Không nghĩ hậu quả gây ra quá lớn
Chiều 20/9, phiên tòa xét xử bà Trương Mỹ Lan và 33 bị cáo khác liên quan đến việc phát hành trái phiếu của các công ty thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) tục phần xét hỏi.
Trả lời liên quan đến việc ký các hợp đồng, chứng từ để Công ty cổ phần Tập đoàn quản lý Bất động sản Windsor (Tập đoàn WMC) chuyển 13.000 tỷ đồng cho Công ty CP đầu tư An Đông để mua sơ cấp 2 mã trái phiếu của công ty này, bị cáo Trương Huệ Vân (Tổng giám đốc Tập đoàn WMC) xác nhận nội dung cáo trạng truy tố là đúng.
Bị cáo Trương Huệ Vân, Tổng giám đốc Tập đoàn WMC tại toà. (Ảnh: Việt Dũng) |
Bị cáo Vân trình bày thêm rằng, lúc đó, bị cáo tập trung quản lý tòa nhà thương mại dịch vụ, còn hoạt động tài chính thì bị cáo không nắm bắt. Khi nhận được hồ sơ thì bị cáo cũng không đọc, hơn nữa cũng thấy các lãnh đạo khác ký rồi nên bị cáo ký vào chỗ của mình. Chỉ đến khi làm việc cơ quan điều tra làm việc thì bị cáo mới nhận thức được vấn đề này.
Bị cáo không tham gia bất kỳ cuộc họp nào liên quan đến việc phát hành trái phiếu này. Tập hồ sơ trên do Nguyễn Hữu Hiệu trình, bị cáo Hiệu cũng đã ký nháy rồi nên bị cáo ký theo.
“Lúc đấy, bị cáo không nhận thức được vấn đề, đến giờ bị cáo đã biết mình sai. Bị cáo chấp nhận mọi trách nhiệm, nhưng bản thân bị cáo không hề mong muốn và không có chủ đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bị cáo làm việc hưởng lương khoảng 80 triệu đồng/tháng. Không được hưởng lợi gì từ quá trình giao dịch 2 gói trái phiếu này. Bị cáo muốn gửi lời xin lỗi tới trái tủ 2 gói trái phiếu của Công ty An Đông”, bị cáo Trương Huệ Vân nói.
Theo cáo trạng, hành vi của Trương Huệ Vân đã giúp sức Trương Mỹ Lan cùng đồng phạm chiếm đoạt 13.000 tỷ đồng của hơn 20.000 bị hại. Bị cáo Trương Huệ Vân cũng thừa nhận nội dung cáo trạng truy tố là đúng, không oan sai.
Lãnh đạo Công ty An Đông cũng "ký theo chỉ đạo"
Trả lời trước tòa liên quan đến việc phát hành 2 mã trái phiếu, bị cáo Ngô Thanh Nhã (Tổng giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư An Đông) khai, dù là Chủ tịch HĐQT, nhưng không có kiến thức về kế toán và phát hành trái phiếu. Tuy nhiên, sau khi tiếp nhận chỉ đạo, chủ trương phát hành trái phiếu của bà Trương Mỹ Lan thì bị cáo vẫn thực hiện.
Theo bị cáo Nhã, suốt quá trình làm việc tại Công ty An Đông thì bị cáo chỉ làm việc hậu cần… không có nghiệp vụ về kế toán và trái phiếu nên không chỉ đạo ai. Khi bà Trương Mỹ Lan chỉ đạo thì chỉ biết ký những giấy tờ cần thiết để phát hành trái phiếu, còn ký cụ thể những giấy tờ gì thì bị cáo không nhớ.
“Bị cáo chỉ đứng tên chức vụ, còn những gì liên quan đến tài chính thì Phó tổng phụ trách tài chính sẽ thực hiện. Vậy nên, việc Công ty An Đông phát hành trái phiếu để làm gì thì bị cáo không rõ. Bị cáo chưa bao giờ được bà Trương Mỹ Lan trao đổi về những khách hàng của Công ty An Đông”, bị cáo Ngô Thanh Nhã nói.
Chủ tịch HĐQT Công ty An Đông cho biết thêm, lúc đầu thì bị cáo không hiểu về việc phát hành trái phiếu của Công ty An Đông là trái quy định pháp luật. Tuy nhiên, sau khi làm việc với cơ quan cảnh sát điều tra thì mới biết việc làm của mình là sai. Bị cáo thực sự rất sửng sốt, không nghĩ rằng việc ký phát hành trái phiếu trên lại gây ra thiệt hại lớn đến nhiều người như vậy.
Do đó, bị cáo rất mong muốn được khắc phục hậu quả mà mình đã gây ra. Hiện tại, bị cáo đã nhờ gia đình nộp trước 2 tỷ đồng. Sau khi đọc cáo trạng thì thấy số tiền thiệt hại quá lớn, bị cáo sẽ tiếp tục vận động gia đình để nộp thêm tiền để khắc phục hậu quả.
Bị cáo không thấy oan sai khi cáo trạng truy tố bản thân đã giúp sức cho Trương Mỹ Lan và đồng phạm phát hành trái phiếu Công ty An Đông, chiếm đoạt hơn gần 25.000 tỷ đồng của hơn 30.000 bị hại.
Khi được hỏi bản thân có được hưởng lợi gì không, bị cáo Nhã đáp, dù giữ chức vụ là Chủ tịch HĐQT, nhưng thực chất cũng chỉ là người làm công ăn lương, hưởng lương theo tháng. Bị cáo không được hưởng lợi gì thêm từ việc ký phát hành trái phiếu này.
Không chỉ Ngô Thanh Nhã, mà bị cáo Kwok Hakman Oliver (Tổng giám đốc Công ty An Đông) cũng làm việc theo chỉ đạo của bà Trương Mỹ Lan, ký nhiều hồ sơ, thủ tục, chứng từ để phát hành và giao dịch trái phiếu.
“Khi có lệnh ký thì tôi ký, nhiều khi cũng chẳng đọc nội dung bên trong là gì”, bị cáo Oliver nói và thừa nhận hành vi sai phạm như cáo trạng truy tố.
Tương tự, bị cáo Trương Thị Kim Lài (Kế toán trưởng Công ty An Đông) khai, những công việc liên quan đến hoạt động kinh doanh nhà hàng, khách sạn thì làm việc theo chỉ đạo của ông Oliver. Còn những gì liên quan đến tài chính thì làm việc theo chỉ đạo của Nguyễn Hữu Hiệu (Phó tổng giám đốc tài chính Công ty An Đông).
Bị cáo đã ký 69 ủy nhiệm chi theo chỉ đạo của Nguyễn Hữu Hiệu để Công ty An Đông chuyển hơn 25.000 tỷ đồng khống cho Công ty cổ phần Tập đoàn Sài Gòn Peninsula (Công ty SPG). Giúp sức Trương Mỹ Lan và đồng phạm chiếm đoạt gần 25.000 tỷ đồng của hơn 30.700 bị hại.