Ghi nhận sự tăng trưởng
Ngày 28/3, UBND TP.HCM tổ chức chương trình gặp gỡ cộng đồng đổi mới sáng tạo TP.HCM nhằm lắng nghe ý kiến, chia sẻ và những khó khăn của các doanh nghiệp để có những chính sách hỗ trợ kịp thời trong thời gian tới.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM chia sẻ tại chương trình. |
Phát biểu khai mạc chương trình, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM mong muốn được lắng nghe những chia sẻ của các đại biểu, doanh nghiệp để TP.HCM xác định đúng định hướng, đúng trọng tâm để đầu tư đúng mức, hoàn thiện cơ chế chính sách, phát triển hơn nữa hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để nâng tầm trong khu vực và với quốc tế.
Trong năm 2023, Việt Nam tăng 2 bậc chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (Global Innovation Index 2023, gọi tắt là GII) so với năm 2022, từ vị trí 59 lên vị trí 57. Trong khi đó, theo Báo cáo Chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu 2023 của Startup Blink cho thấy, Việt Nam vẫn duy trì thứ hạng trong top 60 với thứ hạng 58, nhưng đã giảm 4 bậc so với năm 2022.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn duy trì thứ hạng như cũ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương là 12 và tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam vẫn giữ vị trí thứ ba về số lượng thương vụ sau Indonesia, Singapore và đứng vị trí thứ tư về tổng giá trị đầu tư trong năm 2023 theo Báo cáo đổi mới sáng tạo và đầu tư công nghệ Việt Nam 2023 của NIC và Do Venture.
Trong đó, TP.HCM là đô thị đặc biệt, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ; đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế. Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của TP.HCM được đánh giá là năng động nhất cả nước khi chiếm 50% số lượng startups, 40% cơ sở ươm ươm tạo và hỗ trợ khởi nghiệp; 44% lượng vốn đầu tư, 60% số thương vụ của cả nước.
Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM thông tin, lượng vốn đầu tư mạo hiểm vào các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam liên tiếp tăng trưởng cao từ năm 2017 đến năm 2022, đạt xấp xỉ hơn 2 tỷ USD. Trong đó, hơn 60% doanh nghiệp gọi vốn thành công là của tp.hcm.
Năm 2023, theo thống kê của Crunchbase (nền tảng tìm kiếm thông tin về kinh doanh và startup), tổng số vốn đầu tư mạo hiểm huy động hơn 718 triệu USD, TP.HCM 502,7 triệu USD.
“Đây là những cơ hội để các chuyên gia, nhà khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nghiên cứu, tham gia khởi nghiệp đóng góp phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM và của đất nước. Đồng thời đóng góp xây dựng năng lực cạnh tranh, hội nhập quốc tế của Việt Nam”, Chủ tịch UBND TP.HCM chia sẻ.
UBND TP.HCM tổ chức chương trình gặp gỡ cộng đồng đổi mới sáng tạo TP.HCM. |
Xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo
Trong giai đoạn 2021-2025, TP.HCM triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo theo quyết định số 672/QĐ-UBND ngày 1/3/2021 của UBND TP.HCM về việc phê duyệt “Đề án hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP.HCM giai đoạn 2021 – 2025” (gọi tắt là Đề án 672).
Theo đó, nội dung Đề án 672 gồm 8 nhóm nhiệm vụ và 23 dự án con. Cụ thể, có 11 dự án hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, 4 dự án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, 7 dự án hỗ trợ cho cả 2 đối tượng trên.
Đặc biệt, theo ông Nguyễn Việt Dũng, TP.HCM sẽ xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo tại địa chỉ 123 Trương Định, phường Võ Thị Sáu, quận 3. Trung tâm gồm 2 khu vực chính: Không gian hỗ trợ chung của nhà nước và không gian thu hút khu vực tư nhân tham gia đầu tư và thiết kế để triển khai các chương trình ươm tạo và tăng tốc.
“Đây là nơi tập hợp và kết nối các nguồn lực trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của TP.HCM, trong và ngoài nước. Trung tâm được xây dựng với mục tiêu hình thành mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo tại TP.HCM gồm: Các tổ chức ươm tạo, tăng tốc, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các quỹ đầu tư, trường, viện và các cơ quan, tổ chức, tập đoàn trong và ngoài nước có liên quan…”, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM chia sẻ.
Qua đó, trung tâm đổi mới sáng tạo này sẽ là nơi giúp lan tỏa các chính sách hỗ trợ của nhà nước về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp cho cộng đồng, cung cấp các dịch vụ về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hỗ trợ hoạt động chuyển giao công nghệ, nghiên cứu phát triển và thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học… nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh cho TP.HCM trong khu vực và quốc tế về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.