Ảnh minh họa. Nguồn: AFP |
Trong báo cáo "Triển vọng Kinh tế toàn cầu" được công bố 2 lần/năm, WB nhận định kinh tế toàn cầu trong năm nay có thể chỉ tăng trưởng ở mức 2,8%, thay vì mức dự báo 3% đưa ra hồi tháng Một.
Nguyên nhân là do tốc độ tăng trưởng của hai nền kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ và Trung Quốc giảm, cộng với viễn cảnh không mấy sáng sủa của các nền kinh tế Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và Nhật Bản.
Cụ thể, WB hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2015 xuống còn 2,7% so với mức 3,2% đưa ra hồi đầu năm. Kinh tế Nhật Bản và các nền kinh tế mới nổi cũng tăng trưởng thấp hơn dự báo, ở mức lần lượt 1,1% và 4,4%.
Trong khi đó, các chuyên gia WB tăng dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế châu Âu lên mức 1,5% và khu vực Nam Á ở mức 7,1%, trong khi giữ nguyên dự báo về nền kinh tế Trung Quốc ở mức 7,1%.
Theo tổ chức tài chính lớn nhất thế giới này, sang năm 2016, kinh tế toàn cầu dự báo sẽ tăng trưởng khả quan hơn, ở mức khoảng 3,3%.
Cũng theo báo cáo của WB, trong bối cảnh này, các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển ngày càng đối mặt với nhiều thách thức. Con đường phía trước sẽ "chông gai hơn" khi nền kinh tế Mỹ phục hồi trở lại và Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đang xem xét tăng lãi suất cơ bản. Nếu kịch bản này xảy ra, thị trường tài chính toàn cầu sẽ bất ổn hơn và khi đó các nền kinh tế yếu sẽ gánh chịu các hậu quả xấu do khó có thể thu hút đầu tư nước ngoài hơn.
Ông Kaushik Basu, chuyên gia kinh tế hàng đầu của WB, khuyến cáo các nền kinh tế mới nổi cần "thắt chặt dây an toàn," theo đó tăng cường hệ thống tài chính, thực hiện cải cách để nâng cao năng lực cạnh tranh.... trước viễn cảnh thị trường thế giới ngày càng bất ổn và chi phí đi vay ngày càng cao. Về kế hoạch tăng lãi suất của Fed, chuyên gia kinh tế WB cũng cho rằng thể chế này nên lùi thời điểm thực hiện chính sách này sang năm 2016, thay vì vào cuối năm nay như thông báo.