“Mọi sự thay đổi đều khó khăn nhưng nếu không thay đổi chúng ta còn khó khăn hơn nữa”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã chia sẻ như vậy tại Hội nghị triển khai kế hoạch hành động để thích ứng với quy định chống phá rừng của châu Âu.
Quy định chống phá rừng của châu Âu (EUDR) cấm nhập khẩu sản phẩm được sản xuất trên đất có nguồn gốc từ phá rừng và gây suy thoái rừng, thuộc 7 nhóm hàng nông sản, bao gồm chăn nuôi gia súc, ca cao, cà phê, dầu cọ, cao su, đậu nành, gỗ và sản phẩm từ gỗ. Với Việt Nam, có 3 mặt hàng chủ đạo bị ảnh hưởng là cà phê, cao su, gỗ và các sản phẩm từ gỗ.
Cà phê là một trong 3 ngành chịu ảnh hưởng bởi Quy định EUDR của EU. |
Các quy định của EUDR sẽ áp dụng với nhà nhập khẩu lớn từ tháng 1/2025 và doanh nghiệp nhỏ là từ tháng 6/2025.
Bà Trần Quỳnh Chi, Giám đốc Khu vực châu Á của chương trình Asia Landscapes thuộc Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững (The Sustainable Trade Initiative - IDH), cho biết để đáp ứng quy định của EUDR, mỗi nông sản nhập khẩu cần phải được truy suất nguồn gốc và có dữ liệu định vị đến từng vườn trồng. Trong khi đó, tại Việt Nam, 70-75% vườn trồng cà phê chưa có dữ liệu định vị; 60% diện tích cao su thuộc quy mô tiểu điền. Hoạt động sản xuất nông nghiệp theo kiểu nhỏ lẻ, phân tán gây khó khăn cho quá trình truy suất nguồn gốc.
“Nhóm nông hộ đối diện rủi ro cao sẽ bị đẩy khỏi chuỗi cung ứng sang EU”, bà Trần Quỳnh Chi đánh giá.
Về hướng tháo gỡ, đại diện IDH đề xuất Việt Nam cần xây dựng hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu rừng, xác định chính xác danh giới rừng theo định nghĩa mà Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đã công bố vào 31/12/2020. Hệ thống thông tin về rừng cần được EU công nhận và sau này sẽ dùng để kiểm tra khi doanh nghiệp nhập hàng vào châu Âu.
Với hệ thống thông tin vườn trồng, bà Trần Quỳnh Chi cho rằng Việt Nam nên hướng đến hợp tác công tư, hệ thống thông tin vùng sản xuất dựa trên chuyển đổi dữ liệu địa chính đi kèm khảo sát, xác nhận thông tin trong thực tế. Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đóng vai trò chủ trì thiết kế hệ thống, trường dữ liệu, phân vùng sản xuất theo mức độ rủi ro mất rừng, sau đó cấp quyền tiếp cận hệ thống cho các doanh nghiệp xuất khẩu sang EU. Phía các doanh nghiệp đóng góp bằng cách hỗ trợ kinh phí, dữ liệu để cùng xây dựng hệ thống.
Bên cạnh đó, đại diện IDH đề xuất Việt Nam cần có giải pháp lâu dài để giảm thiểu rủi ro mất rừng/suy thoái rừng gồm: Xác định, xử lý các diện tích sản xuất cà phê trồng trên đất mất rừng/suy thoái rừng sau ngày 31/12/2020; Tăng cường giám sát, bảo vệ, tái sinh rừng; Hỗ trợ mô hình sinh kế nông hộ quy mô nhỏ, đặc biệt ở các khu vực có nguy cơ mất rừng ở mức cao/trung bình.
Chia sẻ về vấn đề xây dựng dữ liệu nguồn, đại diện Nestle cũng cho rằng đây là yếu tố tiên quyết trong hành trình đàm phán của Chính phủ với phía EU, cũng như quyết định việc các doanh nghiệp như Nestle sẽ truy suất nguồn gốc ra sao. Đại diện Nestle nói rằng xây dựng dữ liệu nguồn là quá trình cần nhiều thời gian, công sức nhưng quan trọng nhất là phải được phía EU công nhận.
Vì vậy, khi xây dựng hệ thống dữ liệu nguồn, phía doanh nghiệp đề xuất Việt Nam nên làm từng bước với sự tham gia, công nhận của EU; tránh để đến sát thời điểm EUDR có hiệu lực mới tham khảo ý kiến EU, như vậy sẽ lãng phí thời gian, công sức nếu hai bên không tìm được tiếng nói chung.
“Dữ liệu nguồn phải xuất phát từ Chính phủ, do Chính phủ khởi tạo và sở hữu nguồn dữ liệu này. Đây là dữ liệu liên ngành, liên bộ nên các doanh nghiệp chỉ giữ vai trò hỗ trợ, phối hợp chứ không thể là người sở hữu”.
“Nguồn lực phía doanh nghiệp chúng tôi đã có sẵn rồi, làm sao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có thể kết nối, phát huy thế mạnh các bên để hướng tới mục tiêu chung”, đại diện Nestle khẳng định.