Chiều 29/3, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với UBND TP. Hải Phòng tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình phối hợp hoạt động về Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo giữa Bộ Khoa học và Công nghệ và UBND thành phố Hải Phòng năm 2023; cập nhật, bổ khuyết nội dung nhiệm vụ năm 2024; ký kết thỏa thuận hợp tác về đào tạo nhân lực thiết kế vi mạch, bán dẫn giữa các đơn vị.
Đánh giá cao kết quả sau hơn một năm triển khai chương trình phối hợp giữa Bộ Khoa học và Công nghệ và UBND Thành phố Hải Phòng, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, đây là mô hình hợp tác thành công nhất, được đánh giá cao nhất khi bộ triển khai thực hiện với các địa phương. TP. Hải Phòng hiện đang có nhiều hợp tác trong đào tạo và đầu tư cho khoa học công nghệ, theo đó đây sẽ là một trong những trung tâm hàng đầu đất nước về đào tạo nhân lực chất lượng cao trong ngành điện tử, bán dẫn và công nghệ thông tin của Thành phố.
Ông Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị |
Bộ trưởng mong muốn Hải Phòng lưu tâm hơn trong việc triển khai chương trình hợp tác, bố trí nguồn lực và cách thức triển khai. Một số chương trình khoa học công nghệ lớn có tầm ảnh hưởng đến phát triển của thành phố mới chỉ ở giai đoạn đầu. Hải Phòng chưa tạo được sự chuyển biến lớn kéo theo nhiều sở ngành, vụ, cục hay doanh nghiệp lớn tham gia. Vì vậy, lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị TP. Hải Phòng tiếp tục quan tâm đến đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ, sử dụng khoảng 2% ngân sách cho hoạt động này.
Được biết, trong năm qua, Hải Phòng và Bộ Khoa học và Công nghệ đã tích cực triển khai các nhiệm vụ về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế thành phố Hải Phòng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Tổ chức thành công Techfest Hải Phòng 2023 với quy mô tầm quốc tế. Tại sự kiện đã tổ chức các cuộc kết nối cung – cầu công nghệ cho nhiều tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố với các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài. Tổ chức thành công 2 đoàn công tác về khảo sát, kết nối cung - cầu công nghệ tại Hàn Quốc và Châu Âu (Pháp, Đức, Bỉ). Sau các chuyến công tác, đã có một số đối tác của các nước sang thăm và ký kết thoả thuận hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp của thành phố.
Đặc biệt, hai bên đã triển khai nghiên cứu, xây dựng 3 đề án nhằm đưa Hải Phòng trở thành trọng điểm phát triển khoa học-công nghệ biển của vùng bắc bộ và cả nước, gồm: Đề án xây dựng Hải Phòng trở thành trung tâm quốc tế về đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng khoa học-công nghệ biển; xây dựng Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Hải Phòng; xây dựng Chương trình khoa học công nghệ Biển thành phố Hải Phòng đến năm 2030.
Cùng với đó là triển khai Dự án sản xuất thử nghiệm cấp Thành phố như Dự án hoàn thiện công nghệ xử lý bã thải thạch cao phospho của Nhà máy phân bón DAP - Đình Vũ sản xuất phụ gia xi măng, vật liệu làm nền và móng đường giao thông, vật liệu san lấp công trình xây dựng...
Khẳng định sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình phối hợp giữa hai bên, ông Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy Hải Phòng bày tỏ mong muốn Bộ Khoa học và Công nghệ quan tâm, xem xét và sớm giải quyết các kiến nghị đề xuất của thành phố, trong đó, có việc báo cáo, đề xuất Chính phủ bổ sung thành lập Trung tâm Hỗ trợ đổi mới sáng tạo quốc gia đặt tại Hải Phòng; sớm tiến hành các thủ tục và hoàn thành việc chuyển giao Nhà Hội thảo khoa học ở Đồ Sơn để Hải Phòng quản lý, khai thác phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Ông Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy Hải Phòng phát biểu tại Hội nghị |
Bí thư Thành ủy Hải Phòng kỳ vọng lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa các đơn vị là một trong những hoạt động nhằm từng bước xây dựng Hải Phòng trở thành trung tâm quốc tế đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng khoc học, công nghệ, nhất là trong lĩnh vực chíp bán dẫn và công nghệ thông tin của thành phố. Ông Châu đề nghị các đơn vị tham gia ký kết nêu cao tinh thần hợp tác, chia sẻ, phát huy thế mạnh để xây dựng chi tiết kế hoạch triển khai thoả thuận hợp tác, góp phần đưa Hải Phòng trở thành thành phố đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, động lực phát triển của vùng Bắc bộ và cả nước theo tinh thần Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt và Bí thư Thành uỷ Hải Phòng Lê Tiến Châu chứng kiến ký kết hợp tác |
Tại hội nghị, lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ và UBND TP Hải Phòng chứng kiến ký kết hợp tác của các đơn vị gồm: Khu Công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh, Công ty CP Giáo dục quốc tế Sun Edu, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng và Trường Đại học Hải Phòng ký kết thỏa thuận hợp tác đào tạo nhân lực thiết kế vi mạch, bán dẫn. Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) trao chứng nhận bản quyền phần mềm thiết kế vi mạch của Cadence cho trung tâm điện tử và vi mạch bán dẫn (Hải Phòng-ESC) - Trường Đại học Hải Phòng.
Theo thỏa thuận, mục tiêu hợp tác được xác lập nhằm xây dựng, củng cố và mở rộng quan hệ hợp tác chiến lược, toàn diện nhằm khai thác tốt hơn tiềm năng, thế mạnh trên lĩnh vực hoạt động của mỗi bên vì sự phát triển lâu dài, bền vững và cùng có lợi.
Các bên thống nhất ký thỏa thuận hợp tác với các nội dung cụ thể: Hợp tác chia sẻ kinh nghiệm và tư vấn triển khai các giải pháp chuyển đổi số giáo dục và đổi mới sáng tạo trên cơ sở thực tiễn và kinh nghiệm mà mỗi bên đã và đang triển khai. Đồng thời, hợp tác, tư vấn, phát triển, tổ chức các chương trình đào tạo mới ở trình độ Đại học và Sau Đại học theo các hình thức đào tạo chính quy, vừa học vừa làm, từ xa.
Bên cạnh đó, hỗ trợ Trường Đại học Hải Phòng xây dựng chương trình đào tạo chuyển đổi năng lực cho kỹ sư, sinh viên khối ngành kỹ thuật (Công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử, Công nghệ chế tạo máy, Công nghệ kỹ thuật điện điện tử, Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa) để đáp ứng vị trí việc làm trong ngành vi mạch bán dẫn, cung ứng nguồn nhân lực cho thành phố Hải Phòng.
Cùng đó là hợp tác triển khai các hoạt động hỗ trợ ươm tạo, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực thiết kế vi mạch, bán dẫn, điều khiển và tự động hóa, robot, IoT, công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Xây dựng và triển khai mạng lưới các chuyên gia trong các lĩnh vực công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp từ mạng lưới đối tác, chuyên gia của các bên.
Cụ thể, giai đoạn 2024 - 2027, các bên sẽ đào tạo 1000 đến 1.200 kỹ sư, chuyên gia chuyên sâu về vi mạch cho đội ngũ giảng viên, kỹ sư tại Hải Phòng và các vùng lân cận; đào tạo 3.000 - 5.000 lao động có kỹ năng cơ bản về vi mạch cùng nhiều hoạt động nghiên cứu, hợp tác khác trong việc khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
NIC trao chứng nhận Bản quyền phần mềm thiết kế vi mạch cho Trường Đại học Hải Phòng |
Ngoài ra, Hội nghị cũng chứng kiến đại diện Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) trao chứng nhận Bản quyền phần mềm thiết kế vi mạch của Cadence cho Trung tâm điện tử và vi mạch bán dẫn (Hải Phòng-ESC) của Trường Đại học Hải Phòng.
Lãnh đạo Thành phố Hải Phòng và lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ khảo sát doanh nghiệp hoạt động khoa học và công nghệ |
Trước đó, lãnh đạo UBND TP. Hải Phòng, Bộ Khoa học và Công nghệ đã đi khảo sát thực tế tại Công ty TNHH Vật liệu nam châm Shin-Etsu Việt Nam và Công ty TNHH Universal Scientific Industrial Việt Nam tại Khu công nghiệp DEEP C Hải Phòng I.