầu tư Singapore đặc biệt ưa thích phân khúc nhà ở và căn hộ khi thực hiện M&A tại Việt Nam.

Bên cạnh bất động sản, các doanh nghiệp tiêu dùng trên sàn chứng khoán Việt cũng không nằm ngoài “tầm ngắm” của dòng vốn từ Singapore. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Yeu Huan Lai, chuyên viên đầu tư cao cấp tại Quỹ Nikko Asset Management cho biết, nhà đầu tư Singapore chú ý đến các doanh nghiệp hưởng lợi từ tốc độ tăng trưởng tiêu dùng nhanh và tầng lớp trung lưu ngày càng “chịu chi” của Việt Nam.

“Các ngành liên quan đến tiêu dùng sẽ được dòng vốn Singapore ưu tiên, cụ thể là thực phẩm và đồ uống, du lịch, tài chính tiêu dùng, bán lẻ và năng lượng”, ông Yeu Huan Lai nhận định.

Nhà đầu tư năng nổ nhất chính là GIC, khi quỹ đầu tư này liên tục rót vốn vào các doanh nghiệp liên quan đến tiêu dùng như Masan, PAN, Vietjet và Techcombank. Theo thống kê, bên cạnh khoản đầu tư kỷ lục vào Vinhomes, GIC hiện quản lý danh mục tài sản lên đến 650 triệu USD tại Việt Nam.

Quan điểm đầu tư nêu trên cũng được thể hiện qua xu hướng rót vốn của các quỹ mạo hiểm Singapore như Captii, Golden Gate và Spiral Ventures tại Việt Nam. Các start-up Việt đã gọi vốn thành công từ Singapore gần đây như vexere.com, OnOn Pay, Appota, Wifi Chùa hoặc Edu2Review đều sử dụng công nghệ để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người Việt.

“Start-up tiêu dùng sẽ tiếp tục là điểm sáng tại Việt Nam trong thời gian tới, khi người Việt ngày càng ‘sành’ công nghệ”, ông Justin Hall, quản lý Quỹ Golden Gate Ventures cho biết.

Vắng bóng trong ngành tài chính

Dù hào hứng với nhiều lĩnh vực tại Việt Nam, dòng vốn FII từ Singapore lại đặc biệt vắng bóng trong ngành tài chính - ngân hàng. 5 năm sau khi OCBC rút toàn bộ 15% cổ phần tại VPBank, hiện chưa có ngân hàng nào từ Singapore trở thành đối tác chiến lược của các nhà băng Việt. Bên cạnh đó, trong khi các nhà đầu tư Nhật Bản và Hàn Quốc như Shinsei, Saison, Lotte hay KB sốt sắng hợp tác với công ty chứng khoán và tài chính tiêu dùng Việt, các định chế tài chính Singapore vẫn “án binh bất động”.

Bà Nguyễn Thùy Dương, Phó tổng giám đốc dịch vụ tài chính - ngân hàng Ernst & Young (EY) Việt Nam cho biết, các định chế tài chính lớn tại Singapore, Malaysia, hay các quốc gia khác trong ASEAN đều sử dụng Thẻ điểm Quản trị Công ty ASEAN. Các ngân hàng Việt, dù có nhiều tiến bộ trong quản trị rủi ro và xử lý nợ xấu, vẫn đạt điểm rất thấp theo đánh giá của Thẻ điểm ASEAN, dẫn đến nhiều định chế tài chính còn ngần ngại rót vốn.

“Để thu hút dòng tiền mạnh mẽ từ các tổ chức tài chính, đặc biệt là từ các ngân hàng nước ngoài tầm cỡ vào thị trường ngân hàng Việt Nam, cần thiết phải có những thay đổi từ nội tại ngân hàng, cũng như từ góc độ vĩ mô, hành lang pháp lý, bao gồm khả năng nới ‘room’ ngân hàng lên trên mức 30%”, bà Dương cho biết.

Tin liên quan
Tin khác