Bộ Xây dựng chỉ đạo các cơ quan liên quan dự báo, xây dựng các kịch bản ảnh hưởng của việc tăng giá thép đến mức tăng tổng mức đầu tư và khả năng đáp ứng về nguồn vốn để đảm bảo việc triển khai, thực hiện dự án |
Bộ Xây dựng vừa có công văn 1545/BXD-KTXD về việc thực hiện các giải pháp để giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 và biến động giá thép đến các hoạt động xây dựng.
Bộ này cho biết, thời gian gần đây, dịch bệnh Covid-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường và giá một số vật liệu xây dựng chủ yếu có xu hướng tăng cao, nhất là giá thép tăng đột biến, không theo quy luật tăng giá thông thường đã tác động tiêu cực đến các hoạt động đầu tư xây dựng.
Tại Nghị định số 10/2021/NĐ -CP ngày 09/02/2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng quy định “UBND cấp tỉnh phân cấp, ủy quyền cho Sở Xây dựng công bố giá các loại vật liệu xây dựng, thiết bị công trình trên địa bàn tỉnh theo định kỳ hàng quý hoặc sớm hơn khi cần thiết”. Tuy nhiên, tại một số địa phương, việc công bố giá vật liệu xây dựng còn chậm, biến động giá thép và giá một số vật liệu xây dựng chưa được cập nhật kịp thời hoặc đã được cập nhật trong công bố giá vật liệu xây dựng của địa phương nhưng chưa bám sát diễn biến thị trường.
Để có giải pháp khắc phục, giảm thiểu các tác động tiêu cực của biến động giá vật liệu xây dựng và ảnh hưởng của dịch Covid -19 đến các hoạt động đầu tư xây dựng, Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Sở Xây dựng thường xuyên theo dõi, bám sát diễn biến của thị trường xây dựng để kịp thời cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng cho phù hợp mặt bằng giá thị trường, lưu ý tránh bị tác động của các hiện tượng đầu cơ, thổi giá.
Đối với các loại vật liệu chủ yếu, có biến động giá lớn, trường hợp cần thiết, công bố giá vật liệu xây dựng hàng tháng hoặc sớm hơn, đáp ứng yêu cầu quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hợp đồng xây dựng trên địa bàn.
Các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, UBND các tỉnh chỉ đạo các đơn vị có liên quan cần tập trung đánh giá về số lượng dự án, hợp đồng xây dựng bị ảnh hưởng (phân định theo từng hình thức giá hợp đồng) và giá trị bị ảnh hưởng của từng dự án, hợp đồng xây dựng.
Dự báo, xây dựng các kịch bản ảnh hưởng của việc tăng giá thép đến mức tăng tổng mức đầu tư và khả năng đáp ứng về nguồn vốn để đảm bảo việc triển khai, thực hiện dự án, từ đó đề xuất các giải pháp khắc phục, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng, thực hiện hợp đồng xây dựng, đặc biệt là các hợp đồng xây dựng ký kết theo hình thức đơn giá cố định và trọn gói.
Giá thép hiện đã tăng 40-50% so với cuối năm ngoái khiến không ít doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng gặp khó khăn. Phó thủ tướng Lê Minh Khái mới đây đã yêu cầu Bộ Công Thương có biện pháp thúc đẩy, tăng sản xuất để đáp ứng nhu cầu thép thành phẩm trong nước. Bộ này cũng cần đưa ra giải pháp điều chỉnh mất cân đối cung ứng sản phẩm thép trên thị trường trong nước, thông qua cân đối khối lượng xuất khẩu thép thành phẩm.
Đại diện Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) trước đó cho rằng, nguyên liệu đầu vào của ngành thép phụ thuộc rất lớn vào thế giới. Gần đây, giá các nguyên vật liệu sản xuất thép tăng cao đột biến trên toàn cầu. Chưa kể, ảnh hưởng của Covid-19 nên thời gian giao hàng kéo dài... đẩy giá thép trong nước tăng cao.
Dự kiến, năm 2021, Việt Nam sẽ tiếp tục phải nhập khẩu nhiều loại nguyên liệu để sản xuất thép. Dự báo, trong năm 2021, ngành thép phải nhập quặng sắt cho các lò cao khoảng hơn 18 triệu tấn, thép phế liệu khoảng 6-6,5 triệu tấn cho các lò điện, than mỡ luyện cốc khoảng 6,5 triệu tấn và điện cực graphite khoảng 10.000 tấn…