WB đã hạ dự báo tốc độ tăng trưởng GDP cả năm của Việt Nam từ 6,2% xuống 6% |
Dự báo này được đưa ra trong cuộc họp báo "Điểm lại tình hình kinh tế Việt Nam" diễn ra chiều nay (19/7).
Như vậy, so với dự báo gần nhất của WB là 6,2% tại Báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu (GEP) bán niên công bố ngày 7/6, mức dự báo đã giảm 2 điểm phần trăm. Nhưng so với chỉ tiêu mà Việt Nam đặt ra và đang nỗ lực đạt được (6,7%), khoảng cách không hề nhỏ.
Nguyên do chính, theo ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam, là tốc độ tăng trưởng GDP quý II/2016 không theo xu hướng chung khi so với quý I/2016.
“Đáng ra xu hướng vẫn là quý sau cao hơn quý trước, nhưng tình hình đang không được như vậy”, ông Sebastian Eckardt nói.
Bên cạnh đó, các nền kinh tế mới nổi và thu nhập cao trên thế giới đều có dấu hiệu suy giảm đang tạo ra cơn gió ngược trong phát triển. Giá cả chưa khởi sắc…
Tuy vậy, ông Achim Fock cho rằng, viễn cảnh kinh tế trung hạn của Việt Nam vẫn tích cực. Đi cùng với nhận định lạc quan này là kiên nghị Việt Nam tiếp tục tái cơ cấu theo chiều sâu để tăng năng suất lao động. Chính phủ cần phải củng cố tình hình ngân sách, ổn định nợ công và từng bước giảm nợ công.
Phân tích chi tiết hơn, ông Sebastian Eckardt cho biết đang kỳ vọng có sự tăng trưởng theo mùa vụ trong nửa năm còn lại.
“Chúng tôi cũng kỳ vọng lạm phát được kiềm chế tốt. Nhưng quan ngại vẫn còn về về hạn hán, vì nó không chỉ tác động đến tăng trưởng nông nghiệp mà tác động đến thu nhập của người nghèo. 2 triệu hộ gia đình nghèo và cận nghèo có thể bị tác động bởi hạn hán và nhiễm mặn”, ông Sebastian Eckardt phân tích.
Đặc biệt, WB đang theo dõi tốc độ tăng trưởng tín dụng, hiện đang khoảng 18%, gấp 3 lần so với tốc độ tăng trưởng GDP.
Ông Sebastian Eckardt quan ngại khi đây là dấu hiệu nền kinh tế dựa trên vay nợ, gây ra những quan ngại về chất lượng tài sản đằng sau tín dụng cũng như các hoạt động mang tính chất đầu cơ. Trong khi đó, nợ xấu trong khu vực ngân hàng vẫn chưa được giải quyết xong.
WB cũng nhắc tới quan ngại về tình trạng mất cân đối tài khóa tích tụ nhiều năm nay. Thâm hụt ngân sách ước tính gần 6,5% GDP vào năm 2015. Nợ công đã chiếm khoảng 62,2% GDP và đang nhanh chóng tiền gần với mức trần 65% GDP.
Kết quả thu chi ngân sách 6 tháng đầu năm cho thấy áp lực ngân sách sẽ còn tiếp diễn.
“Chính phủ đã cam kết bảo đảm duy trì bền vững nợ công và tái tạo khoảng đệm tài khóa. Bây giờ là phải thực hiện cam kết đó bằng hành động cụ thể nhằm cân đối ngân sách trong trung hạn”, ông Sebastian Eckardt khuyến nghị.