Khó khăn trong hoạt động đầu tư
Trong báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh năm 2022 và kế hoạch kinh doanh năm 2023 đã được Đại hội đồng cổ đông Tổng công ty cổ phần Xây dựng điện Việt Nam (VNECO, mã chứng khoán VNE) thông qua, VNECO đề cập, năm 2022 tiếp tục là năm không thuận lợi đối với hoạt động kinh doanh bất động sản, các vướng mắc về chính sách liên quan chưa được giải quyết.
Trụ sở chính của VNECO hiện đang nằm ở đường Phan Châu Trinh, TP. Đà Nẵng. |
Theo đó, VNECO đang triển khai 2 dự án TP. Đà Nẵng là Dự án Tổ hợp thương mại dịch vụ và căn hộ chung cư (VNECO DC) tại số 64, 66 Hoàng Văn Thái, TP Đà Nẵng và Dự án VNECO Tower. Cả 2 dự án hiện đang triển khai các thủ tục pháp lý đầu tư.
Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, VNECO cũng đang thực hiện Dự án Khu đô thị mới Mỹ Thượng. Cụ thể, Công ty đang tiến hành các thủ tục về điều chỉnh quy hoạch cục bộ để thực hiện Dự án Tổ hợp chung cư kết hợp thương mại dịch vụ các lô CT2, CT3 và CT4; thủ tục về triển khai thi công phần hạ tầng còn lại, đầu tư xây nhà thô và kinh doanh khai thác 80 lô đất nhà liền kề còn lại của dự án.
VNECO đang triển khai đầu tư dự án mới tại khu đất đường Hoàng Văn Thái. |
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT VNECO nhận định, trong năm 2022, do chính sách thắt chặt tín dụng, các dự án bất động sản của VNECO gần như chỉ dừng ở mức hoàn thiện các thủ tục, không bán sản phẩm bất động sản nên không có doanh thu.
Về hoạt động đầu tư năng lượng tái tạo, VNECO là chủ đầu tư của Dự án Điện gió Thuận Nhiên Phong (tỉnh Bình Thuận) với công suất 30.4 MW. Tuy nhiên, dự án mới đưa vào vận hành thương mại (COD) 5 trên 8 tuabin với công suất 19,4 MW, hưởng giá ưu đãi cố định (Fit) tại thời điểm 31/10/2021.
Theo Chủ tịch HĐQT VNECO, doanh thu phát điện trong năm 2022 của dự án trên là 88 tỷ, đảm bảo chi trả lãi, các chi phí phát sinh. Do vậy, VNECO đang tích cực đàm phán với công ty mua bán điện để COD 3 tuabin còn lại.
VNECO hiện cũng đang xúc tiến đầu tư 3 dự án năng lượng khác gồm Dự án Điện gió xã Ba Tầng, huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị), công suất dự kiến 100 MW, đã hoàn thành việc đo gió, đang chờ Bộ Công thương bổ sung vào Quy hoạch điện VIII; Dự án điện gió Lệ Thủy 3 (tỉnh Quảng Bình), công suất 100 MW, đang thực hiện công tác đo gió; Dự án điện gió Ninh Hải (tỉnh Ninh Thuận) công suất 90 MW, đang thực hiện các thủ tục pháp lý.
Trong khi đó, lĩnh vực chính của VNECO là hoạt động xây lắp điện cũng chỉ đạt 493,889/ 2.350 tỷ đồng, đạt 21,02% kế hoạch. Nguyên nhân được nêu là chủ đầu tư chậm bàn giao mặt bằng thi công, vướng đền bù, thiếu vốn, điều kiện thời tiết, nhiều công trình có khối lượng lớn nằm trong kế hoạch doanh thu năm 2022 nhưng không thể thi công hoàn thành như Trạm biến áp 500 kV Vĩnh Yên, Trạm biến áp 220 kV Bá Thiện, đường dây 500 kV Quảng Trạch - Dốc Sỏi…
Áp lực về nguồn vốn
VNECO cho biết, hiện nay nguồn vốn chủ sở hữu của công ty “có hạn” (công bố là hơn 945 tỷ đồng) và đã thực hiện đầu tư tài chính vào các công ty con, công ty liên kết, đầu tư tài chính khác, đầu tư vào các dự án bất động sản chưa khai thác, đầu tư vào tải sản và các khoản nợ phải thu kéo dài làm thâm hụt nguồn vốn lưu động.
Trong khi, nguồn vốn ngắn hạn, trung và dài hạn lại tăng lên do đầu tư các dự án thiết bị công nghệ xây lắp điện, dự án thiết bị xây lắp năng lượng tái tạo, đầu tư Dự án Nhà máy điện gió Thuận Nhiên Phong, xây lắp các công trình xây lắp điện...VNECO đang sử dụng nguồn vốn ngắn hạn tạm thời để đầu tư cho dài hạn, áp lực trả nợ các khoản nợ gốc đến hạn hiện nay là rất lớn.
Dự án điện gió Thuận Nhiên Phong có tổng vốn đầu tư 1.203 tỷ đồng (vốn vay hơn 810 tỷ đồng) hiện mới COD hơn 2/3 công suất. Ảnh: VNECO. |
“Vì vậy, hoạt động kinh doanh của Tổng công ty năm 2022 và hiện tại gặp không ít khó khăn do thiếu hụt nguồn vốn lưu động để giải ngân thanh toán cho các công trình xây lắp điện đang thi công. Áp lực nợ đến hạn thanh toán cho các nhà thầu, nhà cung cấp, trả nợ gốc, lãi vay ngân hàng là rất lớn”, báo cáo công tác tài chính kế toán của VNECO.
Theo đó, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn đến cuối năm 2022 của VNECO là 876.037 tỷ đồng, chi phí lãi vay phát sinh trong năm là 49,698 tỷ đồng. Năm 2022, tỷ lệ nợ vay tăng đột biến (chiếm 30,83% tổng tài sản và 96,87% vốn điều lệ), trong đó vay ngân hàng ngắn hạn đạt 833,93 tỷ đồng (29,35% tổng tài sản); vay nợ dài hạn đạt 42,097 tỷ đồng (1,48% tổng tài sản)…
Trước câu hỏi biện pháp nâng cao hiệu quả kinh doanh trước áp lực lãi vay cao của cổ đông, ông Nguyễn Anh Tuấn thông tin, VNECO đang đàm phán tiến tới hợp tác toàn diện với các đối tác nước ngoài để tìm nguồn vốn rẻ; nghiên cứu và phát triển thêm dịch vụ sửa chữa các nhà máy điện; cân nhắc và nghiên cứu phát hành cố phiếu riêng lẻ để bổ sung nguồn vốn lưu động phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh dinh doanh…
Thực tế trong năm 2022, VNECO đã có phương án trình Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhằm tăng vốn điều lệ (kế hoạch là 1.445,296 tỷ đồng, thực hiện là 904,329 tỷ đồng) và phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông (cổ tức 6%) nhưng do vướng mắc liên quan vụ án Hứa Thị Phấn mà VNECO là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan (Cục thi hành án TP Đà Nẵng đã có quyết định hoãn thi hành án) nên công ty chưa thể thực hiện trả cổ tức và phát hành cổ phiếu năm 2022.
Do vậy, trong năm 2023, VNECO đặt mục tiêu “tiếp tục và kiên trì thực hiện mọi biện pháp nhằm thúc đẩy khiếu nại theo hình thức Giám đốc thẩm vụ việc oan sai mà Tòa án sơ thẩm và phúc thẩm TP.HCM buộc VNECO phải hoàn trả lại 200 tỷ đồng cho Ngân hàng Xây dựng trong vụ án Hứa Thị Phấn và đồng phạm”.
Theo VNECO, đây là điều kiện rất quan trọng để khơi thông nguồn vốn từ các tổ chức tài chính, ngân hàng cho VNECO vay để thực hiện các dự án đầu tư và kinh doanh trong năm 2023 và các năm tiếp theo.