Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính). |
Thưa ông, theo Dự thảo Nghị định về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất mà Bộ Tài chính đang xây dựng và sẽ trình Chính phủ ban hành trong thời gian sớm nhất, để được gia hạn nộp thuế, người nộp thuế phải làm thủ tục gì?
Theo Dự thảo, người nộp thuế thuộc đối tượng được gia hạn thuế không phải nộp bất cứ loại giấy tờ, hồ sơ, biên bản nào cho cơ quan thuế, ngoài giấy đề nghị gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất đối với các khoản thuế, tiền thuê đất được gia hạn theo mẫu ban hành kèm theo. Người nộp thuế gửi giấy đề nghị gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất đến cơ quan thuế có thể qua hình thức điện tử, tức là không phải đến trực tiếp cơ quan thuế quản lý hoặc hình thức khác tuỳ người nộp thuế lựa chọn.
Khi nhận được giấy đề nghị của người nộp thuế, cơ quan thuế tự động gia hạn mà không cần phải thông báo cho người nộp thuế về việc có chấp nhận gia hạn hay không. Đối tượng được gia hạn thuế lần này rất rộng, như toàn bộ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm 93% số doanh nghiệp đang hoạt động, chưa kể doanh nghiệp lớn và vừa hoạt động trong những ngành nghề, lĩnh vực được gia hạn và hộ gia đình, cá nhân kinh doanh, nên gian lận, nếu có cũng rất ít.
Trường hợp cơ quan thuế có cơ sở xác định người nộp thuế không thuộc đối tượng gia hạn, tức là có gian lận, thì ngay lập tức dừng gia hạn và người nộp thuế phải nộp đủ số tiền thuế, tiền thuê đất và tiền chậm nộp trong khoảng thời gian gia hạn.
Như vậy, người nộp thuế thuộc đối tượng được gia hạn không cần phải gửi cơ quan thuế hồ sơ bồi thường thiệt hại của cơ quan bảo hiểm theo quy định tại Thông tư 156/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính, thưa ông?
Tất cả đối tượng bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 đều được gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất, không phân biệt bị thiệt ít hay nhiều, nên không cần phải có biên bản kiểm kê, đánh giá giá trị vật chất thiệt hại. Gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất lần này không phân biệt người nộp thuế có mua bảo hiểm hay không, được cơ quan bảo hiểm bồi thường thiệt hại thế nào, nên không cần phải gửi cơ quan thuế hồ sơ bồi thường thiệt hại của cơ quan bảo hiểm.
Có 3 nhóm đối tượng được gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân, tiền thuê đất được quy định trong Dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Căn cứ quy định này, người nộp thuế sẽ biết mình có thuộc đối tượng được gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất hay không. Thủ tục gia hạn cũng rất đơn giản, dễ thực hiện, nên ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ký ban hành nghị định là thực hiện ngay, mà không cần phải có thông tư hướng dẫn.
Riêng với doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, không phân biệt hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực, ngành nghề nào, nếu xác định thuộc đối tượng này, thì đều được gia hạn thuế, tiền thuê đất. Như vậy, chỉ tính riêng đối tượng này, đã có 93% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động được gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất.
Tiền nợ thuế hiện vào khoảng 90.000 tỷ đồng, trong đó có nợ tiền thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất. Thưa ông, có gia hạn toàn bộ tiền thuế, tiền thuê đất lũy kế đến thời điểm này hay không?
Chỉ gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng phát sinh phải nộp của tháng 3, tháng 4, tháng 5, tháng 6/2020 và số thuế giá trị gia tăng phát sinh phải nộp của quý I và quý II/2020 đối với người nộp thuế kê khai thuế giá trị gia tăng phải nộp theo tháng, theo quý. Trong trường hợp người nộp thuế khai bổ sung hồ sơ khai thuế đối với kỳ nộp thuế trước đó, làm tăng số thuế giá trị gia tăng phải nộp, thì số thuế bổ sung phải nộp cũng được gia hạn.
Trường hợp người nộp thuế sản xuất, kinh doanh nhiều ngành kinh tế khác nhau, trong đó có ngành nghề được gia hạn thuế, thì được gia hạn toàn bộ số thuế giá trị gia tăng. Doanh nghiệp kinh doanh trên nhiều địa bàn khác nhau, thì ở trụ sở chính, công ty mẹ được gia hạn thuế, chi nhánh, công ty con hoạt động ở địa bàn khác cũng được gia hạn thuế, nhưng chỉ gia hạn với thuế giá trị gia tăng của tháng 3, tháng 4, tháng 5, tháng 6 và quý I, quý II/2020.
Người nộp thuế được Nhà nước cho thuê đất trả tiền hàng năm và đất sử dụng vào mục đích sản xuất, kinh doanh thuộc ngành nghề được gia hạn tiền thuê đất, thì được gia hạn tiền thuê đất phải nộp năm 2020. Cá nhân phải nộp thuế thu nhập cá nhân năm 2020 cũng được gia hạn tiền thuế thu nhập cá nhân năm 2020.
Tức là người nộp thuế nợ thuế, nợ tiền thuê đất phát sinh trước và sau thời điểm được gia hạn phải thực hiện nộp đầy đủ, đúng hạn vào ngân sách nhà nước, nếu nộp chậm sẽ bị tính tiền chậm nộp.
Rất nhiều người nợ tiền thuế, tiền thuê đất là do gặp khó khăn, vậy tại sao không giãn số tiền thuế, tiền thuê đất này để người nộp thuế vượt qua khó khăn trước diễn biến khó lường của dịch Covid-19?
Lần này, Chính phủ quyết định gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất để hỗ trợ tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, hộ gia đình gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh do tác động trực tiếp bởi dịch Covid-19, chứ không hỗ trợ các ngành nghề, hoạt động kinh doanh bị tác động gián tiếp và không hỗ trợ những trường hợp không bị tác động bởi dịch Covid-19.
Hơn nữa, nếu gia hạn tiền nợ thuế lũy kế từ trước đến nay là đánh đồng giữa người nộp thuế chấp hành tốt luật thuế, nộp đầy đủ nghĩa vụ tài chính vào ngân sách nhà nước và người nộp thuế cố tình chây ỳ, cố tình nợ đọng thuế. Theo đó, người nộp thuế thuộc đối tượng được gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất chỉ được gia hạn số thuế, số tiền thuê đất phát sinh trong thời gian kể trên, còn số nợ cũ vẫn phải có nghĩa vụ nộp vào ngân sách nhà nước, nếu không sẽ bị tính tiền chậm nộp.
Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi sát dịch bệnh, cùng với các bộ, ngành, hiệp hội doanh nghiệp phân tích, đánh giá tác động của dịch bệnh tới hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ đó đề xuất, xây dựng chính sách tài chính, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh kịp thời.