Khu công nghiệp Hiệp Phước muốn chuyển thành khu công nghiệp sinh thái, nhưng rất khó khăn vì phải đầu tư nhiều hạng mục |
Địa phương lúng túng
Sau hơn 1 năm kể từ khi Nghị định số 35/2022/NĐ-CP (Nghị định 35) có hiệu lực, không thể phủ nhận việc đơn giản hóa quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục đầu tư hạ tầng, thành lập khu công nghiệp mới và mở rộng khu công nghiệp hiện hữu. Hiện nhiều tỉnh, thành phố phía Nam đang “tăng tốc” đầu tư khu công nghiệp mới để đón sự dịch chuyển chuỗi cung ứng từ các tập đoàn lớn đến Việt Nam. Tuy nhiên, dù các thủ tục thành lập khu công nghiệp mới đã đơn giản hơn trước, nhưng khi áp dụng vào thực tế vẫn gặp nhiều vướng mắc.
Tại Đồng Nai, theo quy hoạch các khu công nghiệp đã được Chính phủ phê duyệt, thì tỉnh này sẽ thành lập thêm 8 khu công nghiệp mới, tổng diện tích hơn 8.200 ha. Thế nhưng, từ năm 2020 đến nay, các khu công nghiệp nằm trong quy hoạch của Đồng Nai đều gặp vướng mắc liên quan đến thủ tục đầu tư, xử lý đất cao su, đất rừng, xác định đất đấu giá, đấu thầu, quy hoạch phân khu…
Bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, các vấn đề vướng mắc thuộc thẩm quyền giải quyết của các bộ và Chính phủ. Tại Đồng Nai, nhiều khu công nghiệp đang vướng đất cao su vì hiện không có quy định cụ thể xử lý đất cao su, nên tỉnh không xác định được dự án thuộc trường hợp đấu giá hay đấu thầu và phải đợi các bộ, ngành hướng dẫn.
“Các khu công nghiệp của tỉnh đã lấp đầy khoảng 86%, diện tích còn lại có thể cho thuê rất ít vì còn vướng công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Nếu các khu công nghiệp mới chậm đầu tư thì 1-2 năm tới, Đồng Nai sẽ gặp khó khăn trong thu hút đầu tư vì không còn đất cho nhà đầu tư thuê”, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai lo ngại.
Về vướng mắc cụ thể tại các khu công nghiệp, ông Phạm Văn Cường, Phó trưởng ban Ban quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai phân tích thêm, Nghị định 35 không hướng dẫn cụ thể việc thẩm định, phê duyệt hồ sơ điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu xây dựng khu công nghiệp, mà chỉ nêu Ban quản lý các khu công nghiệp được UBND tỉnh ủy quyền quyết định, nên khó khăn trong quá trình thực hiện.
Không chỉ vậy, những khu công nghiệp muốn mở rộng theo Nghị định 35 phải đáp ứng điều kiện có các công trình tiện ích công cộng, trong đó có khu nhà ở tập trung cho chuyên gia nước ngoài, nhà ở cho công nhân. Tuy nhiên, hiện nhiều khu công nghiệp không còn diện tích để xây dựng những hạng mục này.
Thêm một vướng mắc nữa là, theo Nghị định 35, việc chuyển đổi các khu công nghiệp hiện nay thành khu công nghiệp sinh thái thì tiêu chí tối thiểu 20% doanh nghiệp trong khu công nghiệp sử dụng hiệu quả tài nguyên, sản xuất sạch hơn… Với chủ đầu tư hạ tầng, tỷ lệ đất dành cho giao thông, cây xanh phải chiếm 25%, thay vì 21% như trước.
Ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng ban Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM cho biết, Thành phố đang xem xét chuyển Khu công nghiệp Hiệp Phước thành khu công nghiệp sinh thái, song rất khó khăn vì phải đầu tư rất nhiều hạng mục, trong khi nhiều hạng mục đã đầu tư trước đó nên không đáp ứng được tiêu chí của khu công nghiệp sinh thái. Do vậy, việc phát triển một khu công nghiệp sinh thái ngay từ đầu sẽ dễ hơn là việc chuyển khu công nghiệp cũ thành khu công nghiệp sinh thái theo Nghị định 35.
Khơi thông điểm nghẽn
Không chỉ vướng mắc trong các thủ tục, về mặt quản lý nhà nước, nhiều khu công nghiệp tại các tỉnh, thành phố phía Nam cũng vướng mắc khi thực hiện theo Nghị định 35.
Tại Hội nghị giao ban Câu lạc bộ Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế các tỉnh, thành phố phía Nam diễn ra mới đây, nhiều Ban quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế đã chỉ ra, Nghị định 35 chưa phải là khung pháp lý cao nhất, nên một số chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế bị một số luật chuyên ngành khác chi phối, gây khó khăn, vướng mắc và chồng chéo.
Một số nhiệm vụ quản lý nhà nước tại Nghị định 35 chưa được phân cấp, ủy quyền như: môi trường, thanh tra, lao động, thương mại và xử phạt vi phạm hành chính... dẫn đến công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực chưa được giải quyết triệt để, làm ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư, xây dựng hạ tầng, triển khai thực hiện dự án chậm. Công tác xúc tiến và thu hút đầu tư chưa hiệu quả, quản lý lao động, môi trường, quy hoạch… không chặt chẽ.
Đại diện nhiều khu công nghiệp cho rằng, việc khơi thông các điểm nghẽn trong Nghị định 35 sẽ giúp các địa phương thành lập được khu công nghiệp mới, đón các tập đoàn lớn đến đầu tư. Đồng thời kiến nghị, Quốc hội, Chính phủ xem xét sớm xây dựng luật về khu công nghiệp, khu kinh tế để có cơ sở pháp lý thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với khu công nghiệp, khu kinh tế. Tiến hành rà soát, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung một số quy định còn chồng chéo đối với hoạt động quản lý nhà nước đã ban hành tại các luật như Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai, Luật Xây dựng...
Với chủ đề “Đón đầu cơ hội từ dòng vốn mới”, Diễn đàn sẽ tập trung đánh giá triển vọng các dòng vốn mới vào Việt Nam, xu hướng phát triển các sản phẩm bất động sản công nghiệp chuyên biệt; phân tích các điểm nghẽn về chính sách, thủ tục, quy hoạch, hạ tầng, quỹ đất… có thể ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng của thị trường bất động sản công nghiệp, đồng thời thảo luận các giải pháp để tháo gỡ các điểm nghẽn và đón đầu những cơ hội mới.
Diễn đàn cũng sẽ thảo luận các vấn đề đang được cộng đồng các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm như tác động của chính sách mới về thuế tối thiểu toàn cầu; các điều chỉnh chính sách của Việt Nam liên quan khu vực FDI để bù đắp cho những hạn chế về mặt ưu đãi thuế; các thách thức đặt ra trong phát triển bất động sản công nghiệp bền vững theo tiêu chuẩn ESG...