Điểm nóng
Vụ thông thầu tại Bệnh viện TP. Thủ Đức: Vợ chồng cựu giám đốc mua bất động sản để “rửa tiền”
Huệ Nguyễn - 30/11/2023 09:26
Tòa án Nhân dân TP.HCM đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án liên quan các sai phạm của cựu Giám đốc Bệnh viện TP. Thủ Đức Nguyễn Minh Quân cùng nhóm đồng phạm, trước cáo buộc tham ô hơn 103 tỷ đồng.
Bệnh viện TP. Thủ Đức (TP.HCM)

Lợi dụng chức vụ để thao túng tất cả các gói thầu thiết bị y tế

Theo thông báo, hôm nay (30/11), Tòa án Nhân dân TP.HCM mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án liên quan tới các sai phạm trong đấu thầu trang thiết bị y tế tại Bệnh viện TP. Thủ Đức.

Trong số 9 bị cáo, Nguyễn Minh Quân, cựu Giám đốc Bệnh viện TP. Thủ Đức và Nguyễn Văn Lợi, Giám đốc Công ty Nguyễn Tâm bị xét xử về hai tội danh “Tham ô tài sản” và “Rửa tiền”; vợ của Quân là Nguyễn Trần Ngọc Diễm bị xét xử về tội

“rửa tiền”.

Có 5 bị cáo là cựu nhân viên Bệnh viện TP. Thủ Đức, gồm hai cựu phó giám đốc Nguyễn Thị Ngọc, Nguyễn Lan Anh; Ngô Trương Ngọc Bích, cựu Trưởng phòng Vật tư thiết bị y tế; Đặng Thị Hiên, cựu Kế toán trưởng; Nguyễn Huy Việt, nhân viên Phòng Vật tư thiết bị y tế; Trần Hậu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Thiết bị y tế Hải Đăng cùng bị đưa ra xét xử về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu, gây hậu quả nghiêm trọng”.

Trong vụ án này, một số cán bộ, nhân viên của Bệnh viện TP. Thủ Đức làm thành viên của các tổ liên quan đến hoạt động đấu thầu, đã có hành vi ký hoàn thiện các thủ tục, hợp thức hồ sơ thầu được soạn sẵn. Tuy nhiên, các cá nhân này không biết các công ty dự thầu, trúng thầu đều là của Nguyễn Văn Lợi và Nguyễn Minh Quân, cũng như việc gian lận trong đấu thầu để chiếm đoạt tài sản Nhà nước.

Các cá nhân này không được hưởng lợi, trong quá trình điều tra đã thành khẩn khai báo, tích cực hợp tác và phối hợp với cơ quan điều tra để làm rõ vụ án, nên không bị xem xét trách nhiệm hình sự.

Phiên tòa do Chánh tòa hình sự Tòa án Nhân dân TP.HCM Phạm Lương Toản làm chủ tọa; dự kiến xét xử từ ngày 29/11 đến ngày 1/12.

Để phục vụ xét xử, Tòa án đã triệu tập đại diện UBND TP. Thủ Đức, Sở Y tế TP.HCM và hơn 30 công ty, tổ chức, cá nhân tham gia phiên tòa với tư cách là người có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan.

Ngoài ra, Tòa cũng triệu tập đại diện Bệnh viện TP. Thủ Đức tham gia phiên tòa với tư cách bị hại; đại diện Hội đồng Định giá tài sản trong tố tụng hình sự (Bộ Y tế); Hội đồng Định giá trong tố tụng hình sự TP.HCM tham dự phiên tòa.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Bệnh viện TP. Thủ Đức tiền thân là Trung tâm Y tế huyện Thủ Đức; đến năm 2007 được chuyển thành Bệnh viện quận Thủ Đức, trực thuộc UBND quận Thủ Đức, TP.HCM, do Nguyễn Minh Quân giữ chức vụ Giám đốc, đại diện pháp luật.

Cuối năm 2016, đơn vị này được đổi tên thành Bệnh viện TP. Thủ Đức, là đơn vị trực thuộc Sở Y tế TP.HCM. Thời điểm này, Bệnh viện bắt đầu thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính.

Sau khi được Sở Y tế TP.HCM và UBND TP. Thủ Đức đồng ý về mặt chủ trương mua sắm thiết bị y tế để phục vụ khám, chữa bệnh (Bệnh viện TP. Thủ Đức tự bố trí nguồn vốn và thực hiện hoạt động đấu thầu), Quân đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để tham ô tài sản.

Giai đoạn 2016-2020, Bệnh viện TP. Thủ Đức đã tổ chức đấu thầu 31 gói thầu mua sắm thiết bị y tế, trong đó có 28 gói thầu đã phê duyệt kết quả trúng thầu, đã hoàn thiện việc thanh toán, với tổng giá trị hơn 346,2 tỷ đồng.

Cơ quan tố tụng xác định, để can thiệp, thâu tóm toàn bộ các gói thầu trên, Quân đã chỉ đạo Nguyễn Văn Lợi (là người làm thuê cho vợ chồng Quân) thành lập Công ty TNHH Thương mại dịch vụ sản xuất Nguyễn Tâm (Lợi đứng tên chủ sở hữu và đại diện theo pháp luật); Công ty TNHH Thanh Vương Sài Gòn (vợ của Lợi là Đồng Thị Xuân Thu đại diện theo pháp luật); Công ty TNHH Dược phẩm Trung Dung (Phạm Thị Bích Chi, kế toàn Công ty Nguyễn Tâm là người đại diện theo pháp luật).

Bên cạnh đó, Lợi cũng sử dụng Công ty TNHH Ngọc Đạo do Nguyễn Trần Ngọc Diễm (vợ của Quân) thành lập. Sau đó, Diễm ủy quyền cho Nguyễn Văn Lợi là người đại diện pháp luật để Lợi chủ động sử dụng pháp nhân thực hiện theo chỉ đạo của Quân.

Thủ đoạn của các bị cáo này là khi tham gia đấu thầu các gói thầu của Bệnh viện TP. Thủ Đức, Quân chỉ đạo Lợi giao nhân viên lập các hợp đồng mua bán khống, lòng vòng giữa các công ty trong nhóm để nâng giá thiết bị, máy móc cao hơn giá thị trường, sau đó sử dụng 3 trong nhóm 4 công ty do Lợi quản lý để nộp hồ sơ dự thầu với giá máy móc, thiết bị đã nâng khống.

Khi làm hồ sơ dự thầu và tham gia đấu thầu, Lợi chỉ đạo Trần Hậu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Thiết bị y tế Hải Đăng (Phó giám đốc Công ty Ngọc Đạo) cố tình làm một bộ hồ sơ có tiêu chí tốt hơn 2 hồ sơ còn lại, mục đích để công ty này trúng thầu.

Cùng với đó, Quân chỉ đạo các nhân viên dưới quyền không thực hiện đúng các quy định về đấu thầu, chấm thầu, thẩm định hồ sơ dự thầu, giúp cho các công ty thuộc quyền quản lý của mình trúng 27 gói thầu, với tổng giá trị 345 tỷ đồng, qua đó Quân và đồng phạm đã chiếm đoạt hơn 103 tỷ đồng.

“Rửa tiền” bằng cách chuyển lòng vòng, mua bất động sản, xe ô tô

Sau khi Bệnh viện TP. Thủ Đức thanh toán tiền cho các công ty trúng thầu, để che giấu nguồn tiền này, Quân yêu cầu Lợi chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng đứng tên Lợi, nhưng do Quân sử dụng; hoặc chuyển tiền vào tài khoản Công ty Ngọc Đạo để hợp thức thanh toán các hợp đồng mua bán khống.

Thêm vào đó, Quân cũng sử dụng Công ty Nguyễn Tâm đứng tên mua ô tô, nhưng thực chất để cho Quân sử dụng; chỉ đạo chuyển tiền mặt hoặc vào các tài khoản ngân hàng đứng tên Diễm và thanh toán tiền mua bất động sản, ô tô cho vợ chồng Quân.

Theo đó, trong tổng số tiền 67,9 tỷ đồng nhận được từ Lợi, Diễm đã mua các bất động sản trị giá 51,7 tỷ đồng; Công ty Nguyễn Tâm mua 2 xe ô tô trị giá gần 9 tỷ đồng...

Tại cơ quan điều tra, Quân chưa thành khẩn khai báo, đổ lỗi, đùn đẩy trách nhiệm cho cấp dưới, do đó cơ quan tố tụng đề nghị cần xử lý nghiêm để đảm bảo tính răn đe và phòng ngừa chung.

Trong khi đó, Lợi đã thành khẩn, hợp tác khai báo, có thái độ ăn năn, hối cải, tích cực phối hợp với gia đình nộp 14 tỷ đồng để khắc phục hậu quả.

Nhờ “chạy án” khi biết khó thoát tội

Liên quan vụ việc trên, đầu năm 2021, biết mình bị Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) của Bộ Công an điều tra về các hành vi vi phạm trong công tác đấu thầu tại Bệnh viện, Nguyễn Minh Quân đã tìm cách thoát tội.

Quân đã liên hệ đặt vấn đề và được Bùi Trung Kiên, cựu cán bộ C03 hứa giúp “chạy án”, nên đã đưa 2,2 triệu USD làm “chi phí”. Cùng với đó, Kiên cũng yêu cầu Quân đưa thêm 1,5 triệu USD để “giúp đỡ” Nguyễn Văn Lợi, Giám đốc Công ty Nguyễn Tâm không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Để xác định thiệt hại tại các gói thầu, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã có yêu cầu giám định tài sản, đề nghị Bộ Y tế định giá đối với 2 gói thầu năm 2017 và một gói thầu năm 2018. Kết quả, xác định thiệt hại gần 34 tỷ đồng.

Cùng với đó, Hội đồng Định giá tài sản trong tố tụng hình sự TP.HCM định giá 24 gói thầu còn lại, gồm 211 thiết bị (trong đó có 75 thiết bị không đủ căn cứ pháp lý để kết luận định giá) với giá trị hơn 47 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau khi nhận tổng số tiền 3,7 triệu USD, Kiên không nhờ ai và không đưa tiền cho bất kỳ ai để “chạy án” giúp Quân, mà mang tiền đi đầu tư bất động sản tại TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và nhiều địa phương khác.

Khi thấy Kiên không lo được việc, ông Quân đòi lại tiền và được Kiên trả lại khoảng 1,15 triệu USD (gồm 500.000 USD và 15 tỷ đồng).

Tiếp đó, Quân nhờ Trần Văn Long, cựu Tổng giám đốc Công ty cổ phần Truyền thông Du lịch Việt và luật sư Bùi Thị Hồng Giang để nhờ “tư vấn pháp luật”. Hai người này nhận của Quân hơn 1,5 triệu USD, sau đó đưa cho Lê Thanh An, cựu cán bộ phòng 5, C03, Bộ Công an để tiếp tục nhờ “chạy án” cho vợ chồng Quân.

An nhờ Hà Duy Tuấn, cựu Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Công ty cổ phần Đầu tư Long Thịnh cầm 970.000 USD đến nhờ Nguyễn Ngọc Triệu, cựu Trụ trì chùa Nôm (Hưng Yên) để lo lót, chạy tội cho Nguyễn Minh Quân, song không được.

Cuối năm 2022, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội đã tiến hành xét xử sơ thẩm 6 bị cáo trong vụ “chạy án” cho cựu Giám đốc Bệnh viện TP. Thủ Đức Nguyễn Minh Quân.

Sau khi xem xét hồ sơ và lời khai của các bị cáo liên quan, Hội đồng Xét xử quyết định tuyên phạt bị cáo Bùi Trung Kiên 9 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Các bị cáo phạm tội “Môi giới hội lộ” gồm Lê Thanh An bị tuyên phạt 6 năm tù; Bùi Thị Hồng Giang và Trần Văn Long cùng mức án 9 năm tù; Nguyễn Ngọc Triệu 5 năm tù; Trần Văn Long 3 năm tù.

Cơ quan tố tụng đánh giá, hành vi đưa tiền để nhờ chạy án của cựu Giám đốc Bệnh viện TP. Thủ Đức Nguyễn Minh Quân có đủ dấu hiệu cấu thành tội “Đưa hối lộ”. Tuy nhiên, do Quân đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, nên được cơ quan điều tra miễn trách nhiệm hình sự.

Tin liên quan
Tin khác