“Ngược đường” vì yêu cây tỏi
Qua vài lần hẹn, tôi mới gặp được “Vua tỏi” Nguyễn Văn Định khi anh đang tất bật cho những đơn hàng cuối năm kịp phục vụ Tết Nguyên đán và những kế hoạch dài hơi cho năm 2018. “Thị trường chính của chúng tôi năm 2018 là Nhật Bản và Hồng Kông. Phía đối tác yêu cầu cao và nghiêm ngặt lắm, nên các khâu trồng, sơ chế, đóng gói… phải đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng, nếu không là đền hợp đồng như chơi”, không rào trước đón sau, Định nói liền một hơi, dồn dập như sóng biển Lý Sơn.
Nguyễn Văn Định sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Lý Sơn đầy nắng, gió. Sống trên đảo vốn đã khó khăn, khởi nghiệp từ đảo lại càng khó khăn gấp bội. Cư dân từ đảo thường vào đất liền để lập nghiệp, nhưng chàng trai thế hệ 8X này (từng tốt nghiệp Đại học Bách khoa Đà Nẵng) lại “ngược đường, ngược nắng” để trở về với Lý Sơn vì tình yêu với cây tỏi.
Doanh nhân Nguyễn Văn Định |
Định bắt đầu “lăn lóc” với củ tỏi từ năm 2008 và chính thức khởi nghiệp với nghề buôn tỏi từ năm 2010, sau khi quyết định rời bỏ công việc ổn định tại Công ty Dịch vụ kỹ thuật dầu khí PTSC (Quảng Ngãi). Thành lập Công ty TNHH MTV Hải đảo Lý Sơn, anh vừa tìm tòi, học hỏi từ những người bạn Nhật Bản, vừa hoạch định chiến lược kinh doanh, nắm bắt thị trường. Để tạo uy tín cho sản phẩm, anh đăng ký thương hiệu “Vua tỏi Lý Sơn” và được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận vào tháng 7/2016.
Đến nay, hệ thống cửa hàng “Vua tỏi Lý Sơn” đã có mặt từ Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Nghệ An, ra Hà Nội, vào TP.HCM, lên Tây Nguyên (Đắk Lắk). Mặc dù vậy, Định cho biết, kể từ khi chính thức hoạt động, chỉ có hai năm (2014 và 2016) Công ty của anh làm ăn thuận lợi, các năm còn lại khá vất vả, chỉ kinh doanh cầm chừng.
“Chữ “duyên” với cây tỏi của tôi là cả một câu chuyện dài. Nhưng tôi xác định, khởi nghiệp kinh doanh là bước chân vào nơi gập ghềnh nhất, thậm chí ở nơi có xoáy nước, ở những tình thế khó khăn nhất, khi vượt qua được là có thể vững vàng bước đi”, Định chia sẻ đầy tự tin.
Hành trình gian nan
“Câu chuyện dài” mà Định nhắc tới, tôi cũng đã từng nghe qua. Trước khi có chuỗi cửa hàng “Vua tỏi Lý Sơn” ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước, Nguyễn Văn Định đã đi bán dạo từng kg tỏi khắp các ngõ, phố của TP. Đà Nẵng.
Cánh đồng tỏi Lý Sơn nhìn từ trên cao |
Từ bước khởi đầu gian nan đó, Định phát hiện ra, trên các kệ nông sản ở nhiều siêu thị lớn, vẫn vắng tỏi Lý Sơn. Lân la bắt mối, ban đầu, Định chỉ được các siêu thị đặt mua vài chục kg, sau một thời gian lên vài trăm kg rồi hàng tấn. Khi đã có thị trường, Định quyết định “bơi” vào đất liền, chính thức bước vào thị trường kinh doanh khốc liệt.
Sau một thời gian, việc kinh doanh của Định bắt đầu ổn định. Năm 2017, Công ty có khách hàng nước ngoài đặt mua 80 tấn tỏi Lý Sơn. Phấn khởi vì nhận được đơn hàng giá trị lớn, Định vét sạch vốn liếng thực hiện đơn hàng. “Tôi thu gom đủ số lượng, đóng gói, xuất hàng theo đơn và yên tâm chờ… nhận lãi. Không ngờ, hàng bị trả về vì dư hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật. Hai vợ chồng ứa nước mắt vì thua lỗ”, Định nhớ lại.
“Sau cú vấp ấy, vợ tôi tuyên bố: không hành tỏi gì nữa, nếu không dừng lại, thì ly dị”, Định kể, rồi cười vang. Tuy nói vậy, nhưng biết chồng yêu cây tỏi và quyết tâm kinh doanh, người bạn đời vẫn cùng anh chung sức để “tát cạn biển Đông”.
Quyết tâm làm tỏi hữu cơ
Ngã chỗ nào, đứng lên chỗ đó. Thất bại do hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép, thì chuyển hướng trồng tỏi hữu cơ sẽ đem lại cơ hội thành công. Nghĩ là làm. Định xây dựng dự án thuê 5.000m2 đất tại Lý Sơn trong thời hạn 10 năm, đầu tư bài bản, trồng tỏi công nghệ cao.
Sau nhiều lần bị “nâng lên đặt xuống”, nhận được nhiều ý kiến phản đối hơn là ủng hộ, cuối cùng, Dự án của Định cũng được huyện Lý Sơn chấp thuận, nhưng diện tích và thời gian thực hiện bị cắt xuống còn một nửa so với đề xuất, kèm điều kiện phải hoàn thành và đi vào hoạt động sau 3 tháng.
Định vừa nhận quyết định cho thuê đất, thì đúng lúc biển động, tàu thuyền bị cấm ra khơi. “Những ngày sau đó, tôi liên tục nhận được thư mời họp, điện thoại nhắc nhở việc đảm bảo tiến độ, nếu không sẽ bị thu hồi dự án”, Định kể lại
Hơn 3 tháng trôi qua, mà có đến hơn nửa thời gian biển động, lại đúng lúc gặp khó khăn về tài chính, dự án của Định vẫn chưa thể hoàn thành. “May mà có anh Năm Chữ (ông Lê Viết Chữ, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi - PV) chỉ đạo gia hạn, nếu không, dự án đã tan như bọt biển”, Nguyễn Văn Định nghẹn lời.
Định kể, ba mẹ anh ở quê cũng chịu lời ra tiếng vào, rằng con cái về quê “lừa đảo” bà con, thất hứa với chính quyền. Tuy nhiên, anh vẫn quyết tâm thực hiện dự án vì tình yêu quê hương và cây tỏi Lý Sơn. Những nghi ngờ về tính khả thi của dự án dần được xóa bỏ. Thiết bị nhà xưởng được nhập từ Israel đã về đến Lý Sơn, qua hơn 6 tháng thi công, mô hình trang trại công nghệ cao của “Vua tỏi” đã nên dáng hình.
“Tôi phải cầm sổ đỏ ngôi nhà đang ở và bán một mảnh đất để có tiền đầu tư, vì ngân hàng không cho vay”, giọng Định chùng xuống.
Nhưng mắt Định vẫn ánh lên niềm vui, anh chia sẻ, chỉ vài ngày nữa, những mầm tỏi hữu cơ theo công nghệ cao sẽ bắt đầu được ươm trồng. Đối tác Nhật Bản sau khi khảo sát mô hình của Nguyễn Văn Định đã ký hợp đồng bao tiêu với giá 250.000 đồng/kg. Định nhẩm tính, với diện tích 2.500m2, chỉ cần thu hoạch từ 7 - 8 tấn, là anh đã thắng lợi.
Định tin tưởng, mô hình này sẽ thành công, thu hút nhiều người dân trồng tỏi hữu cơ, mang lại giá trị thương mại cao.
Định cho biết, nhân Hội thảo về Nông sản sạch tổ chức tại Lý Sơn vừa qua, anh đã tự bỏ kinh phí để mời đơn vị cung ứng thuốc bảo vệ thực vật, mời chuyên gia đến hướng dẫn bà con về kỹ thuật trồng tỏi hữu cơ ứng dụng công nghệ cao… Tuy nhiên, tôi nhận thấy, đằng sau sự hào hứng, Định thoáng buồn vì chính quyền huyện Lý Sơn vẫn còn đứng ngoài cuộc.
Định chân thành chia sẻ, nếu trong mỗi gian bếp của người Việt Nam, ít nhất một lần xuất hiện tỏi Lý Sơn, thì đó là thành công của “Vua tỏi”. Mong ước giản đơn, nhưng là cả một hành trình không hề đơn giản mà “Vua tỏi” Nguyễn Văn Định đang trên bước đường chinh phục.