Người dân mua sắm tại siêu thị ở London, Anh. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Điều này đồng nghĩa với việc Vương quốc Anh đã tránh được suy thoái kinh tế vào cuối năm ngoái.
Giám đốc thống kê kinh tế của ONS, ông Darren Morgan cho biết sự tăng trưởng vượt dự báo của các ngành viễn thông, xây dựng và sản xuất là yếu tố giúp nền kinh tế Anh đạt mức tăng trưởng trên. Lĩnh vực dịch vụ mũi nhọn của Anh tăng 0,1%, nhờ các công ty du lịch tăng trưởng gần 11%. Sản xuất tăng 0,5% nhờ có sự đóng góp của lĩnh vực dược phẩm, trong khi xây dựng tăng 1,3%. Thu nhập khả dụng của các hộ gia đình tăng 1,3% sau 4 quý liên tiếp tăng trưởng âm.
Ngoài ra, theo ông Morgan, các hộ gia đình ở Vương quốc Anh đã tiết kiệm được nhiều hơn trong quý IV/2022, với nguồn tài chính tăng lên khi chính phủ hỗ trợ để thanh toán các hóa đơn năng lượng cao ngất ngưởng. Cụ thể, tỷ lệ tiết kiệm tương đương 9,3% thu nhập khả dụng, tăng lên so với mức 5,6% ngay trước đại dịch. Trong khi đó, thâm hụt cán cân thanh toán của Vương quốc Anh so với phần còn lại của thế giới được thu hẹp, do thu nhập từ nước ngoài của các công ty Anh tăng lên, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng.
Mặc dù dữ liệu kinh tế được cải thiện, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Anh vẫn thấp hơn 0,6% so với mức cuối năm 2019 và Anh là nền kinh tế duy nhất trong Nhóm Các nền kinh tế công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) chưa phục hồi sau đại dịch Covid-19. (G7 gồm Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Canada và Italy).
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hồi tháng 1 dự báo Anh sẽ là nền kinh tế G7 duy nhất tăng trưởng âm trong năm 2023, một phần do tỷ lệ lạm phát trên 10%. Tuy nhiên, từ tháng 1 đến nay, kinh tế Anh vận hành tốt hơn dự báo của giới phân tích.
Ngân hàng trung ương Anh (BoE) tuần trước đã tăng lãi suất và đây là lần tăng lãi suất thứ 11 liên tiếp của thể chế tài chính này. Hiện các nhà đầu tư đang có quan điểm trái ngược nhau về khả năng BoE sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong tháng 5 tới.
Tại Pháp, số liệu của Viện Thống kê quốc gia Pháp (INSEE) cho thấy lạm phát trong tháng 3 là 5,6%, giảm từ mức 6,3% trong tháng 2. Xu hướng đi xuống của giá năng lượng đã góp phần giảm lạm phát tại nền kinh tế lớn thứ hai của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), dù giá thực phẩm tăng tới 15,8%.
Tại Đức - nền kinh tế lớn nhất Eurozone, lạm phát cũng giảm từ 8,7% trong hai tháng đầu năm xuống 7,4% trong tháng 3. Tương tự, tại Tây Ban Nha, lạm phát đã giảm từ 6% trong tháng 2 xuống 3,3% trong tháng 3.