Ngân hàng - Bảo hiểm
VPBank: Tăng trưởng bền vững nhờ chính sách tín dụng thận trọng
Như Loan - 10/03/2021 16:08
Bức tranh lợi nhuận ngân hàng năm 2020 có những gam màu sáng tối trái chiều, trong số đó vẫn có những nhà băng tăng trưởng hiệu quả nhờ áp dụng những chính sách tín dụng thận trọng.
Nhờ chính sách tín dụng thận trọng, VPBank vẫn tăng trưởng ấn tượng năm 2020

"Nghịch lý lợi nhuận" là một mệnh đề được nhắc đến liên tục gần đây khi nói về hoạt động của ngành ngân hàng năm 2020. Khi Covid-19 bùng phát, nhiều ngân hàng lo không tránh khỏi tác động tiêu cực khi kinh tế bị ảnh hưởng. Đến hết nửa năm, một số lãnh đạo nhà băng vẫn chưa tự tin khi nói về tương lai của ngành. Nhưng đến cuối năm, phần lớn nhà băng đều ghi nhận với mức tăng trưởng lợi nhuận hai chữ số và tỷ lệ nợ xấu được giữ ổn định, thậm chí có nhà băng còn giảm.

Không thể phủ nhận tác động của đại dịch, biểu hiện ở mức tăng thu nhập lãi thuần với một số nhà băng không cao như trước, trích dự phòng rủi ro cũng gia tăng, nhưng vấn đề là mỗi ngân hàng lại có một chiến lược riêng. "Cách" để giữ nhịp tăng trưởng có thể là "thắt lưng buộc bụng", giảm chi phí trong bối cảnh nguồn thu không tăng hoặc tìm đến các khoản thu nhập khác như mua bán chứng khoán đầu tư hay bảo hiểm. Tuy nhiên, trong ngành ngân hàng, vẫn có những cái tên có sự tăng trưởng từ hoạt động cốt lõi, là thu nhập lãi thuần và dịch vụ, như trường hợp của Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) là một ví dụ.

Đến cuối năm, dư nợ tín dụng của VPBank tăng tới 19% lên 323.000 tỷ đồng, cao hơn rất nhiều so với trung bình ngành (12,13%) và nằm trong nhóm dẫn dầu thị trường.

Chi tiết tình hình tăng trưởng tín dụng của VPBank cho thấy ngân hàng đã thực hiện những chính sách tín dụng vô cùng thận trọng.

"Chúng tôi tập trung vào những khách hàng có rủi ro thấp và tập trung vào việc cơ cấu nợ dành cho những khách hàng gặp khó khăn do Covid-19. Đối với những khách hàng mới và những phân khúc có rủi ro trung bình hoặc cao, chúng tôi đã thực hiện những chiến lược vô cùng thận trọng", đại diện lãnh đạo VPBank cho biết. 

Nửa cuối 2020, đặc biệt là vào quý IV, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tích cực, kinh tế có dấu hiệu phục hồi rõ rệt, các phân khúc chiến lược của VPBank đã lấy lại được đà tăng trưởng tốt và tiếp tục giữ vai trò nòng cốt trong sự tăng trưởng của toàn ngân hàng. 

Theo ông Dmytro Kolechko, Giám đốc quản trị rủi ro của VPBank, các trụ cột quản trị rủi ro của VPBank trong năm 2020 gồm đảm bảo vốn tự có, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) đạt chuẩn Basel II đều được duy trì ổn định bất chấp những tác động từ dịch bệnh.

Song hành với tăng thu nhập lãi thuần là tăng các khoản thu ngoài lãi, đặc biệt là phí - điểm mạnh của ngân hàng trong những năm gần đây. VPBank xác định tăng thu nhập ngoài lãi để giúp ngân hàng giảm bớt tác động từ rủi ro tín dụng, ngoài ra các cấu phần chính của thu nhập từ phí như thẻ và dịch vụ thanh toán cũng tăng trưởng tích cực nhờ công nghệ và nền tảng số.

Tại ngân hàng riêng lẻ, mức tăng trưởng của VPBank còn ấn tượng hơn. Tăng trưởng tín dụng lũy kế đạt gần 22% so với cùng kỳ năm ngoái, với điểm sáng là các phân khúc chiến lược đã lấy lại đà tăng trưởng trong quý IV giúp doanh số giải ngân vượt 30% so với quý III. TOI ngân hàng mẹ tăng gần 19% lên 20.800 tỷ đồng, đứng đầu trong số các ngân hàng cổ phần trên thị trường.

Nhờ tỷ lệ tăng trưởng tổng thu nhập đạt hai con số trong khi chi phí hoạt động được tiết giảm, CIR năm nay của ngân hàng mẹ giảm kỷ lục 7,5%, từ 38% năm 2019 xuống còn 30,5%. Nợ xấu đến cuối năm cũng giảm gần 20 điểm cơ bản, về dưới 2%. Số ngày lãi phải thu trung bình cũng giảm từ 59 ngày năm 2019 còn 43 ngày trong năm 2020.

Tăng trưởng ấn tượng trong năm 2020, khiến VPBank lạc quan hơn với tình hình kinh doanh của năm 2021. Sự phục hồi của các phân khúc chiến lược trong quý IV, con số tăng trưởng tích cực cả năm và một hệ thống quản trị rủi ro chặt chẽ chính là nền tảng để ngân hàng đón đầu sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong năm 2021.

Tin liên quan
Tin khác