Doanh nghiệp
WeWork - tay chơi sừng sở đến từ Mỹ và đòn đỡ của start-up Việt trên thị trường không gian làm việc chung
Anh Hoa - 26/09/2018 14:32
Thị trường không gian làm việc chung (co-working space) Việt Nam sắp đón thêm WeWork, một “tay chơi” sừng sỏ trong giới khởi nghiệp bất động sản thế giới đến từ Mỹ, khiến cuộc cạnh tranh để giành “miếng bánh” ngày càng sôi động.

Đối thủ mạnh, cơ hội lớn

Ông Trần Xuân Kiên, sáng lập chuỗi không gian làm việc chung CoGo có thói quen mỗi ngày là đi một vòng và quan sát khắp các ngóc ngách của không gian hơn 3.300 m2 tại địa điểm CoGo số 1 - Thái Hà (Hà Nội), nơi CoGo đặt trụ sở.

“Do quy mô mỗi điểm co-working của CoGo thường lớn gấp 2 đến 3 lần các điểm co-working khác trên thị trường, nên phải mất 6 tháng đến 1 năm, lượng khách thuê của chúng tôi mới lấp đầy”, ông Kiên nói.

Các thiết bị thông minh và Internet giúp mọi người có thể làm việc ở bất cứ đâu, thúc đẩy nhu cầu không gian làm việc chung.

Khách của CoGo chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong và ngoài nước, một phần nhỏ là các công ty khởi nghiệp. Học hỏi kinh nghiệm từ Wework nên CoGo có thiết kế khu vực làm việc riêng rất giống WeWork, nhưng có chỉnh sửa các khu vực chức năng phù hợp hơn theo sự thấu hiểu đặc tính khách hàng Việt Nam. 

Là tân binh trên thị trường co-working space, hiện CoGo có 3 địa điểm đang hoạt động với tổng diện tích gần 8.000 m2 và sắp có thêm 2 địa điểm với tổng diện tích 5.000 m2, dự kiến khai trương vào tháng 12/2018 và quý I/2019. 

Cũng giống ông Kiên, niềm vui mỗi ngày đối với Đỗ Sơn Dương, đồng sáng lập, CEO Toong là được chứng kiến các bạn trẻ đến không gian làm việc chung của Toong để giao lưu, học hỏi từ các chuyên gia và những người đi trước.

“Nhiều người tạo dựng được các mối quan hệ đầu tư, đối tác, nhân sự, tìm được công việc mới ngay tại Toong, sau đó, họ đã giới thiệu bạn bè, người quen đến dùng dịch vụ tại đây”, Dương cho biết.

Với cá tính cứng cỏi và tham vọng, khởi nghiệp với Dương không phải là chờ đợi và than vãn. Bản lĩnh đó cũng thể hiện qua cách CEO 8X này chào đón đối thủ sừng sỏ WeWork - start-up được định giá 20 tỷ USD đến Việt Nam. 

3 năm trước, khi xây dựng địa điểm co-working đầu tiên, Dương đã thực hiện với suy nghĩ, sớm muộn gì WeWork cũng sẽ gia nhập thị trường Việt Nam, vì vậy, Toong phải được kiến tạo dựa trên những thế mạnh và giá trị riêng biệt, để không dễ dàng bị đánh bại trên “sân nhà” bởi một đối thủ mạnh hơn mình về tiềm lực tài chính.

“Chúng tôi biết rõ điểm mạnh, điểm yếu của mình và sẽ làm việc với những người giỏi hơn để có thể khắc phục những điểm yếu đó”, Dương nói. 

Về việc WeWork dự kiến khai trương điểm co-working tại TP.HCM vào tháng 12 tới, Dương đánh giá, đó là cơ hội lớn đối với Toong cũng như ngành kinh doanh mô hình co-working tại Việt Nam. 

Cụ thể, với tiềm lực của mình, WeWork sẽ “phổ cập” cho thị trường về mô hình dịch vụ co-working space, việc mà Toong đã phải nỗ lực rất nhiều trong 3 năm qua với tư cách là chuỗi không gian làm việc chung đầu tiên tại Việt Nam. Với sự tham gia của WeWork, sẽ nhiều người biết và tìm kiếm dịch vụ này khi cân nhắc, lựa chọn phương án không gian làm việc. Đặc biệt, việc WeWork tham gia vào sân chơi cũng là cơ hội để các đối thủ cùng ngành trên thị trường phô diễn giá trị khác biệt của mình và nỗ lực cải thiện mình hơn. 

Nếu các co-working space tập trung gia tăng các dịch vụ  tăng cường cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp, thì Toong tập trung kiến tạo những hoạt động nhằm giúp từng cá nhân phát triển như nghệ thuật, thiền, kỹ năng cá nhân... 

Tính đến cuối năm 2018, Toong có 11 điểm co-working, gồm 5 điểm tại TP.HCM, 4 điểm tại Hà Nội, 1 điểm tại Viêng Chăn (Lào) và 1 điểm tại PhnomPenh (Campuchia). Ngoài ra, còn một số địa điểm tại Hà Nội, TP.HCM và các thành phố khác trong nước đang trong quá trình thương lượng, dự kiến khai trương cuối năm 2018 và quý I/2019.

Trong khi đó, WeWork nhắm đến một cao ốc có vị trí đắc địa tại quận 4, gần “phố Wall Sài Gòn” (quận 1, TP.HCM). Các hoạt động xúc tiến tìm hiểu thị trường, thăm dò khách thuê được WeWork tổ chức rầm rộ trong quý III/2018. Theo đó, văn phòng WeWork sẽ là không gian làm việc chung lớn nhất tại Việt Nam với diện tích lên đến 5.000 m2, tính đến cuối năm 2018. Đối tượng khách hàng của họ là văn phòng đại diện của tập đoàn đa quốc gia.

Trước khi triển khai văn phòng tại TP.HCM, WeWork đã “đặt chân” vào thị trường Hà Nội bằng việc chi khoảng 400 triệu USD mua lại đối thủ Naked Hub, start-up có trụ sở ở Thượng Hải (Trung Quốc). Hiện Naked Hub có 4 điểm co-working ở Việt Nam, nhưng theo giới chuyên môn, điểm khai trương đầu tiên vào tháng 4/2018 tại phố Xuân Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội) đã sắp đóng cửa.

Các tên tuổi kinh doanh không gian làm việc chung ở trong nước vẫn còn thời gian để xây “móng” chắc cho mình. Vì theo ông Kiên, phải từ năm 2020 trở đi, WeWork mới có động thái mạnh mẽ ở Việt Nam do cần có thời gian để tái cấu trúc, thay đổi nhận diện thương hiệu Naked Hub ở Trung Quốc, sau đó là thị trường Indonesia, Singapore… Ở Việt Nam, trước mắt, WeWork sẽ giải quyết những hợp đồng, địa điểm mà Naked Hub đã ký. 

Cuộc đua đường dài

Thị trường co-working Việt Nam được đánh giá đầy tiềm năng trong tương lai, vì vậy, ngoài WeWork, các tên tuổi khác như Ucommune (Trung Quốc), JustCo (Singapore), The Hive (Hồng Kông) đã và đang thâm nhập, thực hiện kế hoạch bành trướng tại Việt Nam trong thời gian tới. 

Tuy nhiên, diện tích trung bình của mỗi co-working space ở Việt Nam chỉ có quy mô  khoảng 1.000 m2, không đủ không gian, diện tích đạt chuẩn một co-working space đúng nghĩa. Trên thế giới, quy mô một co-working space thường có diện tích 2.000 - 5.000 m2. Ước tính đến hết năm 2018, thị trường co-working ở Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh cả về số lượng, quy mô, tổng diện tích co-working space sẽ đạt khoảng 90.000 m2.

Song, mô hình kinh doanh co-working space vẫn còn khá mới, nên chưa có báo cáo chính thức nào đánh giá về tỷ suất sinh lời của phân khúc này tại Việt Nam.

Theo báo cáo của CBRE gần đây, thị trường co-working Việt Nam đã xuất hiện 17 đơn vị kinh doanh vận hành 22 điểm với tổng diện tích 14.500 m2. Đến hết quý I/2018, số lượng các đơn vị điều hành đã tăng thành 40, cung cấp cho thị trường 50 điểm với tổng diện tích khoảng 30.000 m2.
Theo dữ liệu tháng 7/2018 của Toong, tổng giá trị thị trường co-working space của Việt Nam (tập trung gần như tuyệt đối tại Hà Nội và TP.HCM) là 16 tỷ đồng/tháng. Trong 5 năm vừa qua, nguồn cung không gian làm việc chung tại Việt Nam tăng trung bình 58% hàng năm.

Theo ông Trần Xuân Kiên, tổng diện tích văn phòng co-working ở Việt Nam hiện mới chỉ chiếm 0,5% thị trường văn phòng cho thuê. Trong khi ở các nước khác trên thế giới, tỷ lệ này là 3 - 5% và dự báo sẽ tăng lên 10% trong vòng 3 năm tới. Ông Kiên đánh giá, quy mô thị trường Việt Nam trong 3 năm tới phải tăng gấp 10 lần so với hiện nay, chiếm ít nhất 5% tổng thị trường văn phòng cho thuê, thì mới tương xứng với tiềm năng hiện có.

“WeWork tham gia vào thị trường sẽ góp phần giúp khách hàng nhận thức rõ ràng hơn về xu thế làm việc trong các co-working, giúp miếng bánh thị trường nở to thêm và bùng nổ nhanh hơn. Thế nhưng, mô hình kinh doanh này gần giống mô hình kinh doanh đầu tư khách sạn, chi phí đầu tư lớn và thời gian khấu hao ngắn, nên không thể có lãi luôn trong 1 - 2 năm đầu tiên”, ông Kiên nói

Ngay cả WeWork đã hoạt động trên thị trường 8 năm, đã vươn vòi ra khắp châu Á, từ Nhật Bản, Trung Quốc đến khu vực Thái Bình Dương và được xếp vào nhóm những công ty khởi nghiệp lớn nhất nước Mỹ (chỉ xếp sau Uber, Airbnb) cũng chưa thoát được lỗ. 

Trong một chia sẻ trên Reuters gần đây, WeWork dự báo sẽ tiếp tục chu kỳ thua lỗ lên đến 1 tỷ USD/năm do liên tục khai trương nhiều không gian làm việc chung mới và rót tiền cho hoạt động tiếp thị. Tỷ lệ thuê trung bình được WeWork tiết lộ là 84% tính tới cuối quý II/2018. Sáu tháng đầu năm 2018, WeWork đã báo lỗ 723 triệu USD.

Bất chấp việc thua lỗ lên đến con số tỷ USD, WeWork vẫn liên tục gia tăng sự hiện diện ở Đông Nam Á. Start-up đứng thứ ba nước Mỹ đã mua lại Spacemob (Singapore) như một phần kế hoạch thâm nhập thị trường ASEAN vào tháng 8/2017 và mở rộng quy mô với tốc độ chóng mặt kể từ đó.

Tuy vậy, với tham vọng của nhà đầu tư Masayoshi Son - chủ hãng viễn thông SoftBank (Nhật Bản) vừa quyết định đầu tư thêm 1 tỷ USD vào WeWork - thì WeWork không chỉ dừng lại ở việc phục vụ các start-up, mà phải thay đổi trải nghiệm văn phòng của số đông, các tập đoàn lớn, nhỏ và đặc biệt phải tạo ra hệ sinh thái văn phòng cho thuê, từ làm việc chung, sống chung, phòng tập gym và thậm chí cả cửa hàng cắt tóc phục vụ ý tưởng sống theo cộng đồng trong tương lai.

Được biết, từ năm 2016, WeWork đã tung ra dịch vụ Welive (sống chung) với đầy đủ tiện ích hàng ngày và có kế hoạch mở một phòng gym cố định, gọi là WeWork Wellniss. 

Tin liên quan
Tin khác