Điểm nóng
Vụ vỡ đường ống sông Đà: Đại diện Vinaconex gọi sự cố vỡ ống nước là một “tai nạn”
Bùi Trang - Đỗ Mến - 07/03/2018 12:18
Sáng 7/3, phiên tòa xét xử các bị cáo trong vụ ván 18 lần vỡ đường ống nước sông Đà tiếp tục phần xét hỏi.
TIN LIÊN QUAN

Một số luật sư tham gia xét hỏi nhóm bị cáo nguyên là cán bộ Công ty nước và môi trường Viwase.

Đây là các bị cáo tham gia tư vấn giám sát cho dự án cấp nước sông Đà – Hà Nội. Nhóm bị cáo này bao gồm 4 người: Đỗ Đình Trì (SN1968) - Trưởng đoàn tư vấn giám sát; Nguyễn Biên Hùng (SN 1950) – Phó trưởng đoàn; Hoàng Quốc Thống (SN 1955); Bùi Minh Quân (1973) đều là giám sát viên.

Các bị cáo đều nêu quá trình công tác, có nhiều thành tích và đã làm hết trách nhiệm được giao, tư vấn giám sát không thể thu hồi lô ống.

Trả lời luật sư, đại diện Vinaconex cho biết đối với các bị cáo trong vụ án, Vinaconex luôn đánh giá họ có công. Đây là dự án mà Tổng công ty đã mạnh dạn thực hiện 5 việc đầu tiên của Hà Nội với quy mô rất lớn như là dự án sử dụng nguồn nước mặt đầu tiên, sử dụng vật liệu mới... Do áp dụng công nghệ mới nên khó tránh khỏi sơ suất.

Vị đại diện Vinaconex gọi vụ án là một “tai nạn”. Theo Vinaconex, Tổng công ty không phải là đơn vị có thẩm quyền quyết định vụ án, ở góc độ của Tổng công ty chỉ đề nghị HĐXX xem xét cho thấu tình đạt lý cho các bị cáo.

Trong ngày xét xử trước đó, CTCP nước sạch Vinaconex (Viwasupco) cho biết chi phí khắc phục sự cố được lấy từ nguồn kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa hàng năm đã được HĐQT phê duyệt và đã được kiểm toán độc lập, kiểm toán nhà nước, cơ quan thuế chấp nhận.

Về kết luận giám định, Luật sư Trần Đình Triển bào chữa cho bị cáo Vũ Thanh Hải, nguyên Phó Giám đốc CTCP Ống sợi thủy tinh Vinaconex đã đặt câu hỏi cho điều tra viên.

Theo luật sư Triển, có 2 bản kết luận giám định, trong đó có công văn 107 nằm trong hồ sơ vụ án và được đóng dấu mật. Luật sư đề nghị điều tra viên cho biết hiện vụ án đã xét xử công khai vậy văn bản đóng dấu mật này đã được giải mật chưa?

Vị điều tra viên tham dự phiên tòa cho biết ông tham gia vụ án ngay từ giai đoạn đầu. Quá trình điều tra, sau khi đường ống nước sông Đà tiếp tục vỡ, cơ quan công an đã ra ban hành quyết định trưng cầu giám định gửi Bộ Xây dựng - cơ quan quản lý chuyên môn cao nhất trong ngành xây dựng. Vì vậy, để làm rõ vụ án, nguyên nhân vỡ, chất lượng có độ bền đến đâu, cơ quan điều tra đã gửi hồ sơ, phối hợp với cơ quan giám định này trong quá trình thực hiện giám định.

Theo điều tra viên, đây là vụ án có tính đặc thù, công trình đang sử dụng, không thể dừng cấp nước nên cơ quan điều tra phải phối hợp với chủ đầu tư, cơ quan giám định, các đơn vị liên quan để xác định rõ nguyên nhân. Từ thời điểm trưng cầu tới khi đưa ra kết luận lần 1 là 8 tháng.

Sau khi có kết luận giám định lần 1, cơ quan điều tra nhận thấy còn một số vấn đề cần làm rõ. Do đó, cơ quan điều tra ban hành quyết định trưng cầu giám định bổ sung gửi Bộ Xây dưng. Văn bản trả lời của Bộ Xây dựng, về thể thức không phải là kết luận giám định và có đóng dấu mật. Phía điều tra đã làm việc với đơn vị ban hành văn bản và họ chịu trách nhiệm về việc ban hành này.

Điều tra viên cho biết đã báo cáo về văn bản đóng dấu mật, sau đó thực hiện trình tự thủ tục để đưa vào hồ sơ, làm chứng cứ vụ án.

Tin liên quan
Tin khác