Theo tài liệu công bố, năm nay, VPBank dự kiến chia cổ tức tiền mặt 10%, phát hành riêng lẻ 15% vốn cho nhà đầu tư chiến lược SMBC, phát hành hơn 30 triệu cổ phiếu ESOP. Ngoài ra, HĐQT cũng trình ĐHĐCĐ thống nhất về mặt chủ trương và thông qua các giao dịch VPBank thực hiện góp vốn/mua cổ phần, thành lập hoặc mua lại công ty con, liên kết, hợp tác, tham gia vào các phương án cơ cấu lại/hỗ trợ tổ chức tín dụng, quỹ tín dụng yếu kém hoặc các hình thức khác với các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng khác.
Đặt mục tiêu tín dụng tăng 33%, chia cổ tức tiền mặt 10%
Năm 2023, VPBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 13% lên 24.003 tỷ đồng. Nếu tính trên các hoạt động kinh doanh cốt lõi, mức tăng trưởng lợi nhuận này tương đương 53%.
Năm nay, ngân hàng đặt mục tiêu tăng tổng tài sản 39% lên 877 nghìn tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá tăng 41% lên 518 nghìn tỷ đồng. Dư nợ cấp tín dụng tăng 33% lên 636 nghìn tỷ đồng. Mức tăng trưởng tín dụng thực tế sẽ được thực hiện dựa trên các hạn mức tối đa/quy định của Ngân hàng Nhà nước. Nợ xấu kiểm soát dưới 3%.
Năm nay, VPBank không đưa ra kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu mà chỉ chia cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 10%, thực hiện vào khoảng quý II- quý III/2023. Thời gian cụ thể do Hội đồng quản trị quyết định, đảm bảo phù hợp quy định pháp luật và các điều kiện thực tế của ngân hàng. Với tỷ lệ này, VPBank sẽ chi 7.934 tỷ đồng trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông.
Nguồn thực hiện từ lợi nhuận chưa phân phối của ngân hàng sau khi trích lập các quỹ tính đến thời điểm 31/12/2022.
Bán 15% vốn cho SMBC, không loại trừ tham gia cơ cấu ngân hàng yếu kém
Tại ĐHĐCĐ lần này, HĐQT cũng trình cổ đông thông qua việc sẽ bán 1,19 tỷ cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược Nhật Bản - Sumitomo Mitsui Banking Corporation với giá 30.159 đồng/cổ phiếu, theo thỏa thuận vừa ký kết hôm 27/3. Số cổ phiếu này tương đương 15% vốn cổ phần VPBank (sau phát hành).
Số tiền thu về là 35.904 tỷ đồng. Sau thương vụ, vốn điều lệ của VPBank sẽ tăng từ 67.434 tỷ đồng lên 79.339 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu từ 103,5 nghìn tỷ đồng lên xấp xỉ 140 nghìn tỷ. Qua đó, đưa VPBank trở thành ngân hàng có vốn chủ sở hữu lớn thứ 2 tại Việt Nam.
Với nguồn vốn điều lệ tăng thêm vào khoảng 11.905 tỷ đồng, VPBank sẽ sử dụng 5.000 tỷ để tăng trưởng nguồn vốn trung dài hạn, để phục vụ nhu cầu cấp tín dụng của khách hàng; 6.000 tỷ để đầu tư góp vốn mua cổ phần công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm và các kế hoạch đầu tư góp vốn khác. Ngoài ra, 905 tỷ đồng đầu tư vào hạ tầng, cơ sở vật chất, phát triển hệ thống công nghệ thông tin,…
The tờ trình, năm nay, VPBank dự định phát hành 30,22 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn dành cho cán bộ nhân viên (ESOP), với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, dự kiến thu về 302,2 tỷ đồng.
Đáng chú ý, tại ĐHĐCĐ năm nay, VPBank cũng trình cổ đông thống nhất đầu tư góp vốn, hợp tác, liên doanh, liên kết. Trong đó, ĐHĐCĐ thống nhất về mặt chủ trương và thông qua các phương án/giao dịch VPBank thực hiện góp vốn/mua cổ phần, thành lập hoặc mua lại công ty con, liên kết, hợp tác, tham gia vào các phương án cơ cấu lại/hỗ trợ tổ chức tín dụng, quỹ tín dụng yếu kém hoặc các hình thức khác với các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng khác.
Trong báo cáo phân tích mới công bố, các chuyên gia phân tích Công ty chứng khoán VCBS nhận định: “Với việc VPB tham gia nhận chuyển giao một ngân hàng yếu kém, chúng tôi kỳ vọng hạn mức tín dụng được cấp của ngân hàng trong năm 2023 sẽ ở một mức cao so với trung bình ngành, giúp ngân hàng tận dụng tối đa được nguồn vốn dồi dào sẵn có để mở rộng danh mục tín dụng cho vay và đa dạng hóa tệp khách hàng”.
Tiềm lực hậu thương vụ bán vốn
Theo các chuyên gia phân tích của VCBS, thương vụ bán 15% vốn cho SMBC sẽ đưa VPBank ngân hàng có vốn chủ sở hữu cao nhất trong nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân và cao thứ hai trong toàn hệ thống (chỉ xếp sau ngân hàng Vietcombank).
Việc bổ sung 35,9 nghìn tỷ đồng vào vốn cấp một giúp hàng gia tăng đáng kể độ dày của vốn chủ sở hữu, củng cố các chỉ số về an toàn vốn ở mức hàng đầu trong ngành.
Ngoài ra, việc tăng vốn giúp VPB có đủ sức mạnh tài chính để đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng ở những phân khúc chiến lược, đặc biệt là phân khúc bán lẻ và SME trọng tâm. Nền tảng vốn lớn còn cho phép VPB có đủ năng lực tài chính để phục vụ những khách hàng doanh nghiệp có quy mô lớn, đặc biệt là những doanh nghiệp FDI và các tập đoàn đa quốc gia đầu tư vào Việt Nam.
Ngoài ra, việc SMBC trở thành cổ đông chiến lược được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều hỗ trợ ở cả mảng tài chính và quản trị, đóp góp nhiều giá trị cho sự tăng trưởng của VPB.
Ngân hàng SMBC nói riêng và tập đoàn SMFG nói chung là những doanh nghiệp hàng đầu trong mảng tài chính tại Nhật Bản với kinh nghiệm lâu năm và mạng lưới khách hàng trải rộng ở nhiều thị trường, đặc biệt là thị trường châu Á. Thỏa thuận đầu tư chiến lược này được kỳ vọng sẽ khuyến khích các nhà đầu tư FDI, trong danh sách hơn 200,000 khách hàng là các tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp lớn trên khắp thế giới của SMBC Group và ngân hàng SMBC, tìm hiểu và mở rộng đầu tư vào Việt Nam. Khi đầu tư vào Việt Nam, những tập đoàn này có thể sẽ trở thành khách hàng tiềm năng của VPBank trong tương lai.
Cuối cùng, với tiềm lực vốn mạnh mẽ cùng với lợi thế lãi suất ở Nhật Bản hiện đang ở mức thấp, SMBC sẽ hỗ trợ được nhiều cho VPB về mặt huy động vốn với chi phí rẻ hơn nhiều so với huy động vốn trong nước, giúp ngân hàng giảm đáng kể chi phí vốn hiện đang ở mức khá cao so với trung bình ngành và cải thiện NIM, củng cố vị trí số 1 trong ngành về biên lãi thuần.
Về mặt công nghệ, đối tác Nhật Bản vốn được biết đến là những người tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số trong kinh doanh, kỳ vọng sẽ hỗ trợ cho những chiến lược sắp tới của công ty về mặt chuyển đổi số, nâng cao tiện ích sản phẩm và mở rộng danh mục dịch vụ cung cấp cho khách hàng. Với những hỗ trợ mà cổ đông chiến lược SMBC mang lại, VPB được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2023 và những năm tới.