Đầu tư
Xây dựng đường vành đai 3 TP.HCM: Phải chặt chẽ trong khâu chỉ định thầu
Việt Dũng - 13/03/2022 08:24
Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM cần cơ chế, chính sách đặc thù để hoàn thành vào năm 2026 như kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng cần thận trọng khi chỉ định thầu.

Tại Hội thảo “Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM” mới được tổ chức tại TP.HCM, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM cho biết, báo cáo tiền khả thi của dự án đã được Hội đồng thẩm định Nhà nước thông qua và đang thực hiện các bước tiếp theo.

Do thời gian cấp bách, UBND TP.HCM và UBND các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An đã thống nhất đề xuất một số cơ chế chính sách đặc thù trình Quốc hội xem xét, áp dụng cho dự án này. 

Trong đó, đáng chú ý là có cơ chế chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, gói thầu xây lắp để thực hiện dự án. Đồng thời, cho phép áp dụng cơ chế đặc thù để giải quyết nguồn vật liệu xây dựng cho dự án.

Đường Mỹ Phước - Tân Vạn thuộc tuyến Vành đai 3 (đoạn ở Bình Dương) đã hoàn thành


Phát biểu tại Hội thảo, TS.Trần Du Lịch cho rằng, việc triển khai tuyến đường vành đai 3 hiện nay là rất cấp thiết, nếu giải quyết được việc tắc nghẽn thì việc phát triển kinh tế vùng là rất lớn. Chậm kết nối giao thông ngày nào là thiệt hại thêm ngày đó. 

Vị chuyên gia này cũng chia sẻ thêm, vấn đề quan trọng nữa là sau khi Quốc hội thông qua chủ trương rồi thì triển khai dự án như thế nào?. Cần lấy bài học từ sự chậm trễ của dự án đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận để rút kinh nghiệm. Để tránh việc này, ông đồng tình đề xuất cơ chế đặc thù cho dự án Vành đai 3, nhất là cơ chế chỉ định thầu.

"Tôi rất mừng vì 4 địa phương đã ngồi lại chặt chẽ như lúc này. Giờ chỉ còn là vấn đề triển khai như thế nào? Chỉ định thầu ra sao? Xin phép sao cứ làm đúng như vậy, không xin gì thêm", TS.Trần Du Lịch nói.

Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng ủng hộ cơ chế đặc thù khi triển khai dự án là chỉ định thầu. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh rằng, cần phải làm rõ ràng, có những điều kiện ràng buộc thật sự chặt chẽ ngay từ đầu. Thậm chí, cần có những điều kiện đi kèm cho các nhà thầu như nếu làm tốt thì được thưởng, làm không tốt thì bị phạt.

“Tôi nhấn mạnh là ủng hộ cơ chế chỉ định thầu, với những điều kiện ràng buộc rõ ràng, chặt chẽ. Hồ sơ thành tích phải rõ, thêm điều kiện làm tốt sẽ thưởng còn không sẽ phạt, thậm chí đi tù vì đây là dự án trọng điểm quốc gia. Như vậy mới đối phó được các nhóm lợi ích, mưu mẹo, kiếm chác. Câu chuyện về chất lượng, thời gian, tiết kiệm vốn là rất quan trọng. Nếu làm được, hiệu quả cho TP.HCM và các tỉnh cực kỳ lớn, tạo ra một không gian phát triển đô thị cho cả vùng”, PGS TS.Trần Đình Thiên nêu quan điểm.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật TP.HCM cũng góp ý rằng, khi sử dụng cơ chế chỉ định thầu thì phải cần chú ý để chọn được đơn vị có năng lực. Trong đó cần ràng buộc trách nhiệm, để không dẫn đến những hệ lụy tiêu cực ảnh hưởng chất lượng, thời gian thực hiện... tránh tình trạng “lợi ích nhóm”.

Ông Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật TP.HCM phát biểu tại Hội thảo


Phát biểu từ đầu cầu Hà Nội, ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải cũng cho rằng, kiến nghị cơ chế chỉ định thầu đối với dự án đường vành đai 3 là phù hợp. Mục tiêu là cố gắng rút ngắn thời gian hoàn thành dự án, trước mắt là giải phóng mặt bằng, sau là tổ chức thi công. Cố gắng đến năm 2025-2026, dự án cơ bản hoàn thành. 

Theo ông Thọ, nếu không có cơ chế chính sách đặc thù thì vẫn cứ làm, nhưng sẽ mất nhiều thời gian và tốn nhiều nguồn lực. Do vậy, những cơ chế đặc thù cũng là giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. “Với kinh nghiệm triển khai các dự án cao cấp khác trên cả nước, Bộ Giao thông Vận tải luôn đồng hành, phối hợp cùng TP.HCM và các tỉnh để thực hiện dự án tuyến đường vành đai 3”, ông Thọ nói.

Dự án đường vành đai 3 TP.HCM dài gần 92 km, đầu tư giai đoạn 1 khoảng 76 km (13 km đi trên cao) và tiếp tục khai thác đoạn Tân Vạn – Bình Chuẩn dài 15,3 km với quy mô 6 làn xe đã được tỉnh Bình Dương đưa vào sử dụng năm 2015. Giai đoạn 1 sẽ xây dựng 4 làn xe, tốc độ 80 km/giờ, đường song hành 2 bên tối thiểu 2 làn xe. Dự án được đầu tư công, dùng ngân sách địa phương có hỗ trợ từ trung ương.
Nếu được Chính phủ và Quốc hội thông qua, dự án sẽ khởi công vào quý 3/2023, hoàn thành cơ bản vào năm 2025 và chính thức vận hành năm 2026.
Tin liên quan
Tin khác