Ngân hàng - Bảo hiểm
Vốn ngoại vẫn chực chờ đổ vào ngân hàng nội
Thùy Vinh - 16/01/2017 09:06
Nhiều ngân hàng thương mại liên tục bày tỏ mong muốn được nới room cho khối ngoại để tăng vốn, xử lý nợ xấu và thúc đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu
TIN LIÊN QUAN

Cầu của khối ngoại luôn lớn

Hiện số lượng ngân hàng Việt Nam chưa bán cổ phần cho nhà đầu tư ngoại còn lại rất ít, chủ yếu là các nhà băng đang quá trình tái cơ cấu như Ngân hàng Sài Gòn (SCB); Ngân hàng Bắc Á (BacA Bank); Ngân hàng Việt Á (VietA Bank). Riêng Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) và Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đang trong quá trình tìm kiếm đối tác ngoại mới, sau khi chia tay “người tình cũ” là cổ đông ngoại (lần lượt Tập đoàn Singapore Oversea-Chinese (OCBC) và Tập đoàn ANZ thoái gần 10% tại Sacombank).

.

Sau khi sáp nhập thêm Ngân hàng Phương Nam (Southern Bank), tỷ lệ cổ đông nước ngoài nắm 20% của Southern Bank trước đó là Tập đoàn UOB (Singapore) giảm xuống còn 3,18%, vì vậy, room dành cho nhà đầu tư ngoại tại Sacombank còn lớn.

Ông Kiều Hữu Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Sacombank tiết lộ, hiện có nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng bỏ ra 1 tỷ USD vào Sacombank và một nhà đầu tư trong nước khác muốn mua 20% vốn của Ngân hàng với giá 1.5 (tức 15.000 đồng/cổ phiếu), gấp đôi so với thị giá của cổ phiếu STB giao dịch trên thị trường hiện nay.

Tổng giám đốc SCB, ông Võ Tấn Hoàng Văn cũng cho hay, sau quá trình đẩy mạnh tái cơ cấu, Ngân hàng đã lên kế hoạch gọi thêm vốn ngoại, với tỷ lệ vượt trên 50% và đã được chấp thuận về chủ trương. Hiện SCB đang quá trình đàm phán với các đối tác ngoại.

Theo ông Văn, có nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn tham gia vào SCB, song để tìm được nhà đầu tư cùng chiến lược kinh doanh và chung mục tiêu đẩy mạnh ngân hàng phát triển cần có thời gian.

Hoan nghênh nhà đầu tư ngoại tham gia tái cơ cấu ngân hàng
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, ngành ngân hàng mong muốn các nhà đầu tư nước ngoài tham gia tích cực hơn nữa vào quá trình tái cơ cấu cùng các ngân hàng trong nước và tin tưởng rằng, giai đoạn này sẽ mang lại nhiều cơ hội lớn hơn nữa cho nhà đầu tư.

Nhiều đối tác nước ngoài cũng đã tìm đến Ngân hàng Phát triển TP.HCM (HDBank) và VPBank, nhưng lãnh đạo các nhà băng này cho biết, đang trong quá trình tìm hiểu, đàm phán và khả năng sẽ chốt các thương vụ trong thời gian tới, trước hoặc sau khi niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán tập trung.

Theo quy định hiện hành, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài áp dụng chung cho các ngân hàng “nội” tối đa 30%, trong đó, một tổ chức tối đa được nắm giữ 20%. Vì vậy, với những nhà băng đã có sự tham gia cổ phần của đối tác ngoại khi lên sàn sẽ không còn nhiều rom.

Chẳng hạn như Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) chốt room ngoại chỉ 20,5%, vì nhà băng này đã có cổ đông chiến lược nước ngoài là Tập đoàn Commonwealth Bank of Australia nắm giữ 20%. Với mức room ngoại bị giới hạn, cơ hội để các nhà đầu tư nước ngoài có thể mua cổ phần của VIB là khá thấp.

Một số ngân hàng cũng đang giữ room ở mức thấp hơn như trường hợp của Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), trước đây chỉ để room nước ngoài ở mức 10% do chủ trương giữ phần room ngoại này để dành cho nhà đầu tư chiến lược. Nhưng trong tháng 2/2016, giới hạn sở hữu nước ngoài của MB đã được nới thêm lên 20% và nhanh chóng được lấp đầy. Điều này cho thấy, cầu tham gia vào ngân hàng Việt của nhà đầu tư nước ngoài luôn lớn, song bị hạn chế room.

Kỳ vọng nới room

Tổng giám đốc Tập đoàn VinaCapital, ông Don Lam cho rằng, hệ thống ngân hàng Việt Nam đang trong quá trình tái cấu trúc là vấn đề được giới đầu tư nước ngoài quan tâm. Vì theo ông Don Lam, trong quá trình tái cơ cấu, cơ hội để xem xét bỏ vốn nhiều hơn, nhất là khi Chính phủ Việt Nam đã cho phép mua đứt 100% vốn của ngân hàng yếu. Tuy nhiên, trong thời gian qua, việc này vẫn chưa thể diễn ra khi các thương vụ mua - bán bất thành như trường hợp của GPBank không bán được 100% vốn cho Tập đoàn UOB để tiến hành tái cơ cấu. Đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thực hiện tái cơ cấu 9 ngân hàng yếu nhất đã thực hiện sáp nhập hoặc tái cấu trúc thành quy mô lớn. Nhưng để mua đứt 100% vốn của một ngân hàng “nội” vẫn khó với cổ đông ngoại.

Với quy định hiện tại, đã có nhiều ngân hàng thương mại đã chạm mức trần quy định về tỷ lệ sở hữu của khối ngoại. Do đó, các ngân hàng thương mại đã liên tục bày tỏ mong muốn được nới room cho khối ngoại để tăng vốn, xử lý nợ xấu và thúc đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu. Mức đề nghị nới room của một số ngân hàng thương mại nhà nước là 35-40%, còn các ngân hàng thương mại nhỏ mong muốn được nới room lên 49% hoặc 51%. Trong khi đó, các tổ chức nước ngoài cũng kiến nghị tăng mức sở hữu khối ngoại tại các nhà băng “nội” lên 50%, thậm chí 65%.

Trong giai đoạn tái cơ cấu ngân hàng thương mại từ 2011 - 2015, sáp nhập  ngân hàng là giải pháp chủ yếu để xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém. Tuy nhiên, giải pháp này có vẻ không còn được ưa chuộng trong giai đoạn này, bởi các ngân hàng sau sáp nhập đã tăng vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu, mạng lưới và nhân sự, nhưng phải đối mặt với việc chi phí hoạt động tăng mạnh, cộng với áp lực xử lý nợ xấu lớn. Vì vậy, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, ngân hàng cho rằng, nới room cho cổ đông ngoại cũng là một giải pháp, vì với tỷ lệ tối đa 30% hiện nay, nhà đầu tư nước ngoài vẫn chưa có được tiếng nói quyết định trong HĐQT của các nhà băng Việt.

Tin liên quan
Tin khác