Điểm nóng
Vụ Vạn Thịnh Phát: Cần C03 giám sát khi luật sư gặp bị cáo Chu Lập Cơ
Việt Dũng - 05/03/2024 18:40
Luật sư được gặp các bị cáo để trao đổi, tư vấn pháp luật trong lúc nghỉ giải lao. Riêng bị cáo Chu Lập Cơ (chồng bà Lan) khi gặp luật sư phải có sự giám sát của C03.

Chiều 5/3, phiên toà xét xử bà Trương Mỹ Lan cùng 85 bị cáo về những sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các tổ chức có liên quan tiếp tục với phần xét hỏi. 

Căn cứ theo quy định pháp luật và tạo điều kiện cho các luật sư làm việc, chủ toạ phiên toà thông báo cho các cán bộ dẫn giải về việc cho phép luật sư tiếp xúc với bị cáo trong thời gian nghỉ giải lao để tư vấn pháp luật mà không cần sự giám sát của C03 (Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - Bộ Công an), Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao.

Riêng đối với bị cáo Chu Lập Cơ, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Times Square (chồng bà Trương Mỹ Lan), Hội đồng xét xử thông báo, khi gặp luật sư cần có sự giám sát của C03.

Bị cáo Chu Lập Cơ tại phiên xét xử ngày 5/3. (Ảnh: TTBC TP.HCM)


Trong trường hợp luật sư muốn tiếp xúc với các bị cáo thêm ngày thứ bảy, chủ nhật thì làm đơn đề nghị, HĐXX sẽ xem xét.

Theo cáo trạng, Chu Lập Cơ là cổ đông chính (có hơn 99% cổ phần), giữ vai trò quyết định cao nhất tại Công ty Times Square. Chu Lập Cơ bị cáo buộc giúp vợ là Trương Mỹ Lan "rút ruột" ngân hàng SCB, gây thiệt hại hơn 9.116 tỷ đồng.

Năm 2012, để lập hồ sơ vay vốn tại Ngân hàng SCB nhằm cơ cấu các khoản nợ xấu sau khi hợp nhất 3 ngân hàng thành Ngân hàng SCB (mới), Trương Mỹ Lan đã trao đổi, thống nhất với chồng là Chu Lập Cơ và lãnh đạo Ngân hàng SCB về việc sử dụng tài sản dự án Times Square của Công ty Times Square (tại số 22 - 36 Nguyễn Huệ và 57 - 69F Đồng Khởi, quận 1, TP.HCM và quyền tài sản có liên quan) để đảm bảo cho các khoản vay.

Thực hiện theo chỉ đạo của vợ, Chu Lập Cơ đã ký biên bản họp đại hội đồng cổ đông cuối năm 2012, quyết định năm 2012 của đại hội đồng cổ đông, biên bản họp hội đồng quản trị của Công ty Times Square, chấp thuận thế chấp tài sản của công ty bảo lãnh nợ vay cho các cá nhân, tổ chức do Lan chỉ đạo.

Sau khi có tài sản đảm bảo để vay vốn, Trương Mỹ Lan chỉ đạo các cá nhân tại Ngân hàng SCB, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Công ty Times Square lập các hồ sơ vay vốn "khống"; nhờ người đứng tên các khoản vay và ký "khống" hồ sơ, thủ tục vay vốn.

Bằng phương thức trên, từ tháng 12/2012 đến tháng 12/2014, Chu Lập Cơ đã giúp cho vợ hợp thức hóa hồ sơ vay vốn "khống" để giải ngân số tiền vay tại Ngân hàng SCB cho 73 khoản vay của 67 khách hàng, tổng số tiền giải ngân hơn 29.440 tỷ đồng, thời hạn vay vốn 5 năm. Toàn bộ số tiền vay vốn được sử dụng cho mục đích riêng của Trương Mỹ Lan.

Đến năm 2017, do phương án vay vốn là lập "khống", khoản vay chỉ dùng trả nợ xấu, không có nguồn để thu hồi gốc, lãi nên các khoản nợ đến hạn nhưng không thể trả được. Trương Mỹ Lan thuyết phục chồng ký biên bản họp hội đồng quản trị Công ty Times Square năm 2017 tiếp tục sử dụng tài sản của Công ty Times Square để thế chấp đảm bảo nghĩa vụ thanh toán nợ vay cho 54 khách hàng đang vay vốn tại Ngân hàng SCB, nhằm gia hạn nợ, tổng dư nợ được đảm bảo hơn 35.500 tỷ đồng.

Bị cáo Trương Mỹ Lan (áo trắng) cùng các bị cáo khác tại toà. (Ảnh: TTBC TP.HCM)


Tính đến tháng 10/2022, tổng nghĩa vụ các khoản nợ do Chu Lập Cơ ký hợp thức thủ tục còn 46 khoản vay với dư nợ gốc hơn 19.550 tỷ đồng; nợ lãi hơn 19.660 tỷ đồng; tổng cộng dư nợ hơn 39.200 tỷ đồng.

Sau khi đối trừ giá trị tài sản bảo đảm của các khoản vay mà Chu Lập Cơ đã ký các tài liệu để hợp thức thủ tục vay vốn nêu trên hơn 30.100 tỷ đồng, bị cáo đã giúp sức cho vợ gây thiệt hại cho Ngân hàng SCB hơn 9.110 tỷ đồng.

Vụ án liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát được xác định có thiệt hại lớn nhất từ trước đến nay với tổng thiệt hại của SCB khoảng 498.000 tỷ đồng.

Phiên tòa này là giai đoạn 1 của vụ án. Trong giai đoạn này tập trung điều tra, truy tố, xét xử các bị cáo liên quan đến các hành vi tội tham ô tài sản; vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng; đưa hối lộ; nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ...; từ đó tập trung thu hồi tài sản, làm tiền đề giải quyết cho giai đoạn 2 của vụ án là các sai phạm liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp.

Tin liên quan
Tin khác