- Công bố kết luận điều tra giai đoạn 2 vụ “chuyến bay giải cứu”
- Phúc thẩm “chuyến bay giải cứu”: Bác kháng cáo, y án chung thân với 3 bị cáo
- Chặn đứng tội phạm “cổ cồn trắng” câu kết quan tham - Bài 1: “Nã tiền” xuyên thủng hàng rào công
- Chặn đứng tội phạm “cổ cồn trắng” câu kết quan tham - Bài 2: Công thức kiếm tiền phi pháp
- Chặn đứng tội phạm “cổ cồn trắng” câu kết quan tham - Bài 3: “Nâng tầm” thủ đoạn đáng sợ
Nhiều đối tượng đã lợi dụng các “chuyến bay giải cứu” để trục lợi. |
Làm mất lòng tin của quần chúng nhân dân
Vừa qua, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố 17 bị can trong vụ án “Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Che giấu tội phạm”, xảy ra tại Thái Nguyên và một số tỉnh, thành phố.
Đây cũng được gọi là giai đoạn 2 của vụ án xảy ra tại Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế và các tỉnh, thành phố (còn gọi là vụ án “chuyến bay giải cứu”), mà cơ quan tố tụng đã xét xử vào tháng 12/2023.
Lợi dụng chủ trương của Đảng, Nhà nước và lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, một số cá nhân tại UBND các tỉnh, thành phố đã thỏa thuận đưa, nhận hối lộ, làm trái công vụ để tham mưu, đề xuất chấp thuận chủ trương cho doanh nghiệp đưa công dân về nước cách ly y tế tại địa phương.
Giai đoạn 1 của vụ án “chuyến bay giải cứu”, xảy ra tại Bộ Ngoại giao, TP. Hà Nội và một số tỉnh, thành phố đã được tòa án đưa ra xét xử đối với 54 bị cáo về các hành vi đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Có 25 bị cáo lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao để nhận hối lộ tổng cộng gần 165 tỷ đồng và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, gây thiệt hại hơn 10 tỷ đồng; 23 cá nhân là đại diện các doanh nghiệp đã đưa hối lộ hơn 226 tỷ đồng; 4 cá nhân môi giới hối lộ hơn 74 tỷ đồng và lừa đảo chiếm đoạt số tiền gần 25 tỷ đồng.
Các bị can còn trực tiếp hoặc qua trung gian móc nối, thỏa thuận với cán bộ thuộc Bộ Y tế, đưa hối lộ với số tiền lớn để có văn bản chấp thuận, xét duyệt cho công dân về nước trên các chuyến bay đơn lẻ.
Cơ quan an ninh điều tra đánh giá, đây là vụ án tham nhũng, lợi dụng chức vụ có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, được lãnh đạo các cấp, ban, ngành và dư luận rất quan tâm.
Hành vi của các bị can xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước, làm thay đổi tính nhân văn trong chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với việc bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài nói chung, đặc biệt trong hoàn cảnh bị mắc kẹt trong đại dịch Covid-19 nói riêng, cần đến sự hỗ trợ của cơ quan chức năng.
Điều này làm mất lòng tin của quần chúng nhân dân vào cơ quan nhà nước, do đó, cần phải đưa ra truy tố, xét xử nghiêm minh trước pháp luật.
Cựu cán bộ Bộ Y tế “ra giá” 10 - 15 triệu đồng/người
Quá trình điều tra, cơ quan công an đã xác định rõ hành vi cấu kết của một số cá nhân là lãnh đạo các doanh nghiệp với cán bộ có thẩm quyền, có thể tác động để giúp cho công dân về nước trên các chuyến bay đơn lẻ.
Theo đó, sau khi được Phạm Trung Kiên (cựu cán bộ giúp việc Thứ trưởng Bộ Y tế) đưa ra mức chi phí 10 triệu đồng/người được đưa về nước, Vũ Hồng Quang (cựu Phó trưởng phòng Vận tải hàng không, Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông - Vận tải) đã thông tin cho Nguyễn Mạnh Cương (Trưởng phòng Thương mại điện tử, Công ty cổ phần Thương mại hàng không Vietjet) và Vũ Hoàng Dũng (lao động tự do) biết.
Cương và Dũng trao đổi với Bùi Đăng Khoa, Giám đốc Công ty TNHH MTV Du ngoạn thế giới; Trương Thị Mỹ Dung, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại - Dịch vụ - Du lịch Ánh Sao Thiên; Phạm Quốc Thắng, Giám đốc Công ty TNHH PNR; Trần Minh Phụng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ - Du lịch và Xây dựng Gia Huy để tập hợp hồ sơ các công dân có nhu cần xin về nước và thỏa thuận chi phí chênh 100 - 500 USD/người.
Nhóm Khoa, Dung, Thắng, Phụng tập hợp các hồ sơ từ công dân có nhu cầu, sau đó tiếp tục thỏa thuận chi phí chênh để hưởng lợi.
Tương tự, Trần Thanh Nhã (lao động tự do) cũng liên hệ với Phạm Trung Kiên và được “ra giá” 10 - 15 triệu đồng/người được đưa về nước (chỉ một số ít trẻ em lấy chi phí 7 triệu đồng).
Nhã đã trao đổi với Đặng Nhật Đức, Giám đốc Công ty TNHH Top Agent Japan về việc có thể xin được văn bản cấp phép cho công dân về nước với mức phí 10 - 35 triệu đồng/người.
Sau đó, Đặng Nhật Đức trực tiếp nhận hồ sơ của người có nhu cầu về nước, hoặc thông qua Phạm Quốc Thắng, Trần Thị Ngân, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Ana Travel, thỏa thuận chi phí 25 - 160 triệu đồng/người. Những hồ sơ được Thắng và Ngân tập hợp tiếp tục được “đội giá” 100 - 500 USD/người so với chi phí Đức yêu cầu, nhằm hưởng lợi.
Cơ quan điều tra xác định, Vũ Hồng Quang đã đưa hối lộ gần 7,5 tỷ đồng cho Phạm Trung Kiên để được chấp thuận cho 624 người được nhóm của mình tập hợp để đưa về nước, qua đó nhóm này được hưởng lợi bất chính gần 20 tỷ đồng.
Trần Thanh Nhã cũng đưa hối lộ cho Kiên gần 7,5 tỷ đồng để đưa 461 người về nước, qua đó nhóm của Nhã hưởng lợi hơn 8,2 tỷ đồng.
Hành vi của Phạm Trung Kiên đã bị truy tố, xét xử trong giai đoạn 1 của vụ án và bị tuyên phạt mức án chung thân, trước cáo buộc nhận hối lộ hơn 42 tỷ đồng. Do đó, Cơ quan điều tra không xem xét, xử lý trong giai đoạn 2 này.
Thêm hàng loạt tỉnh, thành phố có cán bộ vi phạm
Trong giai đoạn 2 của vụ án, Cơ quan công an tiếp tục điều tra, làm rõ nhiều vi phạm về hành vi nhận hối lộ, tiếp tay cho các doanh nghiệp trục lợi trong hoạt động cách ly y tế đối với người được đưa về nước.
Tại tỉnh Thái Nguyên, sau khi có chủ trương tiếp nhận người từ nước ngoài về, với hình thức tự trả phí cách ly y tế tại khách sạn, Sở Ngoại vụ Thái Nguyên được giao làm đầu mối thực hiện.
Bị can Trần Tùng, Phó giám đốc Sở Ngoại vụ cấu kết với Trần Thị Quyên, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Sen vàng Đất Việt, “ép giá” khi phía Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản có đề nghị đưa công dân về cách ly, với chi phí trọn gói là 18 triệu đồng/người.
Trong khi đó, Tùng và Quyên bắt doanh nghiệp đưa người về nước là Công ty cổ phần Du lịch và Dịch vụ ăn uống Nhật Minh thống nhất chỉ để mức 10-12 triệu đồng/người trong hợp đồng, còn lại 6-8 triệu đồng phải chuyển ngoài hợp đồng cho Quyên. Mức phí này bị phản ánh là quá cao, song Tùng nhất quyết không giảm.
Từ tháng 4/2021 đến tháng 9/2021, Công ty cổ phần Du lịch và Dịch vụ ăn uống Nhật Minh thực hiện 3 chuyến bay, đưa 668 người về cách ly tại Thái Nguyên. Sau đó, Tùng và Quyên chia nhau số tiền hơn 4,4 tỷ đồng được chuyển ngoài hợp đồng.
Khi biết thông tin cơ quan công an khởi tố vụ án giai đoạn 1, Tùng đã nhờ người chuyển hơn 1,2 tỷ đồng cho Quyên để hợp thức hóa việc nhận tiền, với lý do nộp thuế vào kho bạc.
Chưa hết, cuối năm 2021 và đầu năm 2022, Tùng tiếp tục bắt tay với Quyên và Nguyễn Thị Hảo (lao động tự do) thực hiện các thủ tục xin cách ly y tế đối với 7 chuyến bay do Công ty Én Việt đưa người tại Nhật Bản về nước, qua đó hưởng lợi bất chính số tiền gần 3,3 tỷ đồng.
Với các hành vi trên, cơ quan điều tra đề nghị truy tố cựu Phó giám đốc Sở Ngoại vụ Thái Nguyên về 2 tội danh “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Tại tỉnh Quảng Nam, hai cựu phó giám đốc Sở Y tế và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng bị cáo buộc nhận hối lộ tổng cộng 850 triệu đồng để tham mưu, đề xuất ban hành chủ trương tiếp nhận công dân về cách ly y tế.
Còn tại Hải Dương, Lê Thị Phương, cựu chuyên viên Phòng Khoa giáo - Văn xã (Văn phòng UBND tỉnh) được xác định nhận hối lộ 650 triệu đồng để tham mưu, đề xuất chấp thuận cách ly y tế cho Công ty Sora và Công ty Biển Bạc.
Trong vụ án này, một cán bộ công an được xác định đã có hành vi giúp đỡ, hướng dẫn bị can khai gian dối, gây khó khăn lớn cho quá trình điều tra.
Theo đó, khi bị Cơ quan an ninh điều tra triệu tập làm việc do liên quan tới các vi phạm trong quá trình đề xuất, thực hiện các “chuyến bay giải cứu”, Trần Minh Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng Thái Hòa nhờ Nguyễn Xuân Thông (thời điểm này là cán bộ công an) giúp đỡ.
Thông đã gọi điện, giới thiệu bản thân đang công tác tại Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy công an Trung ương, đề nghị điều tra viên cho Tuấn lùi thời gian làm việc vào ngày khác vì “bận” đi công tác, không về kịp.
Dù biết hành vi của Tuấn là đưa hối lộ, giúp một số doanh nghiệp được thực hiện các chuyến bay, nhưng Thông vẫn hướng dẫn Tuấn khai gian dối, trốn tránh yêu cầu triệu tập, thậm chí lẩn trốn.
Ngày 26/8, Cơ quan an ninh điều tra khởi tố bị can đối với Nguyễn Xuân Thông về hành vi “che giấu tội phạm”. Cùng với đó, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy công an Trung ương cũng khai trừ đảng đối với bị can này.