Xây dựng Hoà Bình vừa thông qua cử bà Nguyễn Thị Lượt, Phó Chủ tịch HĐQT Xây dựng Hòa Bình trở thành người đại diện phần vốn góp tại CTCP Sài Gòn - Rạch Giá.
Theo tìm hiểu, CTCP Sài Gòn - Rạch Giá được thành lập ngày 27/6/2007; địa chỉ tại số 844 đường Nguyễn Trung Trực, phường An Hoà, TP. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang; hoạt động chính trong lĩnh vực dịch vụ lưu trú ngắn ngày; và người đại diện pháp luật là ông Trần Quốc Khánh (sinh năm 1970 - Bình Thuận).
Điểm đáng lưu ý, tính tới 30/6/2023, Xây dựng Hòa Bình cho biết đã đầu tư giá gốc là 13,64 tỷ đồng vào CTCP Sài Gòn - Rạch Giá, trích lập dự phòng tới 12,05 tỷ đồng (tương ứng tỷ lệ trích lập chiếm 88,33% tổng giá trị gốc đã đầu tư).
Trong đó, Xây dựng Hoà Bình thuyết minh giá trị đầu tư vào CTCP Sài Gòn - Rạch Giá tương ứng 10,24% vốn cổ phần.
Xây dựng Hòa Bình tiếp tục kế hoạch huy động 2.640 tỷ đồng từ cổ đông bên ngoài
Sau lần Đại hội đồng cổ đông bất thường lần 1 năm 2023 không thể tổ chức, Xây dựng Hòa Bình lên kế hoạch tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường lần 2 vào ngày 17/10, hình thức trực tuyến. Trong đó, danh sách cổ đông tham dự được chốt ngày 27/7.
Trong Đại hội đồng cổ đông bất thường sắp tới, bên cạnh thông qua Báo cáo tài chính công ty mẹ và kiểm toán năm 2022, Xây dựng Hòa Bình còn trình cổ đông phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ.
Đầu tiên, Công ty trình cổ đông kế hoạch phát hành riêng lẻ tối đa 220 triệu cổ phiếu với giá chào bán do Hội đồng quản trị quyết định nhưng không thấp hơn 12.000 đồng/cổ phiếu. Trong đó, cổ phiếu phát hành riêng lẻ bị hạn chế chuyển nhượng tối thiểu 3 năm đối với nhà đầu tư chiến lược và 1 năm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, thời gian triển khai năm 2023 – 2024.
Số tiền huy động khoảng 2.640 tỷ đồng, Công ty sử dụng để bổ sung nguồn vốn kinh doanh, thanh toán các khoản nợ.
Ngoài ra, Công ty cũng trình cổ đông kế hoạch phát hành 54 triệu cổ phiếu riêng lẻ để hoán đổi nợ với giá 12.000 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm và dự kiến triển khai trong năm 2023 - 2024. Trong đó, tỷ lệ 1,2:1, tương ứng cứ mỗi 12.000 đồng nợ sẽ được hoán đổi thành 1 cổ phiếu.
Các chủ nợ là nhà cung cấp, nhà thầu phụ, nhà sản xuất của Công ty.
Nếu so với với kế hoạch trình cổ đông trong Đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 26/8 (không thể tổ chức), số lượng cổ phiếu hoán đổi nợ giảm 53 triệu cổ phiếu, tương ứng giảm khoảng 636 tỷ đồng. Ngược lại, kế hoạch phát hành riêng lẻ lại tăng 53 triệu cổ phiếu, tương ứng tăng thêm 636 tỷ đồng.
Được biết, trước đó ngày 26/8, Xây dựng Hòa Bình tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2023 nhưng bất thành do chỉ có 458 cổ đông, đại diện 120,2 triệu cổ phiếu, tương ứng 43,86% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự.
Căn cứ quy định Luật Doanh nghiệp 2020 và Điều lệ của Xây dựng Hòa Bình, Đại hội đồng cổ đông bất thường đã không đủ điều kiện tổ chức như kế hoạch.
Trong Đại hội đồng cổ đông bất thường lần 2 sắp tới muốn tổ chức thành công phải có từ 33% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự.
Kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của Xây dựng Hoà Bình
Một diễn biến đáng lưu ý khác, Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam đã thực hiện kiểm toán Báo cáo tài chính bán niên năm 2023 của Xây dựng Hoà Bình. Trong đó, Kiểm toán nêu ra các vấn đề nhấn mạnh.
Theo đó, Xây dựng Hòa Bình phát sinh khoản lỗ 711,5 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2023, nâng lỗ luỹ 2.812,8 tỷ đồng. Ngoài ra, Xây dựng Hòa Bình có các khoản nợ vay đã quá hạn trong đó có một số khoản vay đã được các ngân hàng đồng ý gia hạn. Đối với khoản vay còn lại đã quá hạn hoặc sắp đến hạn, Xây dựng Hòa Bình đang trong quá trình thương thảo với ngân hàng để xin gia hạn các khoản vay này.
“Những điều kiện này cho thấy sự tồn tại yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Xây dựng Hòa Bình”, Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam nhấn mạnh.
Bên cạnh ý kiến của Kiểm toán, đáng lưu ý sau kiểm toán, Xây dựng Hoà Bình đã chuyển từ lãi 103,26 tỷ đồng sang lỗ 711,49 tỷ đồng, tức giảm 814,75 tỷ đồng. Trong đó, biến động mạnh chủ yếu do lãi hoạt động khác chuyển từ lãi 658,14 tỷ đồng trước kiểm toán sang lãi 5,95 tỷ đồng sau kiểm toán, tức giảm 652,19 tỷ đồng.
Lý giải cho lợi nhuận khác giảm mạnh, xây dựng Hoà Bình cho biết chủ yếu đến từ điều chỉnh giảm lợi nhuận từ việc bán tài sản tại Công ty mẹ.
Trước đó, ngày 17/6, Xây dựng Hoà Bình đã thông qua nghị quyết bán 100% vốn tại Công ty TNHH Máy Xây dựng Matec cho nhà đầu tư Ashita Group. Được biết Máy Xây dựng Matec, công ty con HBC sở hữu 100% vốn, chuyên quản lý khai thác toàn bộ số máy móc thiết bị của Xây dựng Hoà Bình. Ashita Group mua lại một phần số máy móc thiết bị trên với giá 1.100 tỷ đồng, gần như tương ứng với khoản chênh lệch giá trị thanh lý, nhượng bán tài sản giữa BCTC soát xét và tự lập của Xây dựng Hoà Bình. Như vậy, khả năng Xây dựng Hoà Bình chưa hoàn tất thương vụ chuyển nhượng công ty con này khi niên độ bán niên kết thúc.
Tại ngày 30/06 theo BCTC soát xét, Xây dựng Hoà Bình vẫn còn ghi nhận Máy Xây dựng Matec là công ty con của Tập đoàn.
Luỹ kế nửa đầu năm 2023, Xây dựng Hoà Bình ghi nhận doanh thu đạt 3.462,56 tỷ đồng, giảm 51,4% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ ghi nhận lỗ 711,49 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 64,72 tỷ đồng, giảm 776,21 tỷ đồng.
Với việc lỗ thêm 711,49 tỷ đồng, tính tới 30/6/2023, tổng lỗ luỹ kế của Xây dựng Hoà Bình lên tới 2.812,8 tỷ đồng và bằng 102,6% vốn điều lệ. Như vậy, sau khi kinh doanh thua lỗ trong nửa đầu năm 2023, lỗ luỹ kế của Công ty đã vượt vốn điều lệ.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 22/9, cổ phiếu HBC giảm 400 đồng, về 8.600 đồng/cổ phiếu.