Ngân hàng - Bảo hiểm
Xác thực sinh trắc học khoản tiền 10 triệu đồng trở lên: Sẽ giảm tội phạm an ninh mạng
Thùy Vinh - 20/06/2024 08:26
Việc phải xác thực sinh trắc học với khoản tiền 10 triệu đồng trở lên từ ngày 1/7 theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được cho là sẽ hạn chế được tội phạm trong thanh toán.



Nhiều người sập bẫy tội phạm an ninh mạng

Thiếu tướng Nguyễn Văn Giang, Phó cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05, Bộ Công an) cho biết, thời gian qua, dù cơ quan chức năng liên tục cảnh báo, triển khai quyết liệt nhiều giải pháp, nhưng nhiều người dân vẫn sập bẫy tội phạm an ninh mạng.

Thống kê cho thấy, riêng năm 2023, có đến 13.900 vụ tấn công mạng, gây thiệt hại 390.000 tỷ đồng (tương đương 3,6% GDP), tổng số tiền người dân bị lừa trên mạng khoảng 8.000 - 10.000 tỷ đồng (tăng gấp rưỡi so với năm 2022).

Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Giang, việc ngăn chặn tội phạm lừa đảo qua mạng cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, cơ quan và doanh nghiệp liên quan. Đặc biệt, người dân cần nâng cao nhận thức để cảnh giác, hiểu biết về phương thức, thủ đoạn của kẻ lừa đảo, trang bị những kỹ năng phòng, chống các hoạt động lừa đảo; kịp thời thông báo cho cơ quan công an nếu nghi ngờ có hành vi lừa đảo qua mạng.

Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN), ông Phạm Anh Tuấn cho biết, thời gian qua, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt đã phát triển mạnh mẽ, với hơn 182 triệu tài khoản thanh toán của khách hàng cá nhân, tương ứng hơn 87% người trưởng thành có tài khoản tại ngân hàng. Đặc biệt, số lượng giao dịch thanh toán qua kênh di động và QR Code tăng trưởng nhanh chóng.

Tuy nhiên, theo ông Tuấn, bên cạnh sự phát triển này, ngành ngân hàng cũng phải đối mặt với những rủi ro và thách thức về an ninh, bảo mật, nhất là tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tiền và tài khoản của người dân bằng nhiều thủ đoạn tinh vi.

Tích cực làm sạch dữ liệu khách hàng

Để tăng cường bảo mật, từ ngày 1/7, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán phải xác thực sinh trắc học với giao dịch chuyển tiền trên 10 triệu đồng trở lên.

Ngành ngân hàng luôn coi an ninh, an toàn, bảo mật là điều kiện trọng yếu để phòng ngừa rủi ro mất tài sản cho khách hàng.

“Việc xác thực khuôn mặt khách hàng phải khớp với khuôn mặt được lưu trong chip của thẻ căn cước công dân. Bên cạnh đó, khi khách hàng lần đầu thực hiện giao dịch trên ứng dụng Mobile Banking hoặc trên thiết bị mới đều phải xác thực bằng dấu hiệu nhận dạng sinh trắc học. Các ngân hàng đang tích cực làm sạch dữ liệu khách hàng, loại bỏ các tài khoản không chính chủ để tăng cường bảo mật”, ông Tuấn nói.

Liên quan đến hành vi lừa đảo qua mạng trong hoạt động ngân hàng, ông Phạm Tiến Dũng, Phó thống đốc NHNN, Phó chủ tịch Hiệp hội An ninh mạng quốc gia cho biết, 3 hình thức chính thường gặp nhắm tới tài khoản ngân hàng của người dùng là: thao túng tâm lý để người dùng tự nguyện chuyển tiền đến các tài khoản khác do tội phạm chỉ định; chiếm dụng máy của người sử dụng và tiếp tục các thao tác khác; lấy thông tin trên thiết bị của người dùng chuyển sang thiết bị khác để thực hiện hành vi chiếm đoạt.

Với vai trò là cơ quan quản lý, NHNN luôn có chỉ đạo sát sao đối với hệ thống các tổ chức tín dụng để phòng tránh, hướng dẫn và cảnh báo cho khách hàng về các hành vi lừa đảo. Ông Phạm Tiến Dũng chia sẻ, ngành ngân hàng luôn coi an ninh, an toàn, bảo mật là điều kiện trọng yếu để phòng ngừa rủi ro mất tài sản cho khách hàng. Mặc dù vậy, đây cũng trở thành một khó khăn khi ngành ngân hàng có đặc thù nghiệp vụ khác biệt với khối lượng và quy mô giao dịch lớn.

Theo số liệu thống kê, hiện nay, trên 95% số lượng giao dịch thanh toán được thực hiện qua mạng, chỉ 5% giao dịch tại quầy; với tổng giá trị giao dịch là 200 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 830.000 tỷ đồng/ngày. Vì thế, ông Dũng cho rằng, không có giải pháp hoàn chỉnh, chỉ có giải pháp phù hợp, trong đó riêng ngành ngân hàng sẽ không làm được, mà cần sự phối hợp của Bộ Công an và Bộ Thông tin và Truyền thông…

Tin liên quan
Tin khác