Trong Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 của Xây dựng Hòa Bình được kiểm toán bởi Công ty TNHH Hãng kiểm toán AASC, đơn vị kiểm toán đã có nhiều vấn đề cần chú ý đối với nhà đầu tư.
Đầu tiên, tại thời điểm 31/12/2023, Xây dựng Hòa Bình có khoản lỗ luỹ kế tới 3.240,3 tỷ đồng và một số khoản nợ quá hạn thanh toán.
“Những dấu hiệu lỗ luỹ kế và một số khoản nợ quá hạn thanh toán cho thấy sự tồn tại của các yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Xây dựng Hòa Bình”, Công ty TNHH Hãng kiểm toán AASC nhấn mạnh trong Báo cáo kiểm toán.
Thứ hai, trong báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023, một số nghiệp vụ tạm ứng của Xây dựng Hòa Bình đã được thực hiện khi chưa có đủ phê duyệt phù hợp. Các nghiệp vụ này sau đó đã được Hội đồng quản trị thông qua vào ngày 20/5/2023 và các Nghị quyết của Hội đồng quản trị tương ứng.
Thứ ba, Công ty TNHH Hãng kiểm toán AASC đã đưa ra cơ sở của ý kiến kiểm toán ngoại trừ khi Xây dựng Hòa Bình đang trong quá trình làm các thủ tục đảm bảo cho một số khoản tạm ứng để bổ sung các bằng chứng thích hợp và đầy đủ về giá trị có thể thu hồi.
Trong đó, kiểm toán chưa thể thu thập được đầy đủ các thư xác nhận về các số dư nợ phải thu và nợ phải trả tại thời điểm 31/12/2023 bao gồm phải thu ngắn hạn của khách hàng 2.938,4 tỷ đồng; trả trước cho người bán ngắn hạn 705,6 tỷ đồng; phải thu ngắn hạn khác 455,3 tỷ đồng; phải trả người bán ngắn hạn 1.691,1 tỷ đồng; người mua trả tiền trước ngắn hạn 1.277,6 tỷ đồng; phải trả ngắn hạn khác 172,7 tỷ đồng; và các khoản vay 57,9 tỷ đồng.
“Tính đến thời điểm phát hành báo cáo kiểm toán, các công việc nêu trên vẫn đang được thực hiện và chưa hoàn thành, do đó chúng tôi chưa thể xác định được liệu có cần thiết phải điều chỉnh các chỉ tiêu trên Báo cáo tài chính hợp nhất kèm theo có liên quan đến các khoản tạm ứng này hay không”, Công ty TNHH Hãng kiểm toán AASC đã đưa ra cơ sở của ý kiến kiểm toán ngoại trừ.
Lỗ luỹ kế vượt vốn điều lệ tại thời điểm cuối năm 2023
Ngoài ra, bên cạnh ý kiến của kiểm toán, Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 cũng có biến động đáng kể so với báo cáo tự lập trong quý IV/2023.
Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 của Xây dựng Hoà Bình |
Sau kiểm toán năm 2023, doanh thu giảm 9,33 tỷ đồng, về 7.537,1 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế giảm tới 333,06 tỷ đồng, từ lỗ 782,28 tỷ đồng tăng lên lỗ tới 1.115,34 tỷ đồng. Trong đó, biến động mạnh nhất là chi phí quản lý doanh nghiệp đã tăng thêm 274,79 tỷ đồng sau kiểm toán, từ 482,91 tỷ đồng, lên 757,7 tỷ đồng.
Với việc tiếp tục lỗ trong năm 2023, tính tới 31/12/2023, Xây dựng Hòa Bình nâng tổng lỗ luỹ kế lên 3.240,3 tỷ đồng, bằng 118,2% vốn điều lệ (vốn điều lệ 2.741,33 tỷ đồng).
Như vậy, kết thúc năm 2023, lỗ luỹ kế của Xây dựng Hòa Bình đã vượt vốn điều lệ Công ty.
Thêm nữa, cũng tại thời điểm 31/12/2023, Xây dựng Hòa Bình đang ghi nhận nợ ngắn hạn là 13.703,3 tỷ đồng và tài sản ngắn hạn là 13.449,3 tỷ đồng. Như vậy, Công ty đang ghi nhận nợ ngắn hạn cao hơn tài sản ngắn hạn 254 tỷ đồng, hay hiểu đúng hơn Công ty đang sử dụng 254 tỷ đồng nguồn vốn ngắn hạn (kỳ hạn dưới 1 năm) để tài trợ cho tài sản dài hạn (kỳ hạn lớn hơn 1 năm).
Xây dựng Hòa Bình tiếp tục muốn bán trở lại 100% vốn Máy Xây dựng Matec
Một diễn biến đáng lưu ý khác, ngày 24/3/2024, Xây dựng Hòa Bình thông qua kế hoạch chuyển nhượng 100% vốn tại Công ty TNHH MTV Máy Xây dựng Matec cho nhà đầu tư có đủ năng lực tài chính với giá trị chuyển nhượng tốt nhất.
Thực tế, Công ty TNHH MTV Máy Xây dựng Matec không còn xa lạ với giới đầu tư khi trong báo cáo quý II/2023, Xây dựng Hòa Bình cho biết đã bán ra đơn vị này và ghi nhận lợi nhuận đột biến. Tuy nhiên, sau khi kiểm toán Báo cáo tài chính bán niên năm 2023, đơn vị kiểm toán đã loại trừ giao dịch này.
Được biết, tại thời điểm 31/12/2023, Xây dựng Hòa Bình đang sở hữu 6 Công ty con và 4 Công ty liên kết. Trong đó, Máy Xây dựng Matec hoạt động trong lĩnh vực cho thuê máy móc cơ điện và thiết bị xây dựng, trụ sở tại số 37/8 Phan Văn Hớn, phường Tân Thới Nhất, quận 12, TP. HCM.
Trước đó, ngày 17/6/2023, Hội đồng quản Xây dựng Hòa Bình đã thông qua nghị quyết bán 100% vốn tại Công ty TNHH Máy xây dựng Matec cho nhà đầu tư có đủ năng lực tài chính. Tới ngày 19/6/2023, theo tiết lộ từ phía Xây dựng Hòa Bình, nhà đầu tư mua Công ty TNHH Máy Xây dựng Matec là Ashita Group, tổng giá trị chuyển nhượng là 1.100 tỷ đồng.
Xây dựng Hòa Bình cho biết, điều này cũng đồng nghĩa với việc Công ty bổ sung thêm 1.100 tỷ đồng nguồn vốn vào các hoạt động kinh doanh. Đồng thời, nhiều bất động sản của công ty bao gồm nhà xưởng, văn phòng tại TP.HCM mua từ nhiều năm trước cũng sẽ được định giá lại theo chuẩn mực kế toán quốc tế, chắc chắn sẽ làm tăng thêm vốn chủ sở hữu cho Công ty.
Sau kiểm toán Bán niên năm 2023, đáng lưu ý, Xây dựng Hoà Bình đã chuyển từ lãi 103,26 tỷ đồng sang lỗ 711,49 tỷ đồng, tức giảm 814,75 tỷ đồng. Trong đó, biến động mạnh chủ yếu do lãi hoạt động khác chuyển từ lãi 658,14 tỷ đồng trước kiểm toán sang lãi 5,95 tỷ đồng sau kiểm toán, tức giảm 652,19 tỷ đồng.
Lý giải cho lợi nhuận khác giảm mạnh, Xây dựng Hoà Bình cho biết chủ yếu đến từ điều chỉnh giảm lợi nhuận từ việc bán tài sản tại Công ty mẹ.
Công ty Xây dựng Hòa Bình cho biết thêm, sự chênh lệch này là do Báo cáo soát xét không ghi nhận lợi nhuận từ việc bán Công ty TNHH Máy xây dựng Matec và thanh lý tài sản cố định.
Trong Báo cáo chưa kiểm toán quý II/2023, Xây dựng Hòa Bình ghi nhận lợi nhuận thu được dựa trên giá trị hợp đồng được ký vào tháng 6/2023, tuy nhiên phía đối tác mua lại đang điều chỉnh tiến độ chi trả dẫn đến việc thanh toán bị chậm hơn, dự kiến sẽ được thực hiện trong quý III và quý IV/2023.
Tại ngày 30/06 theo BCTC soát xét năm 2023, Xây dựng Hoà Bình vẫn còn ghi nhận Máy Xây dựng Matec là công ty con của Tập đoàn.