Đầu tư
Vốn nội vượt vốn ngoại trong đầu tư vào Đông Nam bộ
Lê Quân - 20/11/2023 14:05
Vốn đầu tư trong nước vào vùng Đông Nam bộ đang bỏ xa vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Nhiều địa phương trong vùng đang chú trọng thu hút đầu tư trong nước để đảm bảo tăng trưởng bền vững.

Đầu tư trong nước bỏ xa đầu tư nước ngoài

Nếu như trước đây, vốn FDI đổ vào các tỉnh Đông Nam bộ có phần lấn lướt so với vốn đầu tư trong nước, thì khoảng 2 năm trở lại đây, “gió đã đổi chiều”, khi vốn nội dẫn trước vốn ngoại.

Thống kê của Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (Hepza) cho thấy, trong 10 tháng năm 2023, vốn đầu tư trong nước vào các khu công nghiệp đạt 17.955 tỷ đồng (tương đương 764 triệu USD), trong khi vốn FDI chỉ đạt 184 triệu USD.

Tại Bình Dương, số liệu được tỉnh này công bố cho thấy, 10 tháng năm 2023, đầu tư trong nước vào địa phương đạt 71.443 tỷ đồng, trong khi vốn FDI là 1,3 tỷ USD (tương đương 31.500 tỷ đồng).

Tương tự, tại Đồng Nai, thu hút đầu tư trong nước đạt 50.758 tỷ đồng, trong khi thu hút vốn FDI chỉ đạt hơn 1 tỷ USD (tương đương hơn 24.000 tỷ đồng).

Những số liệu trên cho thấy, đầu tư trong nước đã có những bước tiến nhảy vọt. Đây là điều đã được dự báo từ trước khi các tỉnh bắt đầu chọn lọc thu hút đầu tư vào các ngành công nghệ cao, ít thâm dụng lao động và thân thiện với môi trường. Việc chọn lọc dự án đầu tư, nói không với các dự án FDI sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường sẽ kéo theo số dự án và vốn đầu tư giảm mạnh.

Ông Nguyễn Hữu Nguyên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai cho biết, do chọn lọc thu hút đầu tư, nên có thời điểm, Đồng Nai không nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về thu hút FDI. Tuy nhiên, bù lại, tỉnh đã thu hút được những dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường để kiên định với định hướng thu hút vốn FDI thế hệ mới mà tỉnh đề ra.

Một lý do nữa làm vốn đầu tư trong nước vượt lên khá xa so với vốn FDI là do quỹ đất công nghiệp lớn tại nhiều tỉnh, thành phố trong vùng Đông Nam bộ cạn kiệt, trong khi các khu công nghiệp mới chưa được xây dựng, nên không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp FDI.

Trái ngược với doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp nội chỉ cần quỹ đất nhỏ, cộng với lợi thế có thể thuê nhà xưởng xây sẵn trong các khu công nghiệp là có thể tiến hành sản xuất, nên việc đầu tư rất thuận lợi.

Đầu tư trong nước đảm bảo tăng trưởng bền vững

Khi tiếp xúc với lãnh đạo các địa phương trong vùng Đông Nam bộ, hầu hết doanh nghiệp đều nhìn thấy và đánh giá cao tiềm năng của các địa phương trong vùng. Đến năm 2025 - 2026, hạ tầng của khu vực này như Vành đai 3 TP.HCM, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cao tốc Bến Lức - Long Thành và đặc biệt là sân bay Long Thành sẽ hoàn thiện. Khi đó, cơ hội đầu tư của các doanh nghiệp rất lớn.

Chính vì vậy, mới đây, hàng loạt nhà đầu tư Mỹ, Nhật Bản và các nhà đầu tư trong nước liên tục tìm đến Đồng Nai và Bình Dương đề xuất đầu tư các dự án đô thị, khu công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao...

Tuy vậy, nhiều doanh nghiệp vẫn còn e dè về môi trường đầu tư và mong muốn các địa phương tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tiếp tục đầu tư hạ tầng kết nối, đào tạo nguồn nhân lực...

Hiểu được điều này, bên cạnh chú trọng thu hút đầu tư nước ngoài, các địa phương đã quan tâm hơn đến đầu tư trong nước. Đơn cử, lãnh đạo tỉnh Bình Dương và Đồng Nai thường xuyên gặp gỡ với các hiệp hội và doanh nghiệp đầu tư trong nước để lắng nghe, tháo gỡ những vướng mắc cho doanh nghiệp trong bối cảnh đơn hàng sụt giảm, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số phù hợp với mô hình từng doanh nghiệp.

Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đánh giá, đầu tư trong nước vào Bình Dương sẽ còn tăng cao trong thời gian tới. Vì vậy, Bình Dương sẽ dành sự quan tâm nhiều hơn đến thu hút nguồn vốn trong nước, bởi vốn đầu tư trong nước mới đảm bảo tăng trưởng bền vững, giảm lệ thuộc vào nguồn vốn đầu tư nước ngoài.

Tin liên quan
Tin khác