Theo đánh giá ban đầu của các chuyên gia, đảo cát bồi này cao khoảng 2m, rộng khoảng 200m, dài khoảng 1,5km, chưa kể những bãi cát ngầm chưa lộ thiên. Tổng diện tích khoảng 15ha.
Bãi bồi tạo thành đảo cát giữa biển Hội An
Ông Trần Quang Hoài – Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai – cho biết, bãi bồi này cần nghiên cứu, đánh giá một cách chi tiết để xác định nguyên nhân hình thành từ đâu. Bãi bồi này nó tương tác rất phức tạp từ rất nhiều yếu tố. Từ trong Cửa Đại ra, từ biển vào…
Vị trí đảo nổi
“Chúng tôi đang phối kết hợp theo dõi diễn biến của khu vực bãi bồi này rồi xác định nguyên nhân của nó. Đến bây giờ chưa thể khẳng định được do nguyên nhân từ đâu. Chúng tôi sẽ cung cấp những thông tin này đến các cơ quan quản lý cũng như cơ quan báo chí để cung cấp cho xã hội được rõ”, ông Hoài nói.
“Hiện chúng tôi đang xem bãi bồi mới này nó tương tác với bờ như thế nào. Nếu nó kết hợp là một con đê ngầm chắn sóng khổng lồ giữ tác động sóng trong bờ thì chúng ta sẽ có cách ứng xử khác, nếu mà nó cản trở việc đưa cát từ trong bờ ra thì chúng ta sẽ có cách ứng xử khác” - ông Hoài cho biết thêm.
Bờ của đảo nổi cao khoảng 2m
Cũng theo ông Hoài, hiện cơ quan chuyên môn đang cắm mốc để đo vẽ bình đồ của đảo nổi này ra xung quanh đảo với phạm vi tối thiểu 1km để xác định diễn biến như thế nào rồi mới đưa ra được giải pháp.
Ông Lê Trí Thanh – Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam – cùng đi với đoàn khảo sát nhận định, việc hình thành bãi bồi này là một vấn đề rất phức tạp về mặt tự nhiên, nhất là khu vực cửa sông Thu Bồn và gần bãi biển Cửa Đại cũng bị sạt lở.
Một bãi biển đẹp, nước trong xanh
Theo ông Thanh, để có một đánh giá việc hình thành bãi bồi thì chưa thể đưa ra ngay vào lúc này được. Cần phải có thời gian, các cơ quan nghiên cứu, các nhà khoa học vào thực hiện quan trắc toàn bộ khu vực này. Và phạm vi quan trắc cũng rộng chứ không riêng cục bộ tại khu vực bãi bồi này mà phải tính từ khu vực Đà Nẵng giáp đến tỉnh Quảng Ngãi mới có thể đánh giá diễn biến trong quá khứ, hiện tại và tương lai như thế nào.
Trên cơ sở quan trắc, nghiên cứu đánh giá có chiều dài lịch sử, các nhà khoa học đưa ra được những khuyến cáo nên ứng xử như thế nào với bãi bồi này.
Một hồ nước giữa đảo nổi
Có hai phương án đưa ra. Thứ nhất, nếu chúng ta chấp nhận sự tồn tại của bãi bồi này thì phải đánh giá cho được thì dự kiến nó sẽ hình thành như thế nào trong tương lai và sự hình thành đó nó ảnh hưởng tích cực, tiêu cực thế nào đến môi trường, đến luồng tàu cũng như đến quá trình sạt lở bờ biển Cửa Đại.
Qua đó, nếu chấp nhận cho sự tồn tại của bãi bồi này thì phải đưa ra ngay giải pháp là xử lý như thế nào để nó tồn tại một cách bền vững”, ông Thanh nói.
Cơ quan chức năng kiểm tra, nghiên cứu để ứng xử với đảo nổi
Phương án thứ 2 là phải xử lý đảo nổi này. Nếu xử lý, phải "trả lời" cho được câu hỏi: Xử lý bao nhiêu là vừa? Vì hiện bãi bồi này đã lên đến 50-60 triệu m3 cát. Mình lấy bao nhiêu là vừa? Lấy để phục vụ việc gì? Và chắc chắn, sự hình thành bãi cát này có mối quan hệ với sạt lở bờ biển Cửa Đại - ông Thanh đưa ra ý kiến.
“Như vậy phải bù đắp bao nhiêu là vừa và việc lấy cát ở bãi bồi này nó ảnh hưởng như thế nào đối với khu vực xung quanh? Và lấy hết hay lấy từng phần? Đó là các câu hỏi mà các nhà khoa học phải vào cuộc giúp đỡ cho Quảng Nam đưa ra câu trả lời và giải pháp chính xác nhất”, ông Thanh "chốt lại" quan điểm của mình.