Thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45. |
“Giá xăng, dầu, thép tăng nhanh quá. Tình trạng giá cả nguyên vật liệu thiết yếu giờ phải dùng đúng từ là bão giá, tương tự như giai đoạn 2008”, lãnh đạo một nhà thầu đang thi công Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020, đoạn Dầu Giây – Phan Thiết cho biết.
Theo nhà thầu này, xăng, dầu là loại nguyên liệu đầu vào quan trọng nhất, chiếm phần lớn chi phí ca máy. Việc giá xăng và dầu diesel hiện đã tăng gấp đôi so với giá bỏ thầu sẽ khiến nhà thầu này bị tăng chi phí từ 5 – 10 tỷ đồng.
“Xăng, dầu không chỉ tăng chóng mặt mà do lo ngại giá sẽ biến động rất nhanh nên chủ các cây xăng chỉ bán nhỏ giọt mỗi lần khoảng 1.000 – 2.000 lít trong khi nhu cầu thi công thực tế lên tới 6.000 – 7.000 lít/ngày”, đại diện nhà thầu này cho biết.
Trước đó, nhà thầu này cũng đã và đang phải chịu thiệt hại rất nặng do giá thép, giá xi măng tăng cao.
Tại thời điểm gói thầu mà đơn vị này tham gia tổ chức đấu thầu (tháng 10/2020), giá thép tròn do Sở Xây dựng Bình Thuận công bố là 12.000 đồng/kg, chưa bao gồm thuế VAT. Chỉ sau đúng 1 tháng, giá thép xây dựng đã bắt đầu “nhảy múa”, tăng cao trong quý I/2021, tăng đột biến trong các tháng 6, 7, 8, 9/2021 và hiện chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Đại diện nhà thầu cho biết, giá thép mà họ đang phải mua là 18.000 đồng/kg (chưa bao gồm thuế VAT), tăng khoảng 60% so với thời điểm đấu thầu.
“Nếu tính cả các chi phí phải bù đắp cho việc tăng giá cho các loại vật liệu khác, chúng tôi đang phải bù lỗ 200 tỷ đồng, tương ứng 18% giá trị hợp đồng không bao gồm dự phòng”, nhà thầu này cho biết và khẳng định, nhiều nhà thầu khác đang thi công tại Dự án Đường cao tốc Bắc Nam nói riêng, các dự án hạ tầng giao thông nói chung cũng đang phải gánh chịu những khoản thua lỗ tương tự.
Nếu như các nhà thầu thi công các công trình cầu lo một thì các đơn vị thi công các cấu phần đường thuộc các dự án thành phần đường lại lo gấp mười. Giá xăng, dầu tăng sẽ làm tăng chi phí đất đắp, đá, cát sỏi, đồng thời đẩy chi phí vận chuyển các loại vật liệu từ mỏ về công trường tăng cao.
Tại Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 hiện có khoảng 3 dự án PPP thành phần vẫn đang trong giai đoạn thi công móng và nền đường. Cho nên ngay cả khi giải được bài toán về nguồn cung vật liệu đất đắp, giá thành công trình sẽ là yếu tố khiến cả chủ đầu tư và nhà thầu đau đầu.
Đối với các dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện cấp phối đá dăm thì tình hình chiến sự tại Ucraina được dự báo là sẽ đẩy giá nhựa đường – loại vật liệu gốc dầu mỏ lên cao cũng đang làm họ lo thắt ruột.
Lãnh đạo Ban quản lý dự án đường cao tốc Mai Sơn – Quốc lộ 45 (Bộ GTVT) cho biết, giá nhựa đường đặc nóng phục vụ thi công bê tông nhựa theo dự toán được Bộ GTVT duyệt vào năm 2020 làm cơ sở đấu thầu là 11.000 đồng/kg nhưng hiện các đơn vị thi công đang được nhà cung cấp chào giá khoảng 15.000 đồng/kg, đồng thời được thông báo nếu không xuống tiền sớm thì giá có thể tăng thêm từ 15% - 20% sau 1 – 2 tháng nữa.
Trong khi đó, nhựa đường tuy có khối lượng ít nhưng lại có tỷ trọng trong cơ cấu gói thầu rất cao, đòi hỏi dòng tiền lớn, liên tục trong giai đoạn cuối nên sẽ là yếu tố rủi ro rất cao đến tiến độ, chất lượng công trình nếu nhà thầu không còn giữ được sức khỏe về tài chính.
Không chỉ giá nguyên nhiên vật liệu, giá nhân công tại một số dự án hạ tầng giao thông lớn hiện cũng đã tăng gấp đôi so với trước dịch Covid-19, đặc biệt là thợ kỹ thuật cao. Nhiều nhà thầu thi công tại khu vực phía Nam đang chật vật tìm kiếm nguồn lao động mới bổ sung sau khi những tốp thợ phía Bắc về quê đã không quay trở lại công trường.
Được biết, hiện Bộ GTVT đang triển khai khoảng 40 dự án đầu tư công (gồm các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, hàng hải, đường thủy và hàng không).
Tại các dự án này, các hợp đồng thi công xây dựng chủ yếu áp dụng loại hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh theo phương pháp hệ số giá điều chỉnh (dùng chỉ số giá của địa phương công bố; các yếu tố chi phí trong công thức điều chỉnh giá gồm nhân công, máy thi công, nhiên liệu, nhựa đường, thép, cát, đá, xi măng…).
Tuy nhiên, hiện nay thị trường đang có biến động lớn, bất thường, trong khi chỉ số giá xây dựng do địa phương công bố không kịp thời hoặc phản ánh chưa sát với biến động giá của dự án, công trình cụ thể, thì việc điều chỉnh giá cho cả hợp đồng cũng khó phản ánh đầy đủ, chính xác mức độ biến động giá đột biến của thị trường.
“Phương pháp điều chỉnh hiện tại chỉ bù đắp được khoảng 50 – 60% chi phí thực tế. Mặc dù là công trình đấu thầu lời ăn lỗ chịu nhưng trong bối cảnh biến động giá quá lớn như hiện nay thì nhà thầu sẽ sớm kiệt quệ về tài chính, ảnh hưởng lớn tới tiến độ công trình”, ông Trần Quang Tuyến, Phó Tổng giám đốc Công ty Vạn Cường nói.
Trước đó, vào đầu tháng 6/2021, Bộ GTVT đã từng có công văn gửi Bộ Xây dựng về tác động của dịch bệnh Covid- 19 và biến động giá thép đến hoạt động xây dựng.
Tại công văn này, Bộ GTVT đề nghị Bộ Xây dựng có văn bản hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ có văn bản chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Xây dựng công bố kịp thời giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng theo tháng, phù hợp giá cả thực tế của thị trường nơi xây dựng công trình làm cơ sở cho chủ đầu tư, nhà thầu thực hiện việc điều chỉnh giá hợp đồng.
Đồng thời, Bộ GTVT cũng đề nghị cơ quan quản lý Nhà nước về xây dựng cân nhắc giao các đơn vị Tư vấn độc lập khảo sát, xác định chỉ số giá xây dựng để áp dụng riêng cho dự án hạ tầng giao thông lớn, trong đó có các dự án cao tốc để phản ánh sát thực biến động giá tại các công trường, qua đó hài hòa lợi ích của nhà thầu xây lắp và của nhà nước.