Y tế - Sức khỏe
Vụ 2 trẻ ngộ độc Botulinum ở TP.HCM: Tình hình thuốc giải độc ra sao?
Hoài Sương - 22/02/2024 22:34
Vừa qua, TP.HCM đã ghi nhận 2 trường hợp trẻ nhỏ nghi ngờ ngộ độc Botulinum toxin sau khi ăn tiệc tất niên. Trước thông tin này, nhiều người dân lo ngại tình trạng thiếu thuốc giải độc tố Botulinum.

Liên quan đến nội dung này, tại buổi họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.HCM vào ngày 22/2, ông Nguyễn Hải Nam, Phó chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho biết, sau kỳ nghỉ Tết vừa qua, Sở Y tế nhận được báo cáo của Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) về hai trường hợp bệnh nhi nghi ngờ ngộ độc Botulinum toxin, nhập viện vào ngày 6 và 7/2.

Sau khi khai thác bệnh sử, thăm khám lâm sàng, chụp CT-scan, MRI não, đo điện cơ và các xét nghiệm cần thiết khác, các bác sĩ của Bệnh viện Nhi đồng 2 đã hội chẩn, không loại trừ trẻ bị ngộ độc Botulinum nên đã quyết định sử dụng thuốc giải độc tố Botulinum. 

Một trường hợp trẻ ngộ độc Botulinum, điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

“Hiện tình trạng hai bệnh nhi này đã cải thiện. Theo đó, một bệnh nhi đã cai máy thở và theo dõi tại khoa tiêu hóa của Bệnh viện Nhi đồng 2. Bệnh nhi còn lại tiếp tục được chăm sóc và theo dõi tại khoa hồi sức, có dấu hiệu cải thiện tốt. Sở Y tế vẫn sẽ tiếp tục thông tin về hai bệnh nhi này”, ông Nam cho biết.

Đối với quy trình xử lý các trường hợp ngộ độc, ông Nam cho biết Bệnh viện Nhi đồng 2 đã lấy mẫu phân của bệnh nhân và gửi đến Viện Y tế công cộng TP.HCM để xét nghiệm và chẩn đoán xác định. Ngoài ra, Sở Y tế vẫn chưa phát hiện thêm trường hợp nào trên địa bàn TP. Thủ Đức có triệu chứng tương tự.

Về tình hình thuốc giải độc tố botulinum BAT, đại diện ngành y tế cho biết: “Từ năm 2023, TP.HCM được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) viện trợ 6 lọ thuốc. Hiện tại, TP.HCM còn 3 lọ”.

Theo Sở Y tế, ngộ độc Botulinum là một bệnh hiếm gặp nhưng nghiêm trọng. Bởi độc tố này tấn công vào các dây thần kinh của cơ thể gây khó thở, tê liệt cơ hoặc thậm chí tử vong. Độc tố Botulinum được tạo ra bởi vi khuẩn Clostridium botulinum, đôi khi là những dòng vi khuẩn Clostridium butyricum và Clostridium baratii.

Các chuyên gia chống độc cho biết, “thời gian vàng” sử dụng thuốc giải độc BAT cho bệnh nhân bị ngộ độc Botulinum, giúp họ thoát khỏi nguy cơ bị liệt hoặc thở máy là từ 48-72 giờ. Trong khoảng thời gian này, nếu bệnh nhân thở máy, sẽ mất khoảng 5-7 ngày phục hồi sau khi dùng thuốc giải độc.   

Từ sự việc trên, Sở Y tế TP.HCM khuyến cáo người dân thực hiện đúng các nguyên tắc về an toàn thực phẩm như ăn chín, uống sôi, sử dụng nước sạch trong chế biến thực phẩm, sử dụng thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng. Đối với thực phẩm chế biến, ngành y tế cũng lưu ý mọi người nên lưu ý về nhãn hiệu phải có đầy đủ, còn hạn sử dụng. Khi sử dụng thực phẩm đóng hộp, cần phải quan sát hình dáng bên ngoài như vỏ hộp sáng bóng, không rỉ sét, hộp kín, không biến dạng…

Trước đó, vào tháng 5/2023, TP.HCM đã ghi nhận 6 người (đều ngụ tại TP. Thủ Đức) bị ngộ độc Botulinum. 5 trường hợp đã ăn bánh mì kèm với một loại chả lụa bán dạo, người còn lại ăn một loại mắm để lâu ngày.

Ngoài 3 bệnh nhi điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2, có hai bệnh nhân 18 tuổi và 26 tuổi nằm tại Bệnh viện Chợ Rẫy, một người đàn ông 45 tuổi cấp cứu tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Sau đó, nam bệnh nhân 45 tuổi đã tử vong vì biến chứng nặng, không kịp dùng thuốc giải được WHO viện trợ khẩn cấp cho Việt Nam.

Tin liên quan
Tin khác