Trong khi chờ đợi văn bản hướng dẫn triển khai chính sách hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19, trước mắt, các ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh vốn ưu đãi hỗ trợ khách hàng. |
Tăng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19
Qua thống kê từ báo cáo của các đơn vị kinh doanh thuộc Eximbank, có khoảng 10% dư nợ cho vay của khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân bị tác động bởi dịch Covid-19. Khó khăn diễn ra trên cả nước, song tập trung nhiều nhất tại TP.HCM, Nha Trang, Đà Nẵng và các tỉnh miền Tây Nam bộ. Các ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nhất là kinh doanh khách sạn, homestay, nhà hàng ăn uống, các khu du lịch, giải trí, xuất khẩu nông sản, các ngành công nghiệp phụ trợ xuất sang thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc.
Theo ông Nguyễn Cảnh Vinh, quyền Tổng giám đốc Eximbank, ngân hàng này đang khẩn trương xử lý đối với đề xuất của 515 khách hàng với tổng dư nợ tương ứng 5.400 tỷ đồng về việc hỗ trợ gia hạn, điều chỉnh lịch trả nợ... Nhà băng này đã ban hành quy định nội bộ về việc hỗ trợ khách hàng bị tác động bởi dịch bệnh để bảo đảm hỗ trợ nhanh, chính xác, kịp thời cho khách hàng.
Còn tại Ngân hàng Bản Việt, khoảng 20% tổng dư nợ cho vay khách hàng có khả năng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ông Ngô Quang Trung, Tổng giám đốc Ngân hàng Bản Việt cho hay, tác động trước mắt của dịch bệnh khiến doanh thu, thu nhập và dòng tiền trong ngắn hạn của khách hàng bị ảnh hưởng, nên trong giai đoạn này, Ngân hàng quan tâm nhiều đến vấn đề cơ cấu lại nợ hơn là vay mới.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước - NHNN), ảnh hưởng của dịch bệnh dẫn đến khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn, từ đó gia tăng tỷ lệ nợ quá hạn, nợ xấu. Đến nay, có 23 tổ chức tín dụng báo cáo NHNN, với ước tính có khoảng 926.000 tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chiếm 14,27% tổng dư nợ của 23 tổ chức tín dụng này và chiếm 11,3% dư nợ cho vay toàn hệ thống. Trong đó, bị ảnh hưởng nặng nề nhất là các ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản, doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu, dịch vụ lưu trú, ăn uống, thực phẩm, đồ uống, vận tải, dệt may, da giày, điện tử, điện lạnh, dầu khí, du lịch, giáo dục… Hệ thống tổ chức tín dụng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Chia sẻ khó khăn cũng là tự cứu mình
Trong khi chờ đợi văn bản hướng dẫn triển khai chính sách hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19, trước mắt, các ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh vốn ưu đãi hỗ trợ khách hàng.
Ngân hàng Eximbank vừa đưa ra gói 8.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp ảnh hưởng dịch Covid-19. Trong đó, có gói tín dụng 5.000 tỷ đồng với lãi suất từ 6,99%/năm áp dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa và gói tín dụng 3.000 tỷ đồng với mức lãi suất từ 5%/năm áp dụng đối với doanh nghiệp lớn.
Chung tay hỗ trợ khách hàng, Ngân hàng Hàng hải triển khai gói vay thế chấp với lãi suất 6,59%, áp dụng từ nay tới ngày 31/3/2020.
Một cán bộ ngành ngân hàng cho rằng, với việc Covid-19 có thể khiến một triệu tỷ đồng dư nợ toàn hệ thống thành nợ xấu, các ngân hàng cũng hiểu, hỗ trợ doanh nghiệp cũng là tự cứu mình. Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, tính đến ngày 4/3, có ít nhất 926.000 tỷ đồng dư nợ của 23 nhà băng, tương đương 11% dư nợ toàn ngành bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Báo cáo phát hành ngày 2/3 của Moody’s nhận định, chất lượng tài sản trong các ngân hàng Việt Nam sẽ gặp rủi ro vì Covid-19. Nếu dịch bệnh kéo dài, nợ xấu trong khu vực sản xuất, kinh doanh, thương mại và một số lĩnh vực khác sẽ tăng lên, do Việt Nam phụ thuộc nhiều vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Vì vậy, việc bơm gói tín dụng 250.000 tỷ đồng theo chỉ đạo của Chính phủ, đồng thời điều chỉnh kỳ hạn nợ, giãn nợ cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng là giải pháp kịp thời, vừa giúp doanh nghiệp, vừa giúp ngân hàng.
Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch Hội đồng Quản trị BIDV cho biết, huy động vốn và dư nợ cho vay của ngân hàng đến hết tháng 2/2020 giảm tương ứng 1,6% và gần 2%, chủ yếu do dịch Covid-19. Vì vậy, người đứng đầu BIDV cho rằng, mục tiêu lợi nhuận đặt ra đầu năm trong kịch bản dịch bệnh kết thúc vào tháng 3 trở nên khó khăn, do đó, Ngân hàng sẽ điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận nếu cần thiết.
Trong khi đó, BIDV tham gia hỗ trợ được 28.000 tỷ đồng trong gói 250.000 tỷ đồng vừa được đưa ra. Còn Vietcombank dự kiến hy sinh ít nhất 300 - 450 tỷ đồng lợi nhuận để giảm lãi suất cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.