Viện AI Deloitte vừa công bố báo cáo “Hiện trạng GenAI trong doanh nghiệp”, trong đó chỉ ra hiện trạng của việc áp dụng và triển khai GenAI và cách các tổ chức đang vượt qua các rào cản để tạo ra giá trị ở quy mô lớn. Báo cáo được hoàn thành từ các cuộc khảo sát với 2.770 lãnh đạo cao cấp tại 14 quốc gia.
Những người trả lời khảo sát cho biết trong khi các nhà điều hành cấp cao vẫn còn hứng thú với GenAI, thì đã có những dấu hiệu cho thấy mức độ quan tâm bắt đầu suy giảm khi ảnh hưởng của “công nghệ mới” giảm dần. Mức quan tâm vẫn được đánh giá là “cao” hoặc “rất cao” trong số hầu hết các lãnh đạo cấp cao (63%) và thành viên Hội đồng quản trị (53%); những con số này đã giảm kể từ cuộc khảo sát Quý I/2024, lần lượt giảm 11 điểm % và 8 điểm %.
Mặc dù mục tiêu là lựa chọn và nhanh chóng mở rộng quy mô các dự án GenAI có tiềm năng tạo ra giá trị cao nhất, nhiều nỗ lực của GenAI vẫn đang ở giai đoạn thí điểm hoặc chứng minh tính khả thi, với phần lớn câu trả lời (68%) cho biết tổ chức của họ đã đưa 30% hoặc ít hơn các thử nghiệm GenAI vào vận hành.
Chỉ có khoảng 30% nhà lãnh đạo lựa chọn thử nghiệm GenAI trong các kế hoạch phát triển ứng dụng công nghệ của doanh nghiệp. |
Dữ liệu đang trở thành tâm điểm với 75% các tổ chức tham gia khảo sát tăng mức đầu tư công nghệ của họ liên quan tới việc quản lý dữ liệu vì GenAI. Tuy nhiên, trong quá trinh mở rộng quy mô, những rào cản không lường trước được đã bộc lộ, cụ thể các vấn đề liên quan đến dữ liệu khiến 55% các tổ chức được khảo sát tránh một số trường hợp sử dụng GenAI. Giải quyết các vấn đề về kiến trúc dữ liệu là một bước quan trọng trong việc giải quyết các yêu cầu cụ thể của GenAI.
Để hiện đại hóa các khả năng liên quan đến dữ liệu của mình, các tổ chức đang tăng cường bảo mật dữ liệu (54%); cải thiện các hoạt động về chất lượng dữ liệu (48%); và cập nhật các khuôn khổ quản trị dữ liệu cũng như phát triển các chính sách dữ liệu mới (45%).
Mặc dù những người tham gia khảo sát cho rằng việc quản lý rủi ro GenAI là rất quan trọng nhưng 3 trong số 4 rào cản hàng đầu được báo cáo đối với việc triển khai GenAI thành công đều liên quan đến rủi ro, bao gồm lo ngại về việc tuân thủ quy định (36%); khó khăn trong việc quản lý rủi ro (30%); và thiếu mô hình quản trị (29%).
Nguyên nhân cụ thể có thể bao gồm định kiến thiên vị, lo ngại về quyền riêng tư, lòng tin và an toàn an ninh thông tin. Để giúp xây dựng lòng tin và đảm bảo việc ứng dụng có trách nhiệm, các tổ chức đang nỗ lực xây dựng các hàng rào và năng lực giám sát mới, bao gồm thiết lập khuôn khổ quản trị để sử dụng các công cụ và ứng dụng GenAI (51%); giám sát các yêu cầu theo quy định và đảm bảo tuân thủ (49%); và tiến hành kiểm toán/thử nghiệm nội bộ đối với các công cụ và ứng dụng GenAI (43%).
Theo Deloitte, hiện chỉ có 16% các doanh nghiệp có ứng dụng GenAI đã tiến hành lập báo cáo thường xuyên cho giám đốc tài chính để xác định và đo lường tác động của GenAI đối với hoạt động của doanh nghiệp. Đa số các doanh nghiệp đang áp dụng các hệ thống KPI hoặc xây dựng các khuôn khổ đánh giá các khoản đầu tư GenAI nhằm tính toán hiệu xuất của công nghệ mới này. Tuy nhiên, 41% doanh nghiệp được khảo sát cho rằng, công đoạn đánh giá hiệu suất GenAI là khá vất vả và tốn kém nhiều chi phí.
"Trong khi các ứng dụng gần đây cho kết quả khá hứa hẹn, chúng ta đã bước vào thời điểm then chốt của GenAI khi phải vừa cân bằng giữa kỳ vọng và các thách thức như chất lượng dữ liệu, chi phí đầu tư, đo lường hiệu quả và khung pháp lý đang thay đổi. Khảo sát Quý III/2024 của chúng tôi đã cho thấy việc quản lý sự thay đổi và tích hợp mang tính tổ chức đóng vai trò rất quan trọng để vượt qua rào cản, mở khóa giá trị và xây dựng tương lai cho GenAI”, Jim Rowan, Trưởng nhóm AI ứng dụng và Lãnh đạo Deloitte Consulting LLP, cho biết.