Kể từ khi thông xe kỹ thuật 20km đầu tiên (ngày 02/01/2014), tính đến ngày 20/7/2016, tuyến cao tốc Tp.HCM - Long Thành - Dầu Giây đã phục vụ khoảng 22 triệu lượt phương tiện an toàn và thông suốt, với lưu lượng trung bình đạt 28.000 - 30.000 lượt xe/ngày đêm, ngày cao điểm lên tới 40.000 – 50.000 lượt phương tiện. |
Mô hình đúng
cơ sở học tập kinh nghiệm, mô hình từ Nhật Bản và Hàn Quốc, được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, ngày 6/10/2004, Bộ GTVT đã có Quyết định số 3033/QĐ-BGTVT thành lập Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) với vai trò, sứ mệnh chính trị là đơn vị nòng cốt huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước, tiếp nhận, vay lại các nguồn vốn vay thương mại OCR của ADB, IBRD của WB, JICA... và phát hành trái phiếu công trình có bảo lãnh của Chính phủ... để đầu tư, quản lý khai thác, thu hồi vốn các tuyến đường cao tốc quốc gia với số vốn điều lệ ban đầu là 1.000 tỷ đồng được bổ sung bằng tiền bán quyền thu phí các trạm thu phí Nam Cầu Giẽ và trạm thu phí số 2 QL1 (cầu Phù Đổng).
Ít ai biết sản phẩm đầu tay của VEC là Dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, với chiều dài 50km, được đầu tư bằng số vốn điều lệ ít ỏi 1.000 tỷ đồng và vốn công trình. Kế thừa, VEC tiếp tục thu hút thêm nhiều nguồn vốn đa dạng để đầu tư các dự án mới. Thông qua hoạt động đầu tư, VEC ngày càng chứng tỏ đáp ứng được năng lực cần thiết tiếp nhận các nguồn vốn tài trợ của các tổ chức quốc tế cũng như trong nước để đầu tư phát triển hệ thống đường cao tốc.
Với những thành công và lớn mạnh của VEC, chấp hành chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã quyết định chuyển đổi VEC thành Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam nhằm nâng cao vị thế, năng lực cũng như trách nhiệm vủa VEC, tạo thêm nhiều điều kiện thuận lợi cho VEC mở rộng hợp tác và thu hút vốn đầu tư các dự án đường bộ cao tốc.
Hiện nay sau 12 năm thành lập, VEC đã và đang thực hiện đầu tư xây dựng và quản lý khai thác 5 tuyến đường cao tốc có tổng chiều dài 539 km với tổng nguồn vốn huy động là 125.572 tỷ đồng, tương đương khoảng 6 tỷ USD; trong đó, vốn ngân sách nhà nước là 71.555 tỷ đồng (57%), số còn lại VEC tự huy động. Việc VEC huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước để đầu tư xây dựng các tuyến đường cao tốc, tổ chức khai thác, thu hồi vốn đã phần nào làm giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Các tuyến đường cao tốc của VEC sau khi đưa vào khai thác đã làm thay đổi diện mạo bức tranh hạ tầng giao thông vận tải đất nước, góp phần to lớn thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội các địa phương dọc tuyến và các vùng phụ cận, thu hẹp khoảng cách vùng miền, hỗ trợ công cuộc xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân; đồng thời, góp phần bảo vệ an ninh-quốc phòng. Các tuyến do VEC đầu tư góp phần rút ngắn một nửa thời gian di chuyển của phương tiện vận tải, giảm 15 - 30% chi phí vận tải. Vì thế hiệu quả cho vận tải và kinh tế nói chung rất lớn, tiết kiêm hàng nghìn tỷ/năm cho đất nước.
Như tuyến Nội Bài - Lào Cai, đã tạo động lực phát triển rất lớn. GDP Lào Cai từ khi có cao tốc tăng 30%, du lịch tăng 1,5 lần. Các địa phương có tuyến đường đi qua cũng thu hút rất lớn đầu tư nước ngoài, giảm mạnh tỷ lệ hộ nghèo.
Theo ông Mai Tuấn Anh – Tổng giám đốc VEC, những kết quả thu được từ các dự án đường cao tốc cho thấy việc đầu tư xây dựng các tuyến cao tốc là cấp bách. Vấn đề là chúng ta có huy động đủ nguồn lực hay không.
“Ở Trung Quốc họ đã tính toán, bỏ ra một Nhân dân tệ đầu tư vào cao tốc thì họ sẽ thu về 3 Nhân dân tệ sau khi đường đưa vào khai thác. Do đó những năm qua, Trung Quốc đã đổ rất nhiều tiền để làm cao tốc. Có thể khẳng định, đầu tư cho cao tốc là đầu tư phát triển, đầu tư cho tương lai”, ông Mai Tuấn Anh cho biết.
Tái cơ cấu để phát triển bền vững
Được biết, để phát huy vai trò nòng cốt trong đầu tư, phát triển đường cao tốc quốc gia, VEC xác định nhiệm vụ trong 5 năm (2016-2020), ngoài các dự án VEC đã và đang thực hiện khoảng 580km, VEC tiếp tục tham gia đầu tư gần 500km đường cao tốc để góp phần thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước và Bộ GTVT là xây dựng hoàn thành 2000km đường cao tốc vào năm 2020.
Để đảm bảo sự phát triển bền vững, VEC đã chủ động xây dựng phương án tái cơ cấu nguồn vốn đầu tư 5 dự án và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm đảm bảo hài hòa các mục tiêu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước, sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và quyền lợi của người dân.
Theo Quyết định số 2072 ngày 8/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về tái cơ cấu nguồn vốn 5 dự án cao tốc do VEC làm chủ đầu tư, Nhà nước sẽ đầu tư trực tiếp vào 5 dự án với số tiền là 71.602 tỷ đồng và hạch toán thành vốn điều lệ, trong đó, vốn vay ODA là 50.726 tỷ đồng, vốn ngân sách Nhà nước là 20.876 tỷ đồng, số còn lại 53.970 tỷ đồng do VEC huy động và thu phí để hoàn vốn.
VEC đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận vốn điều lệ với giá trị là 72.602 tỷ đồng và được Nhà nước và Bộ Tài chính, Bộ GTVT giao dần từ nay đến năm 2019. Do vậy trong huy động vốn để đầu tư, VEC được sử dụng giá trị vốn điều lệ 72.602 tỷ đồng để thực hiện, bảo đảm đúng quy định của Luật Đầu tư công và Luật Quản lý nợ công.
Với tư cách là đơn vị đầu tầu, VEC mong muốn được Chính phủ tạo điều kiện tham gia đấu thầu các dự án đường cao tốc đầu tư theo hình thức PPP bằng cách thành lập các công ty cổ phần dự án trên cơ sở liên doanh hoặc liên kết với các nhà đầu tư trong và ngoài nước mà VEC là cổ đông với 29% vốn điều lệ (trên cơ sở sử dụng vốn điều lệ của VEC để giao), được sử dụng kinh nghiệm, năng lực quản lý của VEC để tham gia đấu thầu. VEC được huy động vốn để thực hiện xây dựng dự án theo hợp đồng liên doanh góp vốn đầu tư.
“Các dự án VEC đã được giao làm chủ đầu tư, được đầu tư theo phương thức thu phí hoàn vốn sẽ được chuyển thành phương thức đầu tư BOO. Căn cứ vào phương án tài chính được duyệt, VEC được ký hợp đồng với Cơ quan nhà nước có thẩm quyền để VEC hoạt động theo chế độ tự chủ về tài chính nhằm chủ động trong việc huy động vốn và sử dụng vốn để đầu tư các dự án tiếp theo”, lãnh đạo VEC đề xuất.
Bên cạnh đó, các dự án VEC đang quản lý khai thác có nguồn vốn đầu tư trực tiếp của Nhà nước. Theo phương án tài chính, ưu tiên hoàn vốn VEC huy động. Sau khi hết thời gian hoàn vốn, VEC được Nhà nước giao tiếp tục thu phí để tạo nguồn vốn đầu tư dự án mới và được coi nguồn vốn này là vốn Nhà nước đầu tư trực tiếp vào dự án và giao VEC quản lý.
Theo lãnh đạo VEC, những biện pháp nêu trên là tiền đề hết sức quan trọng để nâng cao năng lực tài chính cho VEC, đáp ứng yêu cầu của Luật Quản lý nợ công, lành mạnh hóa và đảm bảo cơ cấu tài chính hợp lý cho sự phát triển bền vững của VEC.
“Việc cởi trói cơ chế cho VEC theo hướng tiệm cận với thông lệ quốc tế sẽ giúp huy động được tối đa các nguồn vốn để đầu tư các dự án xây dựng đường cao tốc mới..., góp phần quan trọng để hoàn thành mục tiêu hơn 2.000 km đường cao tốc vào năm 2020 của toàn ngành GTVT”, ông Mai Tuấn Anh, Tổng giám đốc VEC cho biết.