Ông Phạm Minh Huệ, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang |
Thưa ông, năng lực khám và chữa bệnh của Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang hiện nay như thế nào?
Ngoài hơn 1,8 triệu người dân ở Kiên Giang, những năm gần đây, người dân ở một số tỉnh lân cận như Cà Mau, Hậu Giang, Cần Thơ, An Giang và tỉnh Campot (Campuchia) giáp ranh Kiên Giang cũng đến Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang khám chữa bệnh. Chính vì vậy, số lượt bệnh nhân tới khám bệnh tại Bệnh viên tăng khoảng 20%/năm. Riêng năm 2014, Bệnh viện đã khám, điều trị cho 460.000 bệnh nhân trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, Tỉnh ủy còn giao Bệnh viện thành lập Khoa Nội B chăm sóc điều trị cán bộ và gia đình chính sách trong tỉnh.
Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang là tuyến khám điều trị cao nhất trong tỉnh, được Bộ Y tế xếp hạng 1. Bệnh viện có quy mô 1.430 giường (thực kê gần 1.600 giường) với 9 phòng chức năng, 26 khoa lâm sàng, 8 khoa cận lâm sàng. Tổng số đội ngũ cán bộ viên chức là 2.085 người, trong đó có 2 tiến sĩ, 25 thạc sĩ, 37 bác sĩ chuyên khoa cấp 2, 133 bác sĩ chuyên khoa cấp 1 cùng 158 bác sĩ. Ngoài ra, Bệnh viện còn có trên 400 cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng chuyên ngành dược, điều dưỡng và các chuyên ngành phục vụ y tế khác.
Những năm qua, Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang được chính quyền địa phương và các nhà tài trợ đầu tư nhiều trang thiết bị y tế hiện đại. Bệnh viện cũng đã từng áp dụng nhiều biện pháp y học hiện đại để điều trị và phẩu thuật thành công nhiều ca tim mạch phức tạp.... được Bộ Y tế đánh giá cao. Bệnh viện hiện không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn của một số chuyên khoa sâu, đồng thời phát huy tối đa tính năng tác dụng của trang thiết bị y tế.
Nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh kỹ thuật cao, chi phí hợp lý cho nhân dân khỏi phải đi xa tốn kém và giảm bớt quá tải ở những bệnh viện tuyến trên, vừa qua chúng tôi đã xây dựng Đề án Bệnh viện vệ tinh của một số bệnh viện trung ương ở TP. HCM. Hiện Đề án đang chờ Sở Y tế trình UBND tỉnh phê duyệt.
Lễ khởi công BV Đa khoa Kiên Giang vào tháng ngày 30/4/2015 |
Ông có thể cho biết cụ thể nội dung và mục tiêu của Đề án này?
Căn cứ Quyết định số 92/QĐ-TTg ngày 09/1/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013-2020, Quyết định số 774/QĐ-BYT ngày 11/3/2013 của Bộ trưởng Y tế về phê duyệt Đề án Bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013-2020, Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang được chọn làm bệnh viện vệ tinh của một số bệnh viện trung ương ở TP.HCM như Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình... Những chuyên khoa, chuyên ngành này nhằm đáp ứng nhu cầu thiết thực của người dân địa phương và phù hợp với điều kiện năng lực của Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang trong thời gian tới.
Theo Đề án, Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang được ngân sách tỉnh Kiên Giang cấp kinh phí để chi cho các bệnh viện tuyến trên trong suốt quá trình hỗ trợ chuyên môn, đào tạo, chuyển giao công nghệ và hỗ trợ điều trị. Cụ thể, Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ đào tạo cán bộ nâng cao tay nghề, chuyển giao công nghệ và hỗ trợ chuyên môn với các chuyên ngành tim mạch can thiệp, phẫu thuật tim, y học hạt nhân - PET CT...
Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang |
Tương tự, Bệnh viên Ung bướu cũng sẽ hỗ trợ các kỹ thuật điều trị ung thư như phẫu trị, hoá trị, xạ trị, nội tiết tố, liệu pháp nhắm trúng đích... Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình sẽ hỗ trợ Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang về một số kỹ thuật cao như phẫu thuật nội soi tái tạo dây chằng, rạch sụn chêm, thay khớp gối, các bệnh lý thoái hoá khớp...
Mục tiêu chung là nhằm xây dựng các chuyên khoa và chuyên môn hẹp... đủ năng lực để tiếp nhận các bệnh phổ biến, phức tạp bằng các phương pháp kỹ thuật cao trong chẩn đoán và điều trị. Trong đó, sẽ nâng cao năng lực chuyên khoan và thực hiện được từ 90% trở lên các kỹ thuật theo danh mục điều trị của Bộ Y tế theo từng chuyên khoa. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng mạng lươí phòng chống một số bệnh theo chương trình mục tiêu quốc gia. Đặc biệt, là giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên ở TP.HCM và giảm chi phí cho người dân không phải đi xa rất tốn kém. Theo đó, sẽ giảm dần đến 90% bệnh nhân chuyển viện lên tuyến trên vào năm 2018.
Theo ông, yếu tố cơ bản nào giúp Đề án này mang tính khả thi cao?
Ngoài khuôn khổ hợp tác theo quy định về bệnh viện vệ tinh, kinh phí đầu tư cho Đề án này khoảng 10,7 tỷ đồng để triển khai trong suốt quá trình đào tạo và hỗ trợ chuyển giao công nghệ, chuyên môn của các bệnh viện tuyến trên là điều kiện tiên quyết. Theo đó, kinh phí đào tạo sẽ cấp cho cả học viên và người hướng dẫn, chuyển giao công nghệ và các chi phí hợp tác khác.
Quá trình 5 năm đó được các bên liên quan hợp tác nghiệm thu và đánh giá điều chỉnh từng nội dung cho phù hợp với thực tế. Đề án này chắc chắn sẽ rút ngắn đáng kể khoảng cách chênh lệch về năng lực giửa bệnh viện tuyến tỉnh với bệnh viện trung ương, qua đó góp phần giảm tải bệnh viện tuyến trên như lộ trình hợp tác.
Tính khả thi của Đề án trước hết là chất lượng nguồn nhân lực, là tay nghề và trình đồ năng lực của đội ngũ y, bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang. Bệnh viện hiện có đủ đội ngũ cán bộ và bác sĩ chuyên khoa, chuyên ngành. Tuy tất cả đã qua đào tạo cơ bản và chuyên sâu, nhưng vẫn còn thiếu kinh nghiệm so với ở bệnh viện tuyến trên, nhất là phương pháp kỹ thuật cao. Chính vì vậy, Đề án cũng chọn lọc từng đối tượng được đào tạo theo từng sở trường chuyên môn phù hợp.
Đề án chia ra thành 2 giai đoạn thực hiện. Giai đoạn I (2016-2017) gồm đầu tư tư cơ sở vật chất trang thiết bị hiện đại; đào tạo chuyển giao các kỹ thuật chẩn đoán và điều trị; sau khi chuyển giao là thực hiện được 90% các kỹ thuật lâm sàng và cận lâm sàng theo phân tuyến kỹ thuật của Bộ Y tế quy định.
Giai đoạn II (2018-2020), tiếp tục cử cán bộ chuyên gia, y, bác sĩ... đi đào tạo cơ bản và nâng cao tại các bệnh viện mà Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang làm vệ tinh. Đồng thời, phát triển và nâng cao các kỹ thuật đã được chuyển giao. Theo đó, từng bước phát triển chuyên ngành thành những trung tâm chẩn đoán và điều trị kỹ thuật cao, phát triển chuyên khoa thành bệnh viện như khoa Ung bướu thành Bệnh viện Ung bướu Kiên Giang. Đây cũng là lộ trình nằm trong quy hoạch phát triển tổng thể từ 2010 - 2020 của ngành Y tế đã được Chính phủ phê duyệt.