Tại cuộc họp giao ban Thành ủy Hà Nội chiều 8/3, ông Võ Nguyên Phong, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội đã báo cáo việc kiểm tra, xử lý việc xây dựng nhà trái phép đối với dự án resort tại Vườn quốc gia Ba Vì.
Theo Phó giám đốc Sở Xây dựng, thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố, ngày 6 và 7/3, Sở Xây dựng và Thanh tra Sở Xây dựng đã xuống làm việc kiểm tra khảo sát cùng UBND huyện Ba Vì tại các vị trí có công trình xây dựng sai phép này.
Ông Võ Nguyên Phong trình bày về vụ việc xây dựng resort ở Ba Vì tại buổi họp báo chiều 8/3. Ảnh: Thu Trang |
Cụ thể, vị trí xây dựng trái phép nằm dưới chân núi Ba Vì, thuộc khu rừng Mu, thôn Chóng, xã Yên Bài, huyện Ba Vì. Từ những năm 1990, khu vực này đã có những hộ dân đến khai hoang, làm nhà ở, trồng cây lâu năm và hiện có 9 hộ dân bản địa sinh sống.
Theo bản đồ do UBND xã Yên Bài cung cấp, vị trí xây dựng công trình vi phạm nằm ở khu vực đất ở nông thôn nằm giáp ranh, xen kẹp với khu vực đất lúa và đất rừng đặc dụng. Ông Phong cho biết, do phạm vi dự án chưa thể xác định được có nằm lên đất rừng đặc dụng hay đất ở nên chưa thể kết luận.
Toàn bộ phần diện tích 4,8 ha do ông Nguyễn Thành Ba sinh năm 1979 là đại diện nhóm cá nhân mua gom, gồm 13 thửa của các hộ gia đình tại địa phương. Việc mua bán, chuyển nhượng do các cá nhân tự thỏa thuận, không được xác nhận của cơ quan có thẩm quyền.
Về công trình xây dựng, sau khi thực hiện thu gom đất của các hộ gia đình, các cá nhân đã không lập quy hoạch, lập dự án đầu tư mà tổ chức xây dựng các công trình theo sơ đồ vị trí do UBND xã Yên Bài cung cấp, sơ đồ này cũng là sơ đồ không có đơn vị nào lập, chứng thực và đóng dấu.
Trên lô đất 4,8 ha, chủ đầu tư chia thành 9 lô đất xây dựng nhà vườn, trong đó diện tích mỗi lô từ 200-500m2, diện tích mỗi ngôi nhà là 80-90m2/căn hộ/lô đất, quy mô có cả nhà 1 tầng và 2 tầng, kết cấu tường gạch mái ngói, 1 lô đất xây dựng trung tâm dịch vụ. Khu vực này đã triển khai xây dựng 58 nhà vườn và 1 trung tâm dịch vụ, trong đó có 50 nhà vườn đã hoàn thành đưa vào sử dụng.
Việc xây dựng các nhà vườn đã thực hiện từ năm 2011 đến nay, theo thông tin căn cứ trên hồ sơ vi phạm của xã và của thanh tra xây dựng, trong báo cáo của thanh tra xây dựng báo cáo UBND huyện Ba Vì.
Về việc quản lý, xử lý đất đai vi phạm trật tự xây dựng, các công trình vi phạm trên đã được xã Yên Bài kiểm tra, lập biên bản vi phạm vì có hành vi sử dụng đất sai mục đích, ban hành các quyết định xử lý theo nghị định 105 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Thanh tra xây dựng huyện Bi Vì đã tiến hành kiểm tra, rà soát các công trình vi phạm và đã có báo cáo số 20 ngày 17/10/2013 và số 07 ngày 26/1/2015 báo cáo huyện Ba Vì về vụ việc trên và biện pháp xử lý theo quy định, đồng thời phối hợp với UBND xã Yên Bài những biện pháp xử lý theo quy định.
Ngày 7/3, UBND huyện Ba Vì đã có văn bản báo cáo UBND Thành phố về việc kiểm tra, xử lý xây dựng các nhà trái phép trên địa bàn thôn Chóng.
Theo báo cáo của UBND huyện Ba Vì, UBND xã Yên Bài còn buông lỏng trong công tác quản lý đất đai tại địa phương, chưa thực hiện giám sát chặt chẽ để xảy ra tình trạng xây dựng nhiều công trình, mua bán nhượng quyền đất trái phép ở tại địa phương. Còn UBND huyện Ba Vì mà cụ thể là Thanh tra xây dựng, Thanh tra nhà nước huyện, Tài nguyên và Môi trường nhận trách nhiệm chưa kiên quyết trong công tác thiết lập hồ sơ và xử lý vi phạm trên địa bàn.
Tuy nhiên, xã Yên Bài lại cho rằng, các cơ quan chức năng của huyện Ba Vì vào cuộc rất hời hợt. Cụ thể, giãi bày trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng trước đó, ông Nguyễn Xuân Chiến, Chủ tịch UBND xã Yên Bài cho biết, xã Yên Bài đã biết đến việc làm sai trái này từ lâu nhưng bất lực. Rất nhiều lần, xã lập biên bản ngừng thi công và ra các quyết định đình chỉ, xử phạt hành chính nhưng chỉ như "ném đá ao bèo".
Ông Chiến cũng cho biết thêm, đã có hàng loạt công văn được xã Yên Bài gửi lên UBND huyện Ba Vì để báo cáo và kêu gọi sự giúp đỡ trước sự ngang nhiên, coi thường pháp luật của chủ đầu tư. Thậm chí, xã còn đề nghị ngành điện lực Ba Vì ngừng cấp điện cho khu vực vi phạm nhưng không được ngành điện lực đáp ứng.