Tài chính - Chứng khoán
Nghị định gia hạn thuế và tiền thuê đất sẽ có hiệu lực ngay, không cần thông tư hướng dẫn
Huy Thắng - 12/03/2020 11:45
Chiều 11/3, Bộ Tài chính đã tổ chức buổi họp báo chuyên đề giải đáp về dự thảo Nghị định về gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất, giải đáp các nội dung liên quan để doanh nghiệp nắm rõ. Bộ Tài chính khẳng định sẽ, hỗ trợ tạo thuận lợi tối đa để các doanh nghiệp được gia hạn thuế, tuy nhiên, vẫn phải bảo đảm đúng thẩm quyền trong Luật.
Đại diện Bộ Tài chính trao đổi về dự thảo Nghị định. Ảnh:VGP/Huy Thắng.

Ngày 4/3, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19, tại điểm 1, Mục II của Chỉ thị có giao: Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bở dịch COVID-19, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3/2020.

Ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ chính sách thuế cho biết, qua rà soát, đánh giá, tổng hợp ý kiến các bộ, ngành, các hiệp hội doanh nghiệp, các chuyên gia và thông tin báo chí, Bộ tài chính đã xây dựng dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất nhằm kịp thời hỗ trợ cho các đối tượng hoạt động, sản xuất kinh doanh trong các ngành kinh tế chịu tác động trực tiếp của dịch COVID-19 .

Dự thảo Nghị định quy định áp dụng đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất trong các ngành: Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản; Sản xuất, chế biến thực phẩm; Dệt; Sản xuất trang phục; Sản xuất giày, dép; Sản xuất sản phẩm từ cao su; Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính; Sản xuất, lắp ráp ô tô (trừ sản xuất, lắp ráp ô tô từ 09 chỗ ngồi trở xuống).

Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động kinh doanh trong các ngành: Vận tải đường sắt; Vận tải đường bộ; Vận tải đường thủy; Vận tải hàng không; Kho bãi và các hoạt động hỗ trợ cho vận tải; Dịch vụ lưu trú, dịch vụ ăn uống; Hoạt động của các đại lý du lịch, kinh doanh tua du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tua du lịch cũng được gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân, tiền thuê đất.

Danh mục ngành kinh tế nêu trên được xác định theo Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 6/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về Ban hành hệ thống ngành kinh tế Việt Nam.

Bộ Tài chính đề xuất thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT 5 tháng đối với số thuế GTGT phải nộp từ tháng 3 đến tháng 6 năm 2020 (nộp thuế trong tháng 4 đến tháng 7) thì số thu ngân sách nhà nước (NSNN) của các tháng đó giảm khoảng khoảng 22.600 tỷ đồng. Trong đó, số thuế GTGT giãn của doanh nghiệp theo ngành kinh tế: 11.700 tỷ đồng; số thuế GTGT giãn của doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ: 10.900 tỷ đồng).
 
Tuy nhiên, số thu NSNN của năm 2020 không giảm do doanh nghiệp phải thực hiện nộp vào NSNN trước ngày kết thúc năm. 

Đối với hộ kinh doanh, dự kiến được gia hạn là khoảng 3.000 tỷ đồng nhưng số thu NSNN của năm 2020 không giảm do hộ, cá nhân kinh doanh phải thực hiện nộp vào NSNN trước ngày 15/12/2020.

Dự kiến số tiền thuê đất được gia hạn khoảng 4.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, số thu NSNN của năm 2020 không giảm do doanh nghiệp hộ, cá nhân kinh doanh phải thực hiện nộp vào NSNN trước ngày 31/10/2020. Như vậy vối đối tượng và thời gian gia hạn như dự thảo thì số thuế và tiền thuê đất dự kiến gia hạn trên 30 ngàn tỷ đồng.

Doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình, kinh doanh có thể gửi giấy đề nghị, gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất theo phương thức điện tử hoặc phương thức khác do người nộp thuế lựa chọn cho cơ quan thuế chậm nhất là ngày 31/5/2020.

Xung quanh dự thảo của Bộ Tài chính có nhiều ý kiến khác nhau xung quanh dự thảo Nghị định này như thời gian hỗ trợ tương đối cứng, cần làm rõ về mức độ hỗ trợ, thủ tục hỗ trợ …Đại diện Bộ Tài chính đã giải đáp thắc mắc liên quan đến dự thảo này.

Cụ thể, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) cho biết: Bộ Tài chính soạn thảo các chính sách hỗ trợ phải dựa vào tổng hợp tình hình thiệt hại từ các bộ ngành, tình hình thực tế, còn phải căn cứ vào thẩm quyền của Chính phủ quy định trong Luật. Cụ thể, tại Điều 49 Luật Quản lý thuế (đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 14 Điều 1 Luật số 21/2012/QH13, khoản 3 Điều 6 Luật số 71/2014/QH13): gia hạn nộp thuế trong trường hợp “không có khả năng nộp thuế đúng hạn do gặp khó khăn đặc biệt khác theo quy định của Chính phủ và Thời gian gia hạn nộp thuế tối đa không quá 1 năm, kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế”.

Về thẩm quyền gia hạn nộp thuế (khoản 1 Điều 50 Luật Quản lý thuế (đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 15 Điều 1 Luật số 21/2012/QH13) quy định “Chính phủ gia hạn nộp thuế trong trường hợp việc gia hạn nộp thuế không dẫn đến điều chỉnh dự toán thu ngân sách nhà nước đã được Quốc hội quyết định”.

Với những băn khoăn về quy trình và thủ tục phức tạp, Vụ trưởng Vụ chính sách thuế Phạm Đình Thi khẳng định: Doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình kinh doanh thuộc đối tượng gia hạn chỉ cần gửi Giấy đề nghị gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất đối với các khoản thuế, tiền thuê đất được gia hạn theo mẫu cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp để đề nghị gia hạn.

Doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình kinh doanh có thể gửi Giấy đề nghị gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất theo phương thức điện tử hoặc phương thức khác do người nộp thuế lựa chọn cho cơ quan thuế chậm nhất là ngày 31/5/2020. Nếu quá thời hạn này mà người nộp thuế không gửi đến cơ quan thuế thì không được gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất theo quy định.

Dự thảo Nghị định nêu rõ, người nộp thuế chịu trách nhiệm về việc đề nghị gia hạn đảm bảo đúng đối tượng được gia hạn. Cơ quan thuế không phải thông báo cho người nộp thuế về việc chấp nhận gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất.

Tuy nhiên, trường hợp trong thời gian gia hạn, cơ quan thuế có cơ sở xác định người nộp thuế không thuộc đối tượng gia hạn thì có văn bản thông báo cho người nộp thuế về việc dừng gia hạn và người nộp thuế phải nộp đủ số tiền thuế, tiền thuê đất và tiền chậm nộp trong khoảng thời gian đã thực hiện gia hạn nhưng không đúng đối tượng. Trong thời gian được gia hạn nộp thuế, cơ quan thuế căn cứ Giấy đề nghị gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất, không tính tiền chậm nộp tiền thuế, tiền thuê đất đối với số tiền thuế, tiền thuê đất được gia hạn.

Đáng chú ý, dự thảo Nghị định này cũng khá linh hoạt, “ngay cả với doanh nghiệp kinh doanh nhiều ngành nghề, chỉ cần có 1 ngành nghề thuộc đối tượng hoãn thuế thì doanh nghiệp đó vẫn được áp dụng. Đồng thời, chúng tôi xây dựng Nghị định theo hướng cụ thể hoá để áp dụng luôn, không cần thông tư hướng dẫn”, ông Phạm Đình Thi nói.

Ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế) cho biết thêm: hiện có 99% các doanh nghiệp đã thực hiện khai và nộp thuế điện tử. Do đó, việc xác định doanh nghiệp thuộc đối tượng gia hạn thuế hay không là đơn giản, thậm chí các doanh nghiệp cũng có thể căn cứ vào các quy định và xác định được cho chính mình. Ngành Thuế cũng thực hiện rà soát kiểm tra theo phương pháp quản lý rủi ro, trường hợp không thuộc đối tượng được hoãn mà nộp chậm mới phải tính tiền phạt chậm nộp.

"Bộ Tài chính sẽ tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo nghị định, xin ý kiến thẩm định để sớm trình Chính phủ ký ban hành. Để hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, dự kiến Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Đồng thời, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục bám sát diễn biến của dịch bệnh cũng như ảnh hưởng cũng dịch bệnh đối với nền kinh tế để có những đề xuất chính sách phù hợp, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nhiều hơn", đại diện cơ quan soạn thảo khẳng định.

Tin liên quan
Tin khác