Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện có 95 luật, pháp lệnh và 85 nghị định điều chỉnh hoạt động quy hoạch. Hệ quả của tình trạng có quá nhiều văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh quy hoạch là cả nước hiện có khoảng 19.200 bản quy hoạch khác nhau và số lượng quy hoạch còn “sinh sôi nảy nở” do các bộ, ngành, địa phương tiếp tục… quy hoạch. Chẳng hạn, mới đây, ngày 24/3/2017, Bộ Công thương đã phê duyệt “Quy hoạch phát triển thương mại Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035”.
. |
Không phủ nhận việc có nhiều quy hoạch đã phát huy tác dụng trong tập hợp nguồn lực, tập trung phát triển kinh tế - xã hội, nhưng đánh giá một cách tổng thể, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Đặng Huy Đông cho rằng, rất nhiều quy hoạch không hiệu quả.
“Trong vòng 3-4 năm vừa qua, ngân sách nhà nước đã phải bỏ ra khoảng 8.000 tỷ đồng để làm quy hoạch, trong đó có không ít bản quy hoạch sau khi được phê duyệt, đành bỏ ngăn kéo vì không thể thực hiện được. Nhiều bản quy hoạch cố triển khai không những không tập trung được nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, mà ngược lại, còn cản trở sự phát triển”, ông Đông dẫn chứng.
Kể từ khi bắt tay vào xây dựng Luật Quy hoạch đến nay đã hơn 6 năm, PGS-TS. Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Kiến trúc Hà Nội cảm thấy tiếc khi luật này không sớm được thông qua tại Quốc hội khóa XIII.
Việc chưa thông qua được Luật Quy hoạch mấy năm trước, theo ông Hanh, là do khi đem ra thảo luận ở cả Chính phủ lẫn các cuộc hội thảo khoa học, nhiều người cho rằng, quy hoạch hiện nay vẫn rất tốt, các bộ, ngành đang thực hiện quy hoạch rất nề nếp, đã rất ổn định, thì hà cớ gì phải thay đổi hoặc nếu có chăng thì xây dựng Luật Quy hoạch như là luật chung, luật khung, luật ống và các luật chuyên ngành vẫn quy định về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, nông thôn, quy hoạch ngành, quy hoạch sản phẩm.
“Quy hoạch hiện nay là tư duy của kinh tế kế hoạch hóa tập trung, đã quá lỗi thời trong cơ chế thị trường mở cửa toàn diện như hiện tại. Nếu không thay đổi tư duy về quy hoạch thì chúng ta tự đưa mình vào bẫy thu nhập trung bình thấp và không có cách gì thoát ra được”, ông Hanh cảnh báo.
Ông Hanh lý giải thêm, quy hoạch như hiện nay (cơ quan nào cũng có quyền lập, tổ chức và điều chỉnh quy hoạch một cách ngẫu hứng, chủ quan) thì 63 địa phương là 63 nền kinh tế, không ai chịu ai, mạnh ai nấy làm, không phát huy được nguồn lực, thậm chí còn cản trở, hạn chế sự phát triển của nhau.
“Xây dựng Luật Quy hoạch ở thời điểm này đã trở nên bức thiết. Nếu không, sẽ không thể xóa được tình trạng cát cứ, cục bộ, triệt tiêu động lực phát triển. Như vậy, Việt Nam chắc chắn rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp và không có cách gì thoát ra được”, ông Hanh nhắc lại.
Theo ông Vũ Quang Các, Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Luật Quy hoạch được trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 3 tới đây không chỉ hướng tới việc cải cách toàn diện công tác quy hoạch, mà với việc loại bỏ quy hoạch sản phẩm, sẽ loại bỏ được những loại giấy phép trái với quy luật của kinh tế thị trường, tạo bước đột phá về thủ tục hành chính trong đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Luật Quy hoạch là bước đột phá về thể chế, tạo ra sự đồng bộ về hệ thống pháp luật trên cơ sở điều chỉnh tất cả các loại quy hoạch được điều chỉnh tại 95 luật, pháp lệnh; 85 nghị định và hàng trăm văn bản hướng dẫn khác nhau, từ đó tạo lập, sắp xếp lại một cách có trật tự, gọn gàng, thống nhất và hữu hiệu để quy hoạch thực sự là công cụ quan trọng, giúp Nhà nước kiến tạo, phát triển, tạo đòn bẩy để phát triển kinh tế.
Đến thời điểm này, Dự thảo Luật Quy hoạch nhận được sự đồng tình của tuyệt đại đa số các ý kiến tham gia đóng góp của cơ quan lập pháp, chuyên gia nhiều lĩnh vực, đặc biệt là chính quyền địa phương và cộng đồng doanh nghiệp. Hiện chỉ có một số ít lo ngại rằng, nếu được Quốc hội thông qua, thì ngày 1/1/2019, Luật Quy hoạch sẽ có hiệu lực, tức là chưa đầy 2 năm nữa, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành phải sửa đổi, bổ sung những luật, pháp lệnh khác nhau.
“Vấn đề này không đáng ngại, vì hầu hết các luật chỉ bỏ mỗi từ quy hoạch; số còn lại chỉ phải sửa đổi, bổ sung một vài điều. Nếu được Quốc hội thông qua, tôi bảo đảm là, ngay sau khi có hiệu lực, không chỉ các văn bản pháp luật, quy phạm pháp luật liên quan đến quy hoạch có thể sửa đổi, bổ sung kịp thời, mà đã có thể xây dựng xong bản quy hoạch tổng thể trên cơ sở tích hợp các quy hoạch hiện có. Nếu chậm trễ trong xây dựng quy hoạch tích hợp, khi đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới (2021-2030), thì vẫn còn tình trạng huyện nào cũng muốn có nhà máy, khu công nghiệp, khu chế xuất, trong khi hạ tầng giao thông mới chỉ là… đường làng”, Thứ trưởng Đặng Huy Đông nhấn mạnh.