Điểm nóng
Xét xử vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2: Nỗi đau của người lượm ve chai
Việt Dũng - 19/09/2024 14:44
Gần như cả đời gắn với nghề lượm ve chai, tích cóp được ít tiền liền gửi vô Ngân hàng SCB, phòng khi tuổi già… Kết quả, người đàn ông 68 tuổi thành bị hại trong một đại án lớn nhất lịch sử tố tụng Việt Nam.

Trái chủ bất đắc dĩ

Có mặt ở bên ngoài Toà án Nhân dân TP.HCM từ sáng sớm nay (19/9), ông Nguyễn Anh Tú (68 tuổi) ngồi trên chiếc xe đạp cũ, đằng sau chở ít đồ mới lượm, trên ghi đông treo một bịch nước và trong giỏ xe có một túi giấy nhỏ. Nhìn qua, ít ai có thể nghĩ người làm nghề lượm ve chai này lại là trái chủ trong vụ án liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Trao đổi với phóng viên, ông Tú cho biết, ông đang sinh sống tại TP.HCM và công việc chính là lượm ve chai. Sau thời gian dài làm việc và tích góp thì để được khoảng 300 triệu đồng, ông muốn gửi vào ngân hàng để phòng khi về già, thế nhưng, chẳng may xảy ra sự cố như hôm nay. 

Ông Nguyễn Anh Tú cầm trên tay tập giấy tờ liên quan đến lô trái phiếu trị giá 300 triệu đồng liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.


Theo lời ông Tú, 4 năm trước, ông gửi số tiền trên vào SCB, nhưng sau đó được nhân viên ở đây tư vấn mua trái phiếu sẽ mang lại lợi nhuận hơn. Trong khi đó, bản thân không biết trái phiếu là gì. Nghe tư vấn thấy hợp lý nên tin tưởng nghe theo. Kết quả, ông là một trong hơn 35.000 người là bị hại liên quan đến vụ án này.

“Từ khi hay tin Trương Mỹ Lan vướng vào lao lý, gia đình tôi đứng ngồi không yên. Suốt 4 năm qua, cuộc sống rất khó khăn, tôi bị đau ốm, nhưng không có tiền để chữa trị. Phải tích góp cả tuần mới đủ tiền mua thuốc uống”, ông Tú nói.

Khi hay tin Toà án Nhân dân TP.HCM đưa vụ án này ra xét xử, ông đã đến từ sáng sớm để nghe ngóng thông tin. Ông mong muốn tại phiên tòa này, quyền lợi của mình được đảm bảo.

“Hiện giờ, tôi chỉ mong có thể đòi lại số tiền gốc mà đã gửi tiết kiệm lúc ban đầu, chứ không mong lấy lãi gì”, ông Tú nói.

Nghỉ việc tới “ngóng” toà

Cũng trong hoàn cảnh tương tự, từ trưa hôm qua (18/9), chị Nguyễn Thị H., đã phải xin nghỉ việc để di chuyển từ Hà Nội vào TP.HCM để “ngóng” thông tin. Trong buổi sáng nay, chị và nhiều bị hại khác mong muốn được vào tham dự phiên tòa để nói lên quyền lợi chính đáng của mình, nhưng không được chấp thuận.

Trước phiên xét xử, nhiều bị hại mong muốn được vào toà để nghe ngóng thông tin.


Ở ngoài khu vực xét xử, chị H., cùng nhiều bị hại không khỏi bồn chồn, lo lắng vì không biết quyền lợi của mình sẽ được giải quyết như thế nào. Có lấy lại được số tiền đã mất hay không? Nếu được thì khi nào lấy, lấy lại được bao nhiêu?…

Trao đổi với phóng viên, chị H., cho biết, bản thân đến Ngân hàng SCB chỉ với mục đích gửi tiết kiệm. Vì không có kiến thức chuyên môn về tài chính, không hiểu gì về trái phiếu và cũng không biết đầu tư trái phiếu là gì, nhưng qua sự giới thiệu và “dẫn dắt” của các nhân viên tư vấn, số tiền hơn 500 triệu đồng của chị đã bị chuyển từ gửi tiết kiệm sang đầu tư trái phiếu.

“Tôi dính phải trái phiếu không phải vì lãi cao. Lãi trái phiếu chỉ hơn lãi tiết kiệm 0,8-1 %/năm, không đáng kể. Chủ yếu là vì nhân viên ngân hàng giới thiệu rằng đây là hình thức tiết kiệm linh hoạt, được ngân hàng bảo đảm và cho phép rút gốc linh hoạt, đáp ứng nhu cầu sử dụng tiền khi cần thiết, được lĩnh lãi trước 6 tháng/lần”, chị H., nói.

Bị hại này cho biết thêm, trong thời gian qua, cuộc sống trong gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Vợ chồng bất hoà, việc học tập của các con cũng bị ảnh hưởng, sức khoẻ những thành viên khác trong nhà cũng giảm sút vì lo lắng, sợ mất đi số tiền đã tích cóp cả đời…

Chính vì vậy, chị đã phải di chuyển từ Hà Nội vào trong TP.HCM để nghe ngóng thông tin. Mong muốn được vào tham dự phiên tòa để nói lên quyền lợi chính đáng của mình.

Theo chị H., hiện tại, chị và nhiều bị hại khác liên quan đến vụ án này đều mong muốn bà Trương Mỹ Lan, tổ chức phát hành trái phiếu, SCB, Công ty Chứng khoán TVSI và các cá nhân, tổ chức liên quan đến sai phạm phải chịu trách nhiệm. Phải bồi thường cho các bị hại toàn bộ số tiền gốc kèm lãi, lãi phạt phát sinh do trả chậm theo giá trị  trên hợp đồng mua bán trái phiếu.

Bên cạnh đó, các bị hại cũng mong muốn rằng, sau khi kết thúc phiên tòa này sẽ được bồi thường các khoản thiệt hại về vật chất, sức khoẻ, tinh thần với lãi suất 10 %/năm dựa trên tiền gốc (tính đến thời điểm thực nhận).

Do số lượng người bị hại trong vụ án này đặc biệt lớn nên tòa sẽ xét xử vắng mặt đối với các bị hại.


Trong bản án sơ thẩm của giai đoạn 1, Hội đồng xét xử có kết luận rằng, đối với các tài sản, khoản tiền mà Hội đồng xét xử xác định để khắc phục, đảm bảo, thi hành nghĩa vụ cho bị cáo Trương Mỹ Lan trong toàn bộ vụ án. Bao gồm vụ án này và các vụ án của các giai đoạn tiếp theo, nhưng ưu tiên thi hành án cho các bị hại liên quan đến hành vi lừa  đảo chiếm đoạt tài sản trong việc phát hành trái phiếu.

Theo đó, các bị hại mong muốn Tòa án Nhân dân tối cao quan tâm, chỉ đạo sát sao trước, trong và sau phiên xét xử. Giúp đỡ những người bị hại trong vụ án này bằng việc bảo lưu kết luận trên tại bản án sơ thẩm trong giai đoạn 1. Mong Hội đồng xét xử xác định đúng người đúng tội, thu hồi triệt để tài  sản, để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án, sớm trả lại tiền và các quyền lợi liên quan cho các bị hại.

Tâm tư của chị H., hay ông Tú cũng chính là mong mỏi của nhiều bị hại khác. Hầu như các khổ chủ trong vụ án này đều kỳ vọng công lý sẽ được thực thi ở phiên tòa này.

Từ năm 2018 đến năm 2020, Trương Mỹ Lan cùng đồng phạm sử dụng 4 pháp nhân là Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư An Đông, Công ty cổ phần đầu tư Quang Thuận, Công ty CP đầu tư - phát triển Sunny World, và Công ty cổ phần dịch vụ - thương mại TP.HCM để phát hành 25 mã trái phiếu “khống” để chiếm đoạt hơn 30.000 tỷ đồng của hơn 35.000 nhà đầu tư.

Số tiền này không được sử dụng đúng mục đích phát hành trái phiếu là đầu tư vào các dự án kinh tế để sinh lời, đảm bảo nghĩa vụ hoàn trả gốc và lãi cho trái chủ, mà bị bà Lan và đồng phạm sử dụng vào các mục đích khác.

Tính đến thời điểm khởi tố vụ án (7/10/2022), 4 công ty trên còn dư nợ 30.081 tỷ đồng và không có khả năng thanh toán.
Tin liên quan
Tin khác