Hôm nay (23/11), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) và Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đồng tổ chức hội nghị ra mắt nhóm Công tác cơ sở hạ tầng (IWG) với 32 thành viên, đứng đầu là Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và phó trưởng nhóm là ông Justin Wood, Giám đốc WEF khu vực châu Á.
Việc thành lập IWG là một trong các hoạt động nhằm hiện thực hóa Thỏa thuận hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và WEF về “Phát triển nền kinh tế Việt Nam tự cường trước tương lai”. Quyết định thành lập IWG đã được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ký ban hành ngày 19/6/2018.
Nhóm công tác được thành lập với kỳ vọng rất cao sẽ giúp Việt Nam khơi thông dòng vốn trong việc phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng của đất nước trước bối cảnh nguồn đầu tư công eo hẹp, nhà đầu tư trong và ngoài nước không mấy mặn mà.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam xác định phát triển kết cấu hạ tầng là 1 trong 3 khâu đột phá chiến lược phát triển kinh tế. Nhu cầu đầu tư hiện rất lớn, tuy nhiên nguồn lực vẫn hết sức hạn chế. Do vậy, huy động nguồn lực ngoài nhà nước trên cơ sở xã hội hoá kết cấu hạ tầng là vấn đề được Chính phủ Việt Nam rất quan tâm.
Bộ trưởng cho rằng, hiện tại Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức, từ vấn đề tụt hậu, thoát bẫy thu nhập trung bình, đến biến đổi khí hậu, áp lực cải cách từ hội nhập, sự thay đổi do cuộc cách mạng 4.0... Nhưng mục tiêu đặt ra vẫn rất lớn, trong đó chú trọng duy trì ổn định kinh tế vĩ mô; tiếp tục duy trì đà tăng trưởng nhanh trong một thời gian dài liên tục để đảm bảo niềm tin cho nhà đầu tư trong và ngoài nước; phát triển nhanh đi đôi với phát triển bền vững;....
Do vậy, việc phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng để tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh nền kinh tế trong thời gian tới là nhu cầu rất lớn đối với Việt Nam, cả hạ tầng giao thông nói riêng hay kết cấu hạ tầng nói chung (y tế, giáo dục, điện, nước...)
Đánh giá thực tiễn việc thu hút vốn tư nhân để phát triển hạ tầng, Bộ Trưởng nhìn nhận, trong thời gian qua Việt Nam cũng đã có nhiều cơ chế, chính sách để thu hút nguồn lực này và trên thực tế cũng đã có nhiều dự án đã và đang triển khai theo nhiều hình thức khác nhau như BOT, BT… Tuy nhiên con số này vẫn còn rất nhỏ, vốn huy động từ khu vực tư nhân để phát triển cơ sở hạ tầng trong giai đoạn hiện nay mới đáp ứng khoảng 10%, do vậy dư địa để thu hút nguồn vốn này vẫn còn rất lớn.
"Qua từng năm, sự tham gia của khu vực tư nhân ngày càng đóng góp quan trọng, nhưng tìm kiếm nguồn vốn từ tư nhân vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Trong nước chưa hình thành thị trường kết cấu hạ tầng. Thế giới đã hình thành nhiều mô hình mới để huy động vốn đầu tư cho lĩnh vực này nhưng khung khổ pháp luật trong nước chưa theo kịp...", Bộ trưởng Dũng chỉ ra một số hạn chế.
Chính vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng kỳ vọng, nhóm công tác với sự tham gia của những chuyên gia hàng đầu sẽ có những đóng góp cho Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng cơ chế, chính sách, hoàn thiện thể chế, tìm ra những mô hình tốt, mô hình hay của quốc tế,.. để thu hút dòng vốn tư nhân. Đặc biệt, cùng Việt Nam xây dựng khung pháp lý hoàn chỉnh cho hoạt động PPP.
"Hiện nay Việt Nam cũng hướng tới xây dựng luật PPP. Khi ra đời đây sẽ là khuôn khổ pháp lý cao nhất, quan trọng nhất, là cơ sở quan trọng để tạo niềm tin cho nhà đầu tư trong nước cũng như nước ngoài", Bộ trưởng nói
Đại diện các chuyên gia quốc tế, Phó trưởng nhóm Justin Wood đánh giá tầm quan trọng của cơ sở hạ tầng là nền tảng của bất cứ nền kinh tế nào và cần được xây dựng và hỗ trợ từ khu vực tư nhân. Đồng thời thừa nhận việc hợp tác công tư nhằm huy động nguồn vốn từ khu vực này không hề dễ ở bất cứ đâu trên thế giới, do Chính phủ và tư nhân đều có động lực khác nhau để hoạt động cũng như nhu cầu mạo hiểm khác nhau.
"Chúng tôi mong sẽ tạo ra được không gian chung để tư nhân và Nhà nước hợp tác ở các vấn đề cốt lõi trong việc phát triển hạ tầng ở Việt Nam. Hy vọng nhóm là cầu nối để doanh nghiệp và Chính phủ làm việc, chia sẻ ý tưởng và đưa ra khuyến nghị hợp tác công tư đơn giản và thành công hơn", ông Justin Wood nói.