Phù phép giấy tờ
Với mục đích xin cấp giấy phép xây dựng trong khuôn viên ngôi biệt thự tại địa chỉ số 22 - đường Hùng Vương (TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng), Công ty cổ phần Địa ốc Đà Lạt dùng chiêu trò “hô biến” giấy tờ hòng qua mặt Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng để được cơ quan này cấp giấy phép xây dựng có thời hạn trên khu đất cấm.
. |
Lô đất số 22 - đường Hùng Vương thuộc khu đô thị phía Đông và quy hoạch là đất ở cải tạo chỉnh trang trong khu vực vành đai trục di sản Đông - Tây. Tháng 7/2017, Địa ốc Đà Lạt nộp hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng có thời hạn. Theo quy định, hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng bao gồm bản sao có công chứng hoặc bản photo được bộ phận một cửa đối chiếu với bản gốc. Hồ sơ xin cấp phép của Địa ốc Đà Lạt nộp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đóng dấu treo của Công ty và bản photo Quyết định số 1473/QĐ-UBND ngày 5/7/2010 của UBND tỉnh Lâm Đồng. Sau 1 tháng nộp hồ sơ, Địa ốc Đà Lạt được Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng cấp phép xây dựng công trình số 151/GPXD ngày 24/8/2017.
Tuy nhiên, sau khi cấp phép, cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng đã phát giác các bản chụp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và Quyết định số 1473/QĐ-UBND do Địa ốc Đà Lạt nộp trong hồ sơ là giả mạo, bị cắt xén, cạo sửa và sai lệch so với bản gốc. Cụ thể, phần những thay đổi sau khi cấp giấy chứng nhận sử dụng đất của giấy chứng nhận sử dụng đất do Địa ốc Đà Lạt nộp có sai khác so với bản gốc do Sở Tài nguyên và Môi trường Lâm Đồng cấp.
Theo đó, bản gốc ghi: “Điều chỉnh mục đích sử dụng đất đối với diện tích 3.059,66 m2 thuộc… từ đất rừng cảnh quan sang đất cơ sở sản xuất kinh doanh và chỉ được sử dụng làm đường nội bộ, công viên hoa, sân vườn, không được xây dựng công trình…”, nhưng bản photo trong hồ sơ xin cấp phép đã giả mạo, xóa phần nội dung “chỉ được sử dụng làm đường nội bộ, công viên hoa, sân vườn, không được xây dựng công trình”. Chiêu trò cắt dán đó cũng được Địa ốc Đà Lạt sử dụng để thay đổi nội dung trong bản photo Quyết định số 1473/QĐ-UBND để cắt đi phần nội dung “diện tích đất được điều chỉnh nêu trên chỉ được sử dụng làm đường đi nội bộ, công viên hoa, sân vườn không được xây dựng công trình”.
Sự việc vỡ lở, Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng đã quyết định thu hồi giấy phép xây dựng có thời hạn số 151/GPXD đã cấp cho Địa ốc Đà Lạt, do giấy phép này không phù hợp với mục đích sử dụng đất được phê duyệt. Sở này cũng yêu cầu Địa ốc Đà Lạt phải tháo dỡ toàn bộ hạng mục công trình đã được xây dựng theo giấy phép số 151/GPXD, bao gồm 3 công trình dịch vụ, 1 công trình phụ trợ và 1 nhà bảo vệ và trả lại nguyên trạng đất sử dụng theo đúng Quyết định số 1473/QĐ-UBND.
Về diễn biến mới này, ông Nguyễn Quang Trung, thành viên HĐQT Địa ốc Đà Lạt, đại diện cho nhóm cổ đông nắm quyền chi phối nhưng không nắm được quyền điều hành cho phóng viên Báo Đầu tư biết, nhóm cổ đông hoàn toàn không biết gì về chủ trương cũng như kế hoạch xây dựng các công trình tại lô đất số 22 - đường Hùng Vương.
Tiếp tục đáo tụng đình
Liên quan tới câu chuyện cho vay, cầm cố lượng lớn cổ phiếu Địa ốc Đà Lạt (mã chứng khoán DLR) giữa ông Trịnh Ngọc Thanh (Chủ tịch HĐQT Địa ốc Đà Lạt nhiệm kỳ 2015 - 2016) và các cá nhân liên quan, sau phán quyết của Toà án Nhân dân quận 1 (TP.HCM) bác bỏ toàn bộ yêu cầu khởi kiện, ông Thanh đã kháng cáo. Ngày 16/1/2018, Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM ra quyết định kháng nghị phúc thẩm. Theo nguồn tin của phóng viên Báo Đầu tư, hiện Toà án Nhân dân TP.HCM đã ra quyết định phong toả toàn bộ số cổ phiếu DLR đang tranh chấp và đang tiến hành thụ lý chuẩn bị cho phiên xét xử phúc thẩm vụ án.
Như Báo Đầu tư đã phản ánh, một nguyên nhân quan trọng dẫn tới các tranh chấp nội bộ hai nhóm cổ đông lớn là câu chuyện ông Trịnh Ngọc Thanh vay, cầm cố lượng lớn cổ phiếu Địa ốc Đà Lạt.
Cụ thể, mâu thuẫn nổ ra khi ông Thanh (người vay nợ) mất khả năng trả nợ khoản vay cầm cố chứng khoán dù đã quá thời điểm đáo hạn gần 1 năm và bị ông Nguyễn Minh Trí (chủ nợ) và Công ty cổ phần Chứng khoán Phú Gia bán số lượng 1.323.036 cổ phiếu DLR do ông Thanh cầm cố để thu hồi công nợ. Theo thoả thuận, ông Thanh vay 7 tỷ đồng của ông Trí để mua cổ phiếu DLR trong thời hạn 3 tháng (lãi suất 21%/năm). Nhằm đảm bảo khoản vay, ông Thanh thế chấp 900.000 cổ phiếu DLR (tương đương 20% vốn điều lệ Địa ốc Đà Lạt) do mình nắm giữ trong tài khoản lưu ký chứng khoán tại Công ty cổ phần Chứng khoán Phú Gia. Cùng với ký thỏa thuận, ông Thanh lập Giấy cam kết và Ủy quyền bán, chuyển nhượng, xử lý tài sản thế chấp cho bên nhận ủy quền là ông Trí và Công ty cổ phần Chứng khoán Phú Gia. Sau khi mua thêm, ông Thanh sở hữu tổng số lượng 1.323.036 cổ phiếu (tương ứng 29,4% vốn điều lệ) và nắm giữ chức Chủ tịch HĐQT, người đại diện pháp luật của Địa ốc Đà Lạt.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, dù các công ty niêm yết dù đã rục rịch bước vào mùa đại hội cổ đông thường niên năm 2018, song Địa ốc Đà Lạt vẫn chưa có động thái nào để chuẩn bị cho hoạt động này. Như vậy, Địa ốc Đà Lạt đang vi phạm Luật Doanh nghiệp, bởi 2 năm gần đây doanh nghiệp này không tổ chức Đại hội cổ đông thường niên theo luật định.
Hoạt động của Địa ốc Đà Lạt đang ngập chìm trong khó khăn và bê bối. Ngoài tình cảnh hoạt động kinh doanh đình trệ, Địa ốc Đà Lạt đang bị bủa vây bởi các khoản nợ gồm nợ ngân hàng quá hạn, nợ xấu, nợ thuế, nợ lương, nợ bảo hiểm, nợ nhà cung cấp… và đều không có phương án xử lý. Mới đây, cổ phiếu DLR của Địa ốc Đà Lạt còn bị Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội liệt vào diện bị cảnh báo, kiểm soát và nhắc nhở trên toàn thị trường.
Theo thông tin phóng viên Báo Đầu tư có được, vào ngày 2/3/2018, bà Lê Thị Kim Chính, Tổng giám đốc Địa ốc Đà Lạt (nhiệm kỳ 2015 - 2016) đã có báo cáo với UBND tỉnh và Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, giải trình về sự việc phù phép giấy tờ để xin cấp phép xây dựng. Theo đó, lãnh đạo Địa ốc Đà Lạt đổ lỗi cho bên đối tác thuê đất là Công ty TNHH Tư vấn thiết kế đầu tư xây dựng Kiến Đại Việt (tỉnh Lâm Đồng). Tuy nhiên, Trưởng ban kiểm soát của Địa ốc Đà Lạt cho rằng, giải thích này là rất khôi hài và không thể chấp nhận được, vì pháp nhân đứng ra lập và nộp hồ sơ ghi rõ là Địa ốc Đà Lạt.
Những diễn biến mới nhất báo hiệu Địa ốc Đà Lạt tiếp tục ngập chìm trong bê bối và tranh chấp không hồi kết, nhiều cổ đông đã mường tượng tới kịch bản Địa ốc Đà Lạt sẽ rơi vào tình trạng phá sản.