Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai Kết luận và Quy định của Ban Chấp hành Trung ương về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng |
Đáp lại niềm tin của Nhân dân
Ngay trong những ngày cuối cùng của năm 2021, trong hối hả các hoạt động kinh tế - xã hội để các ngành, lĩnh vực nỗ lực vượt qua một năm đầy gian nan, thử thách, thì nhiều đại án, vụ việc nổi cộm vẫn tiếp tục được điều tra, xét xử, như các vụ án liên quan đến cựu Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung, cựu Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang, sai phạm tại Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi…
Cũng ngày áp chót năm 2021, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã đưa vụ việc sai phạm trong sản xuất kit test Covid-19 tại Công ty Việt Á vào diện theo dõi, chỉ đạo.
Ban Chỉ đạo Trung ương đánh giá, thời gian qua, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã nỗ lực, chung sức, đồng lòng, vượt qua khó khăn, quyết liệt phòng, chống đại dịch Covid-19; Thường trực Ban Chỉ đạo và các cơ quan chức năng đã chỉ đạo, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng phòng, chống dịch bệnh để tham nhũng, tiêu cực.
Tuy nhiên, vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á đã gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến niềm tin của Nhân dân đối với công tác phòng, chống dịch và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước, do đó phải xử lý nghiêm minh những tổ chức, cá nhân sai phạm, cảnh báo, răn đe mạnh mẽ hơn nữa để ngăn ngừa tham nhũng, tiêu cực, củng cố niềm tin của Nhân dân.
Đó là dòng chảy nối tiếp một năm 2021 nhiều dấu ấn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Năm qua, trong bối cảnh kinh tế - xã hội đất nước và đời sống nhân dân gặp phải vô vàn khó khăn, thách thức chưa có tiền lệ do đại dịch Covid-19 gây ra, thì yêu cầu xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị vẫn được Đảng đặc biệt coi trọng, tiến hành không ngừng nghỉ, quyết liệt hơn, nghiêm minh hơn. Bởi lẽ, chỉ có ngăn chặn, phòng ngừa và xử lý nghiêm những sai phạm, tiêu cực, suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, mới tạo nền tảng vững chắc, môi trường lành mạnh để phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo tốt nhất đời sống nhân dân.
Đặt thêm những “viên gạch” vững chãi
Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng năm 2022 sẽ nối tiếp dòng chảy của năm 2021 và trước đó, nhưng với thế và lực mới, khi mà năm qua, công tác này đã được đặt thêm những viên gạch vững chãi, những nền tảng quan trọng.
Đó là việc Trung ương làm rõ hơn, cụ thể hơn những điều đảng viên không được làm (Quy định số 37-QĐ/TW ban hành ngày 25/10/2021, thay thế Quy định số 47-QĐ/TW). Trong đó, nhấn mạnh đến việc đảng viên không thực hiện trách nhiệm nêu gương; chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, vụ lợi; "tư duy nhiệm kỳ", đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa rời quần chúng…
Đó là việc bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cho Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Quy định số 32-QĐ/TW ngày 16/9/2021). Theo đó, chính thức bổ sung, cụ thể hóa chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn “phòng, chống tiêu cực” cho Ban Chỉ đạo, nhằm tiến công, ngăn chặn từ gốc rễ tham nhũng.
Đó là những điểm nhấn, giải pháp mạnh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng của Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XIII). Nối tiếp những văn bản, chỉ thị, nghị quyết của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng trước đó, Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XIII) nêu sâu rộng hơn về nội dung và phạm vi; chủ động tiến công và mạnh mẽ hơn về tư tưởng chỉ đạo; xác định mục tiêu cao hơn và sát hợp hơn với tình hình mới; bổ sung, làm rõ, đồng bộ và sắc bén hơn một số nhiệm vụ, biện pháp; hoàn thiện toàn diện hơn các thể chế, thiết chế về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Kết luận của Trung ương đã mở rộng, không chỉ trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, mà còn bao gồm cả trong xây dựng hệ thống chính trị; không chỉ đối với đảng viên và các cấp uỷ, tổ chức đảng, mà còn mở rộng ra cả đối với cán bộ, công chức, viên chức, các cấp chính quyền, các cơ quan, đơn vị trong toàn hệ thống chính trị, nhất là ở các cơ quan thực thi pháp luật, những đối tượng có chức, có quyền, những nơi có nhiều đặc quyền, đặc lợi, kể cả các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Cùng với những công cụ, giải pháp trước đó, đây sẽ là những nền tảng vững chắc, là mảnh ghép quan trọng, được Trung ương thống nhất cao là phải tiến hành đồng bộ và quyết liệt hơn nữa, tạo thành sức mạnh tổng thể, toàn diện, vượt qua thách thức, khó khăn, nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng, của chế độ; xây dựng được một đội ngũ cán bộ, đảng viên thực sự trong sạch, có đủ năng lực và giàu bản lĩnh, hiện thực hóa những mục tiêu, khát vọng lớn lao phát triển đất nước trong thời gian tới như Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra.
Cùng với yêu cầu “nhận thức của chúng ta phải chín, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải lớn và phương pháp phải đúng” như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh, có thể kỳ vọng rằng, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng năm 2022 và những năm tiếp theo sẽ tiếp tục có chuyển biến thật sự, có kết quả rõ ràng, cụ thể, củng cố và nâng cao sức mạnh, uy tín của Đảng, niềm tin của Nhân dân.
Trung ương đặc biệt nhấn mạnh, muốn Nghị quyết và Kết luận này đi vào cuộc sống, tạo ra chuyển biến rõ rệt, thì cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Từng tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ cấp cao, cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cấp, các ngành phải nhận thức sâu sắc, đầy đủ trách nhiệm của mình trước nhân dân, đất nước, trước Đảng để tự giác, gương mẫu thực hiện.
Ở đây, sự gương mẫu của Trung ương là cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa quyết định. Từng đồng chí Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, từng đồng chí đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải tự giác, gương mẫu thực hiện nghị quyết, nói đi đôi với làm, chỉ đạo quyết liệt với quyết tâm rất cao, sự nỗ lực rất lớn.
Đặc biệt, phải thực hiện nghiêm, có hiệu quả, cụ thể hơn nữa Quy định về những điều đảng viên không được làm mà Kỳ họp này Trung ương mới bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện thêm theo đúng tinh thần, nội dung của các nghị quyết, chỉ thị, Điều lệ của Đảng và pháp luật của Nhà nước; khắc phục bằng được những hạn chế, bất cập, thiếu sót trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện, đáp ứng được yêu cầu của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình mới.
(Trích phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng)