Ông Nguyễn Tấn Tuân, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã chia sẻ về những định hướng phát triển kinh tế - xã hội mang tính chiến lược, mở ra tương lai cho địa phương trước sự kiện này.
Ông Nguyễn Tấn Tuân, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa |
Thưa ông, việc Khánh Hòa tập trung hoàn thành các quy hoạch quan trọng của tỉnh (gồm Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP. Nha Trang đến năm 2040; điều chỉnh Quy hoạch chung Khu kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm đến năm 2045) mang đến những cơ hội và thách thức gì đối với địa phương?
Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch khác đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và được xác định là một trong những động lực tăng trưởng. Các quy hoạch nêu trên được phê duyệt là cơ sở để Tỉnh ủy, UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý toàn diện, thống nhất trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, hội nhập, đối ngoại trên địa bàn, là căn cứ để hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch đầu tư và kiến tạo động lực phát triển trong tương lai.
Việc triển khai thực hiện có hiệu quả, đạt chất lượng các quy hoạch được phê duyệt sẽ mang lại cơ hội rất lớn cho Khánh Hòa. Đây là căn cứ quan trọng để tỉnh kịp thời vận dụng và triển khai hiệu quả Nghị quyết số 55/2022/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, góp phần thu hút mạnh mẽ các nguồn vốn đầu tư toàn xã hội, hướng tới hiện thực hóa các mục tiêu được Bộ Chính trị đề ra tại Nghị quyết số 09-NQ/TW về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, mục tiêu trọng tâm là đưa Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030, là đô thị thông minh, bền vững, bản sắc ngang tầm khu vực châu Á, là hình mẫu của sự gắn kết giữa phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo quốc phòng, an ninh, là thành phố đáng sống của cả nước và khu vực.
Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai thực hiện các quy hoạch cũng sẽ phải đối mặt không ít thách thức như biến đổi khí hậu, nước biển dâng đối với sự phát triển bền vững. Để có thể vượt qua các thách thức này, đòi hỏi Khánh Hòa phải thực sự đổi mới, sáng tạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành, quản lý xã hội, huy động được tối đa các nguồn lực xã hội và sức sáng tạo của nhân dân để thúc đẩy phát triển toàn diện kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, cần tăng cường công tác truyền thông, thông tin đến mọi tầng lớp nhân dân để người dân thực sự hiểu, cùng chung tay với các cấp chính quyền.
Khánh Hòa có nhiều tiềm năng, lợi thế vượt trội, có nhiều dư địa để phát triển thành một đô thị tầm cỡ khu vực |
Tỉnh đã có bước chuẩn bị “dài hơi” nào để hiện thực hóa những tầm nhìn, khát vọng mà các quy hoạch đang đặt ra, cũng như tận dụng những chính sách đặc thù mà Trung ương áp dụng riêng cho địa phương?
Nhằm hiện thực hóa mục tiêu đưa Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Khánh Hòa đã khẩn trương ban hành các chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28/1/2022 của Bộ Chính trị, với mục đích thống nhất chỉ đạo các cấp, các ngành quán triệt, triển khai thực hiện, tạo sự chuyển biến rõ nét về nhận thức và hành động của cán bộ, công chức, viên chức, các lực lượng vũ trang, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh về tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển Khánh Hoà trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, phù hợp với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia về biển, đảo của Tổ quốc, trung tâm kết nối vùng, cửa ngõ chính ra biển Đông của vùng Tây Nguyên và khu vực duyên hải Nam Trung Bộ.
Khánh Hòa xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng và lâu dài, phải thể hiện tinh thần chủ động, sáng tạo, trách nhiệm, sự quyết tâm chính trị cao của các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị, tổ chức. UBND tỉnh đã phân công trách nhiệm cụ thể cho các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố, nhất là người đứng đầu trong việc chủ động liên hệ với các bộ, ngành Trung ương, triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, gắn với lộ trình phù hợp để tập trung chỉ đạo, đạt kết quả cao nhất.
Đồng thời, ngay sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 55/2022/QH15 ngày 16/6/2022 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã kịp thời ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện, góp phần sớm đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống. Trong quá trình thực hiện các nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ về xây dựng và phát triển Khánh Hòa, UBND tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá tình hình và kết quả tổ chức thực hiện để rút kinh nghiệm những mặt còn hạn chế, yếu kém, từ đó đưa ra các giải pháp để thực hiện có hiệu quả trong giai đoạn tiếp theo.
Những kỳ vọng mà Tỉnh ủy, UBND tỉnh Khánh Hòa đặt ra nhân Hội nghị Công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vào ngày 2/4/2023 là gì, thưa ông?
Hội nghị này sẽ cung cấp thông tin đến các nhà đầu tư, tập đoàn lớn hiểu rõ thêm Khánh Hòa là tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế vượt trội, còn nhiều dư địa phát triển mà không phải địa phương nào cũng có được. Qua hoạt động trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời ký biên bản ghi nhớ hợp tác với nhiều tập đoàn lớn tại hội nghị này, một lần nữa khẳng định Khánh Hòa có sức hút thật sự đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Kỳ vọng lớn nhất của tỉnh là thu hút được nhiều nguồn lực và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội theo mục tiêu Nghị quyết 09-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra.
Chính quyền tỉnh Khánh Hòa vinh hạnh đồng hành cùng các nhà đầu tư, doanh nghiệp trên chặng đường xây dựng và kiến tạo để thực hiện khát vọng phát triển đó.