Luật sư Nguyễn Văn Thái đặt câu hỏi, theo khoản 2 Điều 6 Luật Xây dựng 2003, hoạt động xây dựng phải tuân thủ các quy chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn xây dựng. Trường hợp áp dụng tiêu chuẩn xây dựng của nước ngoài, thì phải được sự chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về xây dựng. Vậy tiêu chuẩn sản xuất ANSIAWWA đã được Bộ Xây dựng chấp thuận áp dụng vào dự án đường ống nước Sông Đà chưa?
Các bị cáo tại tòa |
Giám định viên trả lời, “Vấn đề này không nằm trong văn bản trưng cầu. Lượng hồ sơ nhiều, dài, chúng tôi không nhớ hết”.
Các luật sư khác chất vấn thêm, trong số 14 hố đào có 1 hố đào đến đáy, 13 hố ngập nước cát chảy không đào đến đáy. Giám định đưa ra kết luận có chính xác không?. Mặt khác, trong cáo trạng thể hiện từ ngày 4/2/2012 - 2/10/2016, tuyến ống truyền tải nước sạch đã xảy ra 18 lần bị vỡ. Tuy nhiên, kết luận giám định chỉ thể hiện giám định đến ngày 15/4/2015 (10 sự cố vỡ đường ống), 8 lần vỡ ống sau chưa được giám định cụ thể. Luật sư thắc mắc điều này có ảnh hưởng đến kết quả giám định chung không, còn nguyên nhân vỡ ống khác không.
Hàng loạt câu hỏi được luật sư đặt ra, song không nhận được câu trả lời rõ ràng, cụ thể.
Trước đó, HĐXX công bố lời khai của ông Phí Thái Bình (nguyên Chủ tịch HĐQT Vinaconex, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, xin vắng mặt) với tư cách người liên quan.
Ông Bình có lời khai thể hiện, dự án cấp nước Sông Đà xuất phát từ tâm huyết khắc phục tình trạng thiếu nước của nhân dân Thủ đô. Dự án tiên phong đi đầu phong trào xã hội hóa, giải quyết nước sạch, đồng thời sử dụng công nghệ mới áp dụng vào dự án.
Dự án này được cho phép thực hiện với 2 giai đoạn đầu tư, tổng kinh phí là 1.450 tỷ đồng, gồm các nguồn vốn vay của ngân hàng, vốn tự có của chủ đầu tư và các nguồn vốn khác, không sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Về hiệu quả, giai đoạn 1 của dự án đã cung cấp hơn 500 triệu m3 nước (tương đương 30%) cho người dân Thủ đô, góp phần khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt, nâng cao vệ sinh, sức khỏe cộng đồng. Sự cố vỡ đường ống nước Sông Đà do nhiều nguyên nhân khách quan, không phải do việc phê duyệt dự án, không thuộc trách nhiệm của HĐQT Vinaconex.
Chủ tọa cũng công bố lời khai của ông Vũ Đình Chầm (nguyên ủy viên HĐQT Vinaconex, xin vắng mặt do sức khỏe yếu). Ông Chầm khai, đây là một dự án lớn của tổng công ty mang tính xã hội, được dư luận đặc biệt quan tâm. HĐQT Vinaconex đã họp bàn để quyết định nhiều vấn đề quan trọng trước khi triển khai dự án, trong đó có việc phê duyệt chỉ định các nhà thầu sản xuất, thi công.
Về việc lựa chọn ống composite cốt sợi thủy tinh, ông Chầm khai trước đó, Tổng công ty Vinaconex đã cử cán bộ đi khảo sát ở nhiều nước. Sau đó, nhiều công ty trên thế giới sản xuất ống cốt sợi thủy tinh đã giới thiệu sản phẩm của họ cho Ban quản lý dự án.
Sau khi trình Chính phủ, Vinaconex đã quyết định thành lập riêng một công ty sản xuất ống cốt sợi thủy tinh bằng công nghệ mua từ Trung Quốc ngay trong thời gian triển khai dự án.
Cơ quan điều tra từng khởi tố bị can đối với ông Bình và một số thành viên HĐQT Vinaconex, giai đoạn năm 2003 - 2004 về việc đề xuất, quyết định điều chỉnh thay đổi vật liệu từ ống gang dẻo sang ống composite cốt sợi thủy tinh.
Kết quả điều tra và kết luận giám định tư pháp cho thấy chưa đủ căn cứ để phê chuẩn các quyết định khởi tố bị can đối với ông Bình và các thành viên HĐQT. Theo kết luận, quyết định thay đổi vật liệu và giao cho CTCP Ống sợi thủy tinh Vinaconex sản xuất, cung cấp ống cho dự án của ông Phí Thái Bình và các thành viên HĐQT Vinaconex không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến vỡ đường ống truyền tải nước sạch của dự án.
Do đó, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hủy quyết định khởi tố bị can đối với ông Bình và các thành viên HĐQT.