Ông Phạm Văn Trường, Vụ trưởng Vụ Hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính). |
Đẩy mạnh tự chủ đơn vị sự nghiệp công là chủ trương lớn đã được thực hiện nhiều năm, nhưng thưa ông, đến thời điểm này, mới khoảng 3,5% số đơn vị tự chủ hoàn toàn và 23% tự chủ được một phần chi thường xuyên?
Việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập còn chậm, mức độ tự chủ chưa cao; nguồn thu sự nghiệp còn thấp, hoạt động của đơn vị sự nghiệp công chủ yếu vẫn do NSNN cấp phát...
Nguyên nhân chính khiến chủ trương đẩy mạnh tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công còn chậm là do hầu hết các lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp công chưa tính đủ chi phí vào giá, dẫn đến khó khăn cho đơn vị sự nghiệp công lập khi thực hiện cơ chế tự chủ tài chính; phương thức đấu thầu, đặt hàng cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng NSNN còn ít được áp dụng và chưa thực sự phát huy hiệu quả.
Nghị định 32/2019/NĐ-CP sẽ giải quyết được những bất cập đó, thưa ông?
Tôi cho rằng, Nghị định 32/2019/NĐ-CP quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ công sử dụng NSNN sẽ thúc đẩy các đơn vị công lập từ phụ thuộc 100% vào “bầu sữa mẹ” chuyển sang tự chủ một phần, từ tự chủ ở mức độ thấp chuyển sang tự chủ ở mức độ cao và tiến tới tự chủ 100% kinh phí đầu tư và kinh phí chi thường xuyên.
Nghị định này đã đổi mới phương thức giao dự toán chi thường xuyên từ ngân sách cấp cho đơn vị sự nghiệp công sang thực hiện phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công. Kinh phí giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc trúng thầu là nguồn thu của đơn vị sự nghiệp công lập, nên đơn vị sự nghiệp công lập phải tự nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, dịch vụ công mới được giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc trúng thầu.
Nghị định này còn đẩy mạnh xã hội hóa trong việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ công do đã quy định một cách toàn diện, thống nhất các vấn đề liên quan đến cung cấp sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công, tạo công bằng, minh bạch trong việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công. Trong đó có nội dung đổi mới cơ bản về giá và lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công theo giá thị trường, phù hợp với khả năng của NSNN và thu nhập của người dân.
Ông có thể nói rõ hơn?
Nếu chỉ giao nhiệm vụ, giao kế hoạch và ngân sách nhà nước cấp 100% kinh phí hoạt động cho đơn vị sự nghiệp công, thì không có sự cạnh tranh trong việc nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, dịch vụ công. Với phương thức này, không đơn vị sự nghiệp công nào muốn tự chủ vì được Nhà nước bao cấp sẽ sống khỏe hơn.
Tuy nhiên, với phương thức đặt hàng, Nhà nước chỉ đặt hàng với đơn vị nào có chất lượng sản phẩm, dịch vụ công cao hơn và giá thấp hơn, nên bản thân các đơn vị phải cạnh tranh với nhau. Còn với cơ chế đấu thầu, các đơn vị sự nghiệp công không chỉ cạnh tranh với nhau, mà còn phải cạnh tranh với các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế trong việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ công. Nếu chất lượng sản phẩm, dịch vụ thấp, giá thành cao, thì đơn vị sự nghiệp công không thể trúng thầu, không hoàn thành nhiệm vụ và tất nhiên sẽ bị xử lý, sáp nhập, giải thể theo tinh thần Nghị quyết 19/NQ-TW (ngày 25/10/2017) về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập.
Với phương thức đấu thầu, thì tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đều được tham gia cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng NSNN, nên sẽ thúc đẩy xã hội hóa.
Thưa ông, vẫn còn phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng, thì không cơ quan nào muốn tổ chức đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công?
Trong số dịch vụ sự nghiệp công, chỉ có dịch vụ cứu nạn trên biển là thực hiện theo phương thức giao nhiệm vụ, vì dịch vụ này không thể đặt hàng hoặc đấu thầu. Có 4 loại dịch vụ chỉ thực hiện hình thức đặt hàng, như in tiền giấy và các loại giấy tờ có giá; sản xuất tiền kim loại; in đúc vàng miếng… Có 13 loại dịch vụ thực hiện theo phương thức giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng; 64 loại dịch vụ thực hiện cả 3 phương thức; 7 loại dịch vụ chỉ sử dụng phương thức đấu thầu hoặc đặt hàng như dịch vụ chiếu sáng đô thị; sản xuất chương trình phát thanh, truyền hình do Nhà nước tài trợ...
Giao nhiệm vụ, đặt hàng hay đấu thầu cung cấp sản phầm, dịch vụ công thực hiện theo nguyên tắc không đủ điều kiện đấu thầu mới đặt hàng, không đặt hàng được mới giao nhiệm vụ. Các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị sử dụng NSNN phải tự biết thực hiện theo phương thức nào và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Giao nhiệm vụ, đặt hàng hay đấu thầu đều phải bảo đảm Nhà nước mua được sản phẩm, dịch vụ công có chất lượng cao nhất và giá thấp nhất. Hàng năm, Kiểm toán Nhà nước đều kiểm toán đơn vị sử dụng NSNN, nên đơn vị nào vi phạm trong mua sản phẩm, dịch vụ công sẽ bị chỉ đích danh và có hình thức xử lý.
Thực hiện Nghị quyết 19/NQ-TW, số lượng đơn vị sự nghiệp công lập giảm mạnh; NSNN giảm chi trực tiếp cho đơn vị sự nghiệp công lập (giai đoạn 2016 - 2021 giảm 10% so với 2011 - 2015; giai đoạn 2021 - 2025 giảm 10% so với giai đoạn 2016 - 2020; giai đoạn 2025 - 2030 giảm tiếp 15% so với 2021 - 2025), nên chắc không nhiều bộ, ngành, địa phương chỉ thiên về giao nhiệm vụ, đặt hàng.