Tính đến tháng 8, mỗi tấn gạo trắng 5% tấm của Việt Nam xuất khẩu có giá cao hơn gạo Thái Lan cùng loại khoảng 15 USD. |
Theo Hiệp hội lương thực Việt Nam, giá gạo Việt Nam đang dẫn đầu trong nhóm nước xuất gạo như Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan và Myanmar.
Việt Nam cũng là nước có sản lượng, giá trị gạo cao thứ 2 thế giới. Trong 7 tháng đầu năm, ước đạt Việt Nam xuất khẩu gần 4 triệu tấn, mang về giá trị 2 tỉ USD, tăng 11% về giá trị và giảm 1,5% về khối lượng so với cùng kỳ 2019. Đáng chú ý, giá gạo xuất khẩu Việt Nam trong 7 tháng đầu năm đã vượt qua Thái Lan.
Theo đó, giá gạo 5% tấm của Việt Nam vào ngày 11/8 là 493 USD/tấn, trong khi đó giá gạo 5% tấm của Thái Lan 473 USD/tấn; giá gạo 25% tấm của Việt Nam 468USD/tấn thì gạo 25% tấm của Thái Lan 452 USD/tấn.
Giá gạo xuất khẩu tăng cao kéo theo giá lúa thu mua tăng, khiến nông dân phấn khởi. Tại thị trường trong nước, giá lúa khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được duy trì ổn định, giá lúa tươi IR 504 ở mức 5.800 đồng/kg; lúa Jasmine: 6.000 đồng/kg; OM 957 và OM 9582: 5.850 đồng/kg; Đài Thơm 8: 6.200 đồng/kg; Nàng Hoa: 9 6.400 đồng/kg; OM 6976: 5.800 đồng/kg.
Đến nay, hầu hết các tỉnh ĐBSCL đã thu hoạch xong vụ lúa Hè – Thu. An Giang là địa phương thu hoạch muộn, nhưng cũng đã thu hoạch gần xong 100% diện tích gieo trồng với khoảng 230.000ha, năng suất ước đạt 5,53 tấn/ha, cao hơn từ 80-150kg/ha so với vụ lúa hè thu năm 2019.
Theo các chuyên gia, có nhiều yếu tố dẫn tới giá trị gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng cao như: gạo Việt Nam ngày càng đạt chất lượng cao, logistics được cải thiện, đồng thời dịch Covid-19 bùng phát lại nên nhiều nước tăng sản lượng nhập khẩu.
Còn theo, Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan, do đồng baht Thái tăng giá so với USD, khiến giá gạo xuất khẩu nước này mất lợi thế cạnh tranh so với đối thủ. Giá FOB gạo trắng 5% tấm của Thái Lan giao dịch quanh mức 460 USD một tấn, cao hơn 90 USD mỗi tấn so với gạo Ấn Độ và 8 USD so với gạo đồng hạng của Việt Nam.
Từ ngày 8/8 đến nay, giá gạo Việt Nam xuất bán trên thị trường thế giới dao động 478-482 USD một tấn, cao hơn giá xuất khẩu gạo Thái Lan khoảng 15 USD một tấn.
Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan cũng cho biết, Chính phủ nước này đang cân nhắc thay đổi chính sách trong xuất khẩu gạo, nhằm lấy lại đà cạnh tranh với gạo các nước xuất khẩu khác như Việt Nam, Ấn Độ. Các chính sách thay đổi sẽ tập trung vào marketing, giảm chi phí sản xuất, nghiên cứu các giống gạo mới...
Đại diện doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang) đánh giá: “Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam nay “tốt hơn nhiều” so với gạo của Thái Lan. Đúng là trong lịch sử 30 năm xuất khẩu gạo, gạo Việt Nam nay đã có giá xuất ngang ngửa với gạo Thái Lan, thậm chí bỏ xa gạo Thái Lan loại 5% tấm từ 15- 20 USD/tấn. Đây là tin rất tốt và tín hiệu lạc quan cho hạt gạo Việt”.
Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP.Cần Thơ), bổ sung giá gạo Việt đang có chiều hướng tốt hơn nhờ truyền thông thế giới đưa thông tin về gạo thơm của Việt Nam vào EU được hưởng thuế suất 0% theo Hiệp định Thương mại tự do VN - EU (EVFTA).
“EU là thị trường đẳng cấp, cứ gắn tên gạo Việt với thị trường này thì “hữu xạ tự nhiên hương” mà lên. Giá gạo Việt được đánh giá cao và thu mua với giá tốt hơn trong thời gian qua, nhờ EVFTA một phần không nhỏ. Thương hiệu gạo Việt đang được chú ý phần nào trên thị trường thế giới, sau cái tên Thái Lan là có thật. Chính vì điều đó, chúng tôi mới đàm phán xuất được gạo sang Pháp dưới tên của công ty, không xuất thô nữa. Thứ hai, gạo Việt Nam ngon và tốt thật, ngon hơn nhiều cùng chủng loại của Thái Lan”, ông Bình cho hay.