Ảnh tư liệu: Trần Tĩnh/TTXVN |
Luật Tài nguyên có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024
Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15 được Quốc hội Khóa XV, Kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 27/11/2023, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024. Để triển khai thi hành Luật Tài nguyên nước kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Tài nguyên nước với mục đích:
Xác định cụ thể nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc triển khai thi hành Luật Tài nguyên nước bảo đảm kịp thời, đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả; Xác định trách nhiệm và cơ chế phối hợp giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương trong việc tiến hành các hoạt động triển khai thi hành Luật Tài nguyên nước trên phạm vi cả nước.
Yêu cầu đặt ra là Bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan, tổ chức liên quan trong việc triển khai thi hành Luật Tài nguyên nước;
Xác định lộ trình cụ thể để bảo đảm từ ngày 1/7/2024, Luật Tài nguyên nước và các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật Tài nguyên nước được thực hiện thống nhất, đồng bộ trên phạm vi cả nước.
Tuyên truyền, phổ biến, tập huấn Luật Tài nguyên nước
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp tổ chức Hội nghị quán triệt, phổ biến Luật Tài nguyên nước và các văn bản quy định chi tiết một số điều của Luật ở Trung ương. Thời gian thực hiện: Năm 2024.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ trì phối hợp tổ chức Hội nghị quán triệt, phổ biến Luật Tài nguyên nước và các văn bản quy định chi tiết một số điều của Luật tại các địa phương. Thời gian thực hiện: Năm 2024 - 2025.
Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức tập huấn chuyên sâu về Luật và các văn bản quy định chi tiết một số điều của Luật cho các đối tượng là cán bộ, công chức, người làm công tác tham mưu, quản lý nhà nước về tài nguyên nước, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức tập huấn chuyên sâu về Luật và các văn bản quy định chi tiết một số điều của Luật cho cán bộ, công chức của các Sở, ngành cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Thời gian thực hiện: Năm 2024 và các năm tiếp theo.
Xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Tài nguyên nước
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì xây dựng Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 5/1/2024 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024. Thời gian trình Chính phủ: tháng 12/2024.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Xây dựng theo chức năng quản lý nhà nước được giao chủ trì xây dựng Nghị định có nội dung quy định việc sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sinh hoạt theo quy định tại khoản 5 Điều 43 Luật Tài nguyên nước. Thời gian trình Chính phủ trước năm 2026.
Bên cạnh đó, rà soát, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật khác được giao trong Luật Tài nguyên nước. Cụ thể, Bộ Xây dựng rà soát các văn bản có nội dung quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để bảo đảm an toàn, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, giảm thiểu tỷ lệ thất thoát nước. Thời gian thực hiện: Từ năm 2024 đến năm 2026.
Thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao trong Luật
Căn cứ quy định của Luật Tài nguyên nước, các Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ sau đây:
Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về quản lý, bảo vệ, điều hòa, phân phối, phục hồi, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; quản lý lưu vực sông, nguồn nước; có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ được giao tại khoản 2 Điều 79 Luật Tài nguyên nước.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thực hiện quản lý nhà nước về quy hoạch, xây dựng, vận hành các công trình, hệ thống công trình thủy lợi, công trình cấp nước nông thôn và bảo đảm về an toàn đập, hồ chứa thủy lợi thuộc phạm vi quản lý theo các quy định về khai thác, sử dụng tài nguyên nước; cung cấp thông tin, số liệu để xây dựng kịch bản nguồn nước.
Bộ Công thương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thực hiện quản lý nhà nước về quy hoạch, xây dựng, vận hành các công trình khai thác, sử dụng nước và bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy điện thuộc phạm vi quản lý theo các quy định về khai thác, sử dụng tài nguyên nước; cung cấp thông tin, số liệu để xây dựng kịch bản nguồn nước và thực hiện trách nhiệm khác theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan (căn cứ khoản 4 Điều 79 Luật Tài nguyên nước.
Bộ Xây dựng trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thực hiện quản lý nhà nước về quy hoạch, xây dựng, vận hành các công trình cấp, thoát nước đô thị, các khu dân cư nông thôn tập trung và khu chức năng thuộc phạm vi quản lý theo các quy định về khai thác, sử dụng tài nguyên nước; cung cấp thông tin, số liệu để xây dựng kịch bản nguồn nước và thực hiện trách nhiệm khác theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan (căn cứ khoản 5 Điều 79 Luật Tài nguyên nước).
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về tài nguyên nước được giao tại khoản 1 Điều 80 Luật Tài nguyên nước.