Việt Nam đã trở thành nhà xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ 2 thế giới. |
Theo báo cáo thống kê thương mại thế giới năm 2021 mới nhất của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, Việt Nam đã có sự duy trì tốc độ tăng trưởng liên tục trong các năm, và năm 2020 lần đầu tiên đã vượt qua Bangladseh để trở thành nhà xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ hai trên thế giới.
Trung Quốc tiếp tục giữ vững vị trí số 1 với kim ngạch xuất khẩu đạt 142 tỷ USD năm 2020, chiếm 31,6% thị phần xuất khẩu toàn cầu. Ngay sau là Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 29 tỷ USD, chiếm 6,4% trong khi đó Bangladesh chỉ đạt 28 tỷ USD, chiếm 6,3%.
Báo cáo của WTO cũng cho thấy xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam đã giảm 7,0% trong năm 2020 so với 2019 trong khi Bangladesh đối mặt với mức giảm 15%.
Nguyên nhân của sự sụt giảm này là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến các nhà máy tại Bangladesh phải đóng cửa do nhiều nhãn hàng phương Tây hủy hợp đồng hoặc trì hoãn việc thanh toán.
Nhờ sự kiểm soát dịch tốt tại Việt Nam trong năm 2020, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài hiệu quả, doanh nghiệp dệt may Việt Nam đáp ứng tốt các quy định về tuân thủ, luôn tìm cách đa dạng hóa sản xuất, không chỉ là hàng may mặc thời trang nhanh (giá rẻ, hợp thời trang) mà còn cả quần áo và phụ kiện tầm trung và cao cấp, xuất khẩu dệt may Việt Nam tuy có sụt giảm so với 2019 nhưng mức sụt giảm vẫn thấp hơn so với thị trường Bangladesh.
Top 10 nhà xuất khẩu hàng may mặc trên thế giới năm 2020.
TOP 10 XK | Giá trị (tỷ USD) | Thị phần xuất khẩu (%) | Mức % thay đổi hàng năm | ||||||
2020 | 2000 | 2005 | 2010 | 2020 | 2010-20 | 2018 | 2019 | 2020 | |
Trung Quốc | 142 | 18,2 | 26,6 | 36,6 | 31,6 | 1 | 0 | -4 | -7 |
Châu Âu | 125 | 26,4 | 29,3 | 26,9 | 27,9 | 3 | 11 | 1 | -8 |
Việt Nam | 29 | 0,9 | 1,7 | 2,9 | 6,4 | 11 | 15 | 7 | -7 |
Bangladesh | 28 | 2,6 | 2,5 | 4,2 | 3,6 | 7 | 13 | 0 | -15 |
Thổ Nhĩ Kỳ | 15 | 3,3 | 4,2 | 3,6 | 3,4 | 2 | 4 | 5 | -6 |
Ấn Độ | 13 | 3,0 | 3,1 | 3,2 | 2,9 | 1 | -10 | 4 | -24 |
Malaysia | 10 | 1,1 | 0,9 | 1,1 | 2,2 | 10 | 14 | -2 | 73 |
UK | 8 | 2,1 | 1,8 | 1,6 | 1,9 | 4 | 6 | 0 | -7 |
Hongkong | 8 | … | … | … | … | -10 | -4 | -11 | -34 |
Indonesia | 8 | 2,4 | 1,8 | 1,9 | 1,7 | 1 | 9 | -4 | -12 |
Thống kê của WTO cũng cho thấy trị giá xuất khẩu của 10 quốc gia xuất khẩu hàng may mặc hàng đầu ở mức 378 tỷ USD, giảm mạnh so với 411 tỷ USD hồi năm 2019.
Khi Việt Nam trở thành nước xuất khẩu may mặc lớn thứ ba sau Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU), theo công bố của WTO, Bangladesh tụt xuống vị trí thứ tư.
Nếu con số xuất khẩu kết hợp của EU được phân tách theo quốc gia, thì Việt Nam và Bangladesh sẽ lần lượt là nhà xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ hai và thứ ba toàn cầu.
Ấn Độ cũng tụt xuống vị trí thứ sáu khi Thổ Nhĩ Kỳ vượt qua quốc gia Nam Á này trở thành nhà xuất khẩu may mặc lớn thứ năm trên toàn cầu. Xuất khẩu từ Ấn Độ đã giảm 25% trong năm 2020.
Theo số liệu của Bộ Công Thương, 7 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu toàn ngành dệt may đạt trên 22 tỷ USD so với mục tiêu khoảng 39 tỷ USD của năm nay, thị phần của ngành dệt may tăng lên 6,7% so với 5% của năm ngoái. Tuy nhiên, mục tiêu này đang trở nên khó hơn khi nhiều doanh nghiệp tại phía Nam đang phải tạm dừng sản xuất để phòng chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị 16 của Chính phủ.
Hoạt động sản xuất dệt may trong tháng 8 tại khu vực phía Nam hiện đã bị đứt gãy 90%, rủi ro từ giao hàng chậm, mất khách hàng và ảnh hưởng đến phát triển ngành trong năm 2022 rất hiện hữu.
Do đó, đứt gãy nguồn cung của các phía Nam lúc này đang là thách thức cực kỳ lớn với toàn ngành dệt may, trước hết hết là áp lực giao hàng cho các nhãn hàng.
Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Vũ Đức Giang cho biết: "dệt may là ngành thời trang, nếu không giao hàng đúng vụ, thiết kế đó sẽ không còn giá trị về mẫu mốt nữa. Trong khi sức mua hàng thời trang toàn cầu của các nước lớn như Mỹ, EU hiện đang tăng 16-17% so với cùng kỳ, có những mặt hàng tăng 30%, nhưng doanh nghiệp không giao hàng kịp thì rủi ro không thể đong đếm nổi, khi vừa bị phạt theo cam kết trong hợp đồng, vừa mất uy tín với đói tác”.
"Với tình hình như hiện nay, việc duy trì sản xuất trong tháng 8 là cực khó với ngành dệt may, do hiện tại, TP.Hồ Chí Minh và 19 tỉnh, thành phía Nam tiếp tục áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg và cả 16 nâng cao để kiểm soát chặt chẽ dịch, thì coi như hoạt động sản xuất trong tháng 8 đứt gãy 90%, thậm chí hơn 90% , việc giao hàng theo đó chắc chắn cũng bị ảnh hưởng", đại diện Vitas thông tin.
Bởi vậy, xuất khẩu những tháng cuối năm của ngành sẽ phụ thuộc vào việc kiểm soát dịch bệnh. Nếu dịch được khống chế, tháng 9 các nhà máy mở cửa trở lại thì vẫn có khả năng xuất khẩu đạt 39-39,5 tỷ USD, còn không chỉ dừng ở 32-33 tỷ USD.