Xoay xở nhập khẩu
Theo ông Hoàng Anh Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), từ cuối năm 2021 đến nay, sự cố của Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn đã ảnh hưởng rất lớn đến thị trường xăng dầu trong nước, gây gián đoạn và thiếu hụt nguồn cung, bởi Nghi Sơn vốn chiếm khoảng 35% tổng cung xăng dầu tại thị trường nội địa.
Trước đó, giải trình về việc bất ổn nguồn cung xăng dầu, Bộ Công thương cho biết, do Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn gặp khó khăn về tài chính, nên không có chi phí nhập dầu thô để sản xuất xăng dầu thành phẩm.
Trên thực tế, nguồn cung xăng dầu trong quý II đang được điều hành không tính đến lượng xăng dầu do
Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn cung cấp.
Báo cáo của Bộ Công thương cho thấy, riêng tháng 2/2022, Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn chỉ cung cấp 50% sản lượng của các hợp đồng đã ký hoặc cam kết cho các đầu mối; 50% sản lượng còn thiếu của Nghi Sơn tương đương 17 - 20% thị phần cả nước. Trong bối cảnh như vậy, việc đảm bảo đáp ứng đủ xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh và nhu cầu của người dân trong tháng 2 và tháng 3 đã là sự cố gắng rất lớn.
Chính vì thiếu hụt nguồn cung của Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn, Bộ Công thương đã yêu cầu các thương nhân đầu mối đẩy mạnh nhập khẩu ngoài tổng nguồn đã giao năm 2022.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, việc nhập khẩu không thể tiến hành trong ngày một, ngày hai. “Không thể đặt hàng hôm nay là sau 10 ngày có hàng về”, ông Tuấn nói.
Hai năm qua, do ảnh hưởng của Covid-19, các thương nhân đầu mối chủ yếu lấy sản phẩm từ Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn và Nhà máy Lọc dầu Bình Sơn để tiêu thụ và chỉ nhập khẩu sản phẩm mà 2 nhà máy này chưa đáp ứng được. Hiện nay, trong bối cảnh nguồn cung thế giới bị ảnh hưởng bởi xung đột Nga - Ukraine, việc kết nối lại đầu mối nhập khẩu cũng gặp khó khăn, các doanh nghiệp đầu mối chịu áp lực lớn về chi phí, khi giá cước vận tải, vận chuyển tăng cao.
Vì vậy, các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối được giao nhiệm vụ nhập khẩu xăng dầu nhằm bù đắp nguồn cung thiếu hụt đang nỗ lực kết nối với các nhà nhập khẩu, nhằm có được mức giá, thuế, phí hợp lý.
Được biết, tới đây, Bộ Công thương sẽ có buổi làm việc với Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn để bàn bạc, xác định rõ sản lượng mà nhà máy này có thể cung cấp ra thị trường theo từng tháng (có cam kết cụ thể). Phần còn lại, các doanh nghiệp đầu mối phải chủ động đáp ứng. Có thể thấy, khối lượng xăng dầu cần nhập để bổ sung cho phần thiếu hụt là không nhỏ.
Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương cho hay, việc mua xăng dầu không đơn giản như các loại hàng hóa khác, nhất là trong bối cảnh thế giới hiện nay. Ngoài ra, nhập khẩu từ thị trường nào cũng cần tính toán, vì liên quan đến mức thuế, nếu mua từ những thị trường phải chịu mức thuế cao, thì hàng về đến Việt Nam sẽ có giá cao.
Dựa trên báo cáo của doanh nghiệp và số liệu của cơ quan Hải quan, Bộ Công thương khẳng định, sẽ cố gắng ở mức cao nhất để đảm bảo đủ nhu cầu xăng dầu cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sử dụng xăng dầu làm nguyên liệu đầu vào và nhu cầu của người dân trong quý II/2022.
Chi hơn 2 tỷ USD nhập xăng dầu trong quý I/2022
Thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine tiếp tục ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu. Trong khi đó, với những thông tin về tăng trưởng kinh tế toàn cầu kém lạc quan, cầu xăng dầu có xu hướng giảm trong những ngày gần đây khiến giá xăng dầu trên thị trường thế giới có sự tăng giảm đan xen, nhưng xu hướng chung vẫn là tăng giá.
Do giá xăng dầu thế giới biến động mạnh, nguồn cung trong nước thiếu hụt, nên chi ngoại tệ nhập khẩu xăng dầu tăng cao chưa từng thấy.
Số liệu do Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, quý I/2022, cả nước nhập 2,65 triệu tấn xăng dầu, trị giá 2,374 tỷ USD, tăng 31,6% về lượng, nhưng tăng tới 129,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020 (tương đương mức chi ngoại tệ tăng thêm hơn 1 tỷ USD) và bằng khoảng 50% giá trị nhập khẩu trong cả năm 2021.
Năm 2021, lượng xăng dầu nhập khẩu của cả nước đạt 6,96 triệu tấn, trị giá 4,14 tỷ USD, giảm 15,5% về lượng và tăng 24,6% về trị giá so với năm 2020, với giá trung bình 593 USD/tấn. So với năm 2020, giá xăng dầu nhập khẩu đã tăng trung bình 191 USD/tấn và đó là nguyên nhân dù lượng giảm, nhưng ngoại tệ chi ra để nhập xăng dầu đã vọt lên hơn 4,1 tỷ USD.
Ở chiều xuất khẩu, Việt Nam cũng được hưởng lợi phần nào từ giá xăng dầu tăng. Cụ thể, quý I/2022, xuất khẩu xăng dầu đạt 512.000 tấn, trị giá 406 triệu USD, tăng 10,4% về lượng và 76,5% về trị giá. Xuất khẩu dầu thô đạt 747.000 tấn, trị giá 584 triệu USD, giảm 9% về lượng và tăng 50,3% về trị giá.