Đầu tư
Vui TPP đừng quên "sân chơi" AEC
Hoàng Ngọc - 09/10/2015 09:56
Thể chế chính sách Việt Nam đi một đằng, các nước ASEAN khác đi một nẻo, doanh nghiệp Việt Nam làm sao có thể hoạt động được một cách cạnh tranh được đây?

LTS: Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), Tuần Việt Nam phỏng vấn chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan về câu chuyện doanh nghiệp Việt trước những thách thức hội nhập, với các sân chơi như TPP, AEC…Dưới đây là nội dung phần 2 cuộc phỏng vấn.

 

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan. Ảnh: Lê Anh Dũng

Còn ít người biết

Bây giờ người ta đang chủ yếu nói về TPP, nhưng trong quá trình hội nhập, còn có một sự kiện khác, đó là Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ hoàn thành vào cuối năm nay, mà ít người nói tới. Có vẻ Việt Nam không thấy đáng lo về chuyện này?

Không, tôi nghĩ ảnh hưởng của AEC đối với doanh nghiệp Việt Nam sẽ ngày càng rõ ràng hơn. Rất đáng tiếc là một số điều tra trong khoảng hơn một năm trở lại đây tỷ lệ doanh nghiệp biết được về những thông tin về AEC, những cơ hội và thách thức mà nó có thể có đối với cộng đồng doanh nghiệp, lại là một tỷ lệ thấp chỉ 35%. Ngay cả số biết  thì cũng biết hời hợt, chưa hiểu sâu. Đó là điều rất đáng ngại, bởi như vậy họ sẽ không có hướng để chuẩn bị, ứng phó và thích ứng được trong tương lai.

E ngại về phía doanh nghiệp một phần, nhưng e ngại về phía Nhà nước có khi còn nhiều hơn. Tỷ lệ 65% không biết đó tôi nghĩ không phải chỉ ở doanh nghiệp, mà còn cả ở khu vực nhà nước, là chính quyền trung ương ở các bộ các ngành, cũng như chính quyền các địa phương.

Ví dụ, có những điều được nói đến rất nhiều nhưng dường như các ngành dửng dưng. Thứ trưởng Bộ Công Thương nói rằng cam kết kinh tế của AEC đã có từ lâu nay, và thực hiện dần chứ có phải cái gì mới đâu. Ông ấy nói đúng, nhưng cam kết đã có từng ấy năm, tại sao các bộ các ngành không chuẩn bị, không thay đổi, điều chỉnh lại những qui định, cũng như cách thức hoạt động của mình, cho nói phù hợp với các nước khác.

Hai nữa là không hướng dẫn lại cho doanh nghiệp và người dân cho họ biết để chuẩn bị thích ứng. Đó là lỗi rất đáng kể từ chính Nhà nước. Bởi người đi đàm phán là họ, người đưa ra các cam kết là họ. Cái gọi là tham vấn tuy Chính phủ có qui định, nhưng diễn ra rất ít, và khi Việt Nam tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP rồi, thì các cuộc tham vấn lại chủ yếu hướng đến những vấn đề của TPP, hay những vấn đề của FTA mới với EU. Đối với  AEC cung cách ứng xử của cơ quan nhà nước với doanh nghiệp vẫn y hệt như xưa, thậm chí có cái còn tệ hơn.

Bà có thể ví dụ?

Như Chính phủ đưa ra Nghị quyết 19, có 22 trang, với những qui định rất cụ thể bộ nào ngành nào phải làm gì, các địa phương phải làm gì, công việc phải báo cáo Thủ tướng 3 tháng 1 lần về tiến trình thực hiện. Tại Hội thảo cuối tháng 9 ở Viện Quản lý Kinh tế TW thì người ta đã thống kê rằng chỉ có ba bộ, và Bảo hiểm Việt Nam, thực hiện nhiệm vụ báo cáo. Còn các địa phương thì đếm trên đầu ngón tay.

Anh thấy đấy, ngay cả Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam để Việt Nam tiến dần tới ngang bằng môi trường đầu tư của ASEAN-6, và tới năm 2016 đạt mức trung bình của ASEAN-4, thế nhưng họ dửng dưng hoàn toàn. Và nếu họ không thực hiện những yêu cầu cụ thể trong nghị quyết thì đến bao giờ Việt Nam mới có môi trường kinh doanh như các nước ASEAN để hoạt động?

Tác động của AEC đối với doanh nghiệp Việt Nam là phần bất lợi sẽ tăng lên khi mà môi trường kinh doanh không được cải thiện. Tinh thần của AEC là khu vực ASEAN là một nền kinh tế chung, tức là nó phải được hoạt động trên một mặt bằng ngang với nhau. Tinh thần kết nối, từ thể chế chính sách đến hạ tầng đến con người, sẽ thực hiện làm sao, thể chế chính sách Việt Nam đi một đằng, các nước ASEAN khác đi một nẻo. Và doanh nghiệp Việt Nam làm sao có thể hoạt động một cách cạnh tranh được đây?

Nhập siêu sẽ ngày càng lớn từ ASEAN?

Xin bà nói rõ những cơ hội đối với doanh nghiệp Việt Nam, khi AEC được thành lập?

Mặt tích cực là trên một nền tảng hài hoà hoá trong ASEAN rất cao sẽ tạo thuận lợi hơn cho Việt Nam trong xuất nhập khẩu và đầu tư với các nước trong vùng.

Hai là Việt Nam sẽ cùng với các nước ASEAN tận dụng lợi thế của qui mô kinh tế, vượt khỏi qui mô một quốc gia, đạt tới qui mô của một số quốc gia, để làm một số ngành của ASEAN. Sẽ có lợi thế cao hơn, khi sát cánh cùng nhau, phân công hợp lý để cùng nhau phát triển.

Thứ ba là nó sẽ làm cho vị thế của ASEAN trong các hội nhập khác trên toàn cầu tốt hơn.

Về qui mô kinh tế Việt Nam không lớn như các nước khác, nhưng về dân số đứng thứ ba, vì vậy kết nối với những nền kinh tế tiên tiến hơn như Singapore, Malaysia, Thái Lan, hay Indonesia, có thể đẩy Việt Nam lên.

Lâu nay, ASEAN có một nhược điểm là thương mại nội vùng rất thấp, chỉ đạt 24-25% tổng kim ngạch thương mại, trong khi EU chẳng hạn có hơn 50% thương mại nội vùng. Với AEC, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ không nhất thiết phải mua bất cứ thứ gì từ Trung Quốc, hay thậm chí Hàn Quốc và Đài Loan, mà có thể mua ngay của các nước ASEAN khác.

Hay về xuất khẩu, doanh nghiệp Việt Nam sẽ không nhất thiết phải đi xuất khẩu ở những chân trời xa xôi, như châu Phi chẳng hạn, với những đắt đỏ về hạ tầng, về chi phí giao thông vận tải, hoặc những rủi ro do không thông thạo thị trường, mà xuất sang các nước ASEAN lợi hơn nhiều mặt.   

Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ hoàn thành vào cuối năm nay

Thế thách thức lớn nhất là gì? Liệu có phải là hàng ASEAN, chẳng hạn như hàng Thái Lan, sẽ tràn ngập lãnh thổ Việt Nam, khi thuế suất rút xuống 0%, gây khó khăn cho doanh nghiệpViệt Nam?  

Tất nhiên cái bất lợi là sức ép cạnh tranh tăng lên rất nhiều. Với Việt Nam, nước ta có khoảng cách phát triển kém hơn các nước Singpapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Philipinnes, hay Brunei. Nghiên cứu gần đây nhất của Bộ Kế hoạch – Đầu tư đã đưa ra rằng về tăng năng suất Việt Nam đang thu hẹp khoảng cách, nhưng khoảng cách tuyệt đối vẫn đang giãn ra.  

Cái đó là do Việt Nam chỉ được khai thác ở mảng năng suất thấp, lao động giá rẻ, tài nguyên rẻ và các nhân tố đầu vào giá rẻ, hơn là các ngành cao cấp hơn, và các nước ASEAN khác đang lợi dụng Việt Nam theo kiểu đó, hoặc tận dụng thị trường nội địa của Việt Nam như thị trường tiêu dùng hàng của họ, hơn là nơi cung cấp các sản phẩm trở lại cho họ. Tức là Việt Nam tiếp tục nhập siêu trong thương mại với họ và ngày càng nặng nề hơn.

Công ty Mackenzie, điều tra cơ hội lớn nhất là gì khi AEC hình thành, thu được kết quả là 52% công ty ở Thái Lan cho rằng thị trường Việt Nam là cơ hội lớn nhất của họ. Nếu nhìn động thái họ chuẩn bị 3-4 năm nay rất là tích cực. Có thể thấy rất rõ họ đang nắm hệ thống phân phối ở Việt Nam, mua lại từ các nhà đầu tư nước ngoài khác ở Việt Nam, hay mua lại các chuỗi phân phối của Việt Nam như các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện ích để xâm nhập vào thị trường.

Mặt khác, hàng Thái Lan rất nhiều ở Việt Nam và có lợi thế cạnh tranh với Việt Nam vì uy tín cao hơn, chất lượng tốt hơn, về sản phẩm và dịch vụ đi cùng với sản phẩm, mà giá cả không chênh nhiều. Điều đó có lợi cho người tiêu dùng, nhưng với doanh nghiệp Việt Nam đang muốn vượt lên để phát triển thì bất lợi lớn, mất đi thị trường nội địa. Ta phải nhớ rằng 70% SMEs của Việt Nam chỉ hoạt động trên thị trường nội địa, chứ không có xuất khẩu. Còn 30% có hoạt động xuất khẩu, thì mảng thị trường nội địa với họ cũng là rất lớn.

Đối với nông dân Việt Nam cũng vậy, dù Việt Nam đang xuất khẩu 20 mấy tỷ đô la một năm thì thị trường nội địa vẫn là thị trường cuối cùng lớn nhất của nông dân Việt Nam. Cạnh tranh với các nước xung quanh có những mặt hàng rất là tương tự với Việt Nam, mang tính cạnh tranh nhiều hơn là mang tính bổ sung (trừ có Singapore là mang tính bổ sung), các doanh nghiệp Việt Nam sẽ vươn lên thế nào đây? Đây là một bài toán rất lớn ngay trên thị trường nội địa, khi mà xuất khẩu sang ASEAN cũng rất nhiều thách thức.

Bà nói rằng doanh nghiệp Việt Nam sẽ có lựa chọn xuất khẩu sang ASEAN, thay vì xuất sang châu Phi chẳng hạn. Vậy sức cạnh tranh của hàng Việt Nam khi xuất khẩu sang các nước ASEAN như thế nào?

Hiện nay, trên thực tế nói đến hàng Việt Nam nói chung sức cạnh tranh là khó, và điều tương tự khi nói đến doanh nghiệp Việt Nam nói chung. Ngay trong hàng Việt Nam có sự phân tầng khá rõ, một số doanh nghiệp và một số sản phẩm, rất tiếc chỉ là số ít thôi, thực sự có năng lực cạnh tranh, và họ cũng bắt tay vào chuẩn bị trong mấy năm vừa qua để nâng sức cạnh tranh lên và sẵn sàng với cuộc chơi mới. Đó là một nhóm doanh nghiệp Việt Nam tương đối tiên tiến, có hiểu biết về thương trường, có một tinh thần chấp nhận cạnh tranh rất cao, và có một khát vọng vượt lên cho doanh nghiệp mình, cho hàng Việt, cho thương hiệu Việt Nam,  và tập trung khá cao ở phía Nam.

Ví dụ như CLB Đổi mới – Sáng tạo, mà Bộ Khoa học Công nghệ rất ủng hộ. Sắp tới họ sẽ tham gia Hội chợ Techmart ở Hà Nội để chia sẻ kinh nghiệm. Một nhóm thứ hai là những doanh nghiệp tham gia CLB Dẫn đầu (LBC), chủ yếu cũng là từ TP HCM. Hay nhóm doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao đang cố gắng vừa giữ thị trường nội địa, cũng như vươn ra thị trường các nước xung quanh, đặc biệt vào các nước ASEAN…

Rất đang tiếc là với số đông doanh nghiệp Việt Nam sức cạnh tranh vẫn kém, nhất là tinh thần kinh doanh. Điều tra của VCCI cho thấy, nếu đo về tinh thần kinh doanh so với các nước ASEAN khác, doanh nghiệp Việt Nam thấp hơn đáng kể, chỉ bằng một nửa.

Tin liên quan
Tin khác