Bộ Công Thương đang thu thập thông tin, lấy ý kiến của các doanh nghiệp, các bên liên quan về các dịch vụ liên quan đến logistics để xây dựng Báo cáo Logistics Việt Nam 2018 |
Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quyết định 200/QĐ-TTg ngày 14 tháng 2 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025, Bộ Công Thương đã xây dựng Báo cáo Logistics Việt Nam 2017.
Để có thông tin đánh giá sát thực nhằm xây dựng Báo cáo Logistics Việt Nam 2018, Bộ Công Thương đang thu thập thông tin, lấy ý kiến của các doanh nghiệp, các bên liên quan về các dịch vụ liên quan đến logistics.
Cụ thể, Bộ Công Thương thực hiện cuộc khảo sát nhằm đánh giá tình hình sử dụng dịch vụ logistics của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có sử dụng dịch vụ logistics thuê ngoài. Chương trình khảo sát này nhằm mục đích thu thập thông tin phục vụ cho việc biên tập Báo cáo Logistics Việt Nam 2018 về thực trạng sử dụng dịch vụ logistics thuê ngoài của doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam.
Đồng thời, khảo sát, lấy ý kiến các đơn vị về thực trạng nguồn nhân lực logistics tại các doanh nghiệp Việt Nam.
Báo cáo Logistics Việt Nam 2017 cho thấy, thị trường logistics đạt trung bình khoảng 8.000 tỷ USD/năm trong hai năm gần đây, tương đương khoảng 11% GDP thế giới.
Năm 2017, giá trị thị trường ước đạt khoảng 9.000 tỷ USD, trong đó 4 công ty lớn nhất thế giới là Ceva Logistics, DHL, FedEx, và UPS chiếm 15% tổng doanh thu toàn cầu.
Sự tăng trưởng nhanh chóng của thương mại điện tử và ngành công nghiệp tự động hóa là những yếu tố chính thúc đẩy thị trường logistics toàn cầu trong năm 2017.
Các lĩnh vực sử dụng dịch vụ logistics trên quy mô lớn trên toàn cầu bao gồm: bánlẻ, vận tải, sản xuất, truyền thông, giải trí, ngân hàng và tài chính, viễn thông và hoạtđộng của chính phủ (các tiện ích công cộng).
Báo cáo cũng nhận định, nhìn chung, lĩnh vực logistics thế giới sẽ chuyển dịch trọng tâm về các thị trường đang phát triển tại châu Á. Đầu tư vào công nghệ và con người là sẽ yếu tố quyết định sự phát triển của lĩnh vực logistics trong tương lai.
Vận tải đường bộ và logistics đường bộ chiếm thị phần lớn nhất trong thị trường vận tải toàn cầu, chiếm hơn 74% về giá trị.
Nếu tính riêng vận tải hàng hóa đường hàng không, thì doanh thu năm 2017 ước đạt khoảng 50 tỷ USD, vẫn thấp hơn so với mức trung bình 40 tỷ USD đã đạt được trong 5 năm đầu của thập niên này.
Vận tải đường sắt thế giới tăng trưởng khoảng 8% trong giai đoạn năm 2011-2016 và đạt khoảng 390 tỷ USD vào năm 2017. Logistics ngành đường sắt dự báo tăng trưởng trung bình 3,58%/năm giai đoạn năm 2017-2021
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), tốc độ phát triển của ngành logistics tại Việt Nam những năm gần đây đạt khoảng 14-16%, có quy mô khoảng 40-42 tỷ USD/năm.
Chuỗi giá trị của logistics tại Việt Nam chủ yếu tập trung vào giao nhận, vận tải nội địa, khai thác cảng biển và cảng hàng không, lưu kho bãi, quản lý hàng hóa và vận tải quốc tế.
Hiện nay tổng số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics theo khảo sát của VLA là khoảng hơn 3000 doanh nghiệp trong đó 20% là công ty nhà nước, 70% là công ty Trách nhiệm hữu hạn và doanh nghiệp tư nhân là 10%.