TP.HCM được đánh giá là địa phương có đủ điều kiện để phát triển trung tâm tài chính quốc tế. Ảnh: Lê Toàn |
Lách “cửa hẹp” để mở trung tâm tài chính quốc tế
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng vừa có chuyến công tác tại Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE). Ngoài lịch trình quan trọng là tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Chính phủ thế giới, làm việc với Chủ nhiệm Các dịch vụ Chính phủ, Văn phòng Thủ tướng UAE và tiếp các tập đoàn lớn, như Emirates, Nanorack, Binance, Aquarius Global, Quỹ đầu tư Cypher Capital..., Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng còn dành thời gian đến thăm và làm việc tại Trung tâm Tài chính quốc tế Abu Dhabi (ADGM), Trung tâm Tài chính quốc tế Dubai (DIFC)...
Không quá khó để nhận ra, một trong những mục đích quan trọng của các cuộc viếng thăm này là chia sẻ tầm nhìn phát triển trung tâm tài chính quốc tế ở Việt Nam. Phát biểu tại các buổi làm việc này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ Việt Nam đang trong quá trình tìm hiểu và nghiên cứu việc xây dựng trung tâm tài chính quốc gia, hướng đến quy mô khu vực và quốc tế trong thời gian tới. Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mong muốn được hợp tác và trao đổi với ADGM, DIFC về kinh nghiệm trong việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng là người luôn muốn thúc đẩy việc xây dựng và phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam. Nhiều năm trước, Bộ trưởng đã luôn nhấn mạnh rằng, Việt Nam đang ở “thời cơ vàng, ngàn năm có một” để thành lập được trung tâm tài chính quốc tế, ở TP.HCM và Đà Nẵng.
“Có một điểm đặc biệt là, nếu ta lấy compa quay một vòng khoảng cách tương đương 3 giờ bay với trung tâm là TP.HCM hay Đà Nẵng, thì sẽ bao phủ toàn bộ khu vực ASEAN, rất thuận lợi. Hiện nay, chúng ta không trùng múi giờ với 21 trung tâm tài chính quốc tế. Đó là cái khe, là cơ hội rất hẹp. Dòng tiền có thể hình thành và luân chuyển suốt 24 giờ trên khắp các trung tâm tài chính đó. Đấy là khe rất hẹp mình chen vào”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nói như vậy và đã nhiều lần lấy Cayman là một ví dụ sinh động trong phát triển trung tâm tài chính quốc tế.
Hòn đảo này 40 năm trước là một quốc đảo nghèo khó, nhưng với việc thành lập trung tâm tài chính, hàng trăm ngân hàng đã đăng ký thành lập ở đây, trong đó có 50 ngân hàng lớn nhất thế giới. Cayman cũng trở thành trung tâm tài chính quốc tế lớn nhất thế giới, ước tính mỗi ngày, dòng tiền chảy qua đó khoảng 2.000 tỷ USD.
“Chúng ta có rất nhiều lợi thế. Làm trung tâm tài chính quốc tế thì sẽ mang lại cơ hội vô cùng lớn cho đất nước”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói, đồng thời nhấn mạnh rằng, cần phải làm ngay, để không bỏ lỡ thời cơ.
Sau Cayman thì bây giờ là kinh nghiệm từ UAE, từ các trung tâm tài chính ADGM và DIFC. UAE đã thành lập DIFC vào năm 2004 và được phép hoạt động theo mô hình “một quốc gia độc lập”. Trong năm 2021, DIFC đạt được những kết quả ấn tượng: doanh thu đạt mức cao kỷ lục (tăng 16%), với 244,2 triệu USD; số lượng công ty đăng ký thành lập mới cũng cao kỷ lục (996 công ty, tăng 16%).
Theo xếp hạng Chỉ số Các trung tâm tài chính toàn cầu năm 2021, DIFC là trung tâm tài chính lớn nhất ở Trung Đông và châu Phi và lớn thứ 19 trên toàn thế giới. Tổng tài sản ngân hàng đặt tại DIFC đạt khoảng 198,5 tỷ USD.
Trong khi đó, ADGM là một trung tâm tài chính quốc tế và khu vực tự do tài chính duy nhất nằm trên đảo Al Maryah ở Thủ đô Abu Dhabi và là khu vực tự do tài chính thứ hai của UAE, sau DIFC. ADGM được thành lập nhằm thu hút các công ty quốc tế bằng cách cung cấp một môi trường thuận lợi để tiến hành kinh doanh ở Trung Đông, tại nơi có vị trí chiến lược giữa thị trường phương Tây và phương Đông.
Kể từ khi đi vào hoạt động vào cuối tháng 10/2015, ADGM đã nhanh chóng nhận được sự công nhận trên toàn cầu nhờ hệ sinh thái thân thiện, đổi mới với doanh nghiệp. ADGM cũng đã đóng một vai trò quan trọng trong việc phát hiện và tận dụng các xu hướng mới trong lĩnh vực dịch vụ tài chính quốc tế và những phát triển liên quan đến thế giới sau đại dịch.
Cơ hội nào cho Việt Nam?
Việc xây dựng các trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam đã bắt đầu được “xới xáo” trong thời gian gần đây. Các cuộc hội thảo cũng đã liên tục được tổ chức. Thậm chí, các đề xuất ban đầu về trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM đã được đưa ra, với 3 cấu phần quan trọng là thị trường tiền tệ và hệ thống ngân hàng; thị trường vốn; thị trường hàng hóa phái sinh.
Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Thảo luận về việc phát triển mô hình này, ông Nguyễn Xuân Thành (Trường đại học Fulbright Việt Nam), khi phát biểu tại một hội thảo được tổ chức vào tháng 2/2022 đã cho rằng, dù TP.HCM có nhiều lợi thế để phát triển trung tâm tài chính, nhưng vẫn cần sự đột phá về cơ chế, chính sách.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch bày tỏ quan điểm rằng, quá trình xây dựng trung tâm tài chính cần trải dài và phân kỳ, ban đầu là phát triển các nền tảng vững chắc của một trung tâm tài chính quốc gia, sau đó là của khu vực và tiến tới là của quốc tế và toàn cầu.
Rõ ràng, mô hình, thể chế, chính sách như thế nào cho một trung tâm tài chính quốc tế luôn là mối quan tâm hàng đầu. Chính vì vậy, trong các cuộc làm việc với ADGM, DIFC, hàng loạt câu hỏi đã được đặt ra, về mô hình phát triển của DIFC, về luật pháp, về vai trò của nhà nước và nhà đầu tư tư nhân trong quá trình xây dựng DIFC, về các nguồn huy động vốn cho trung tâm...
Song song đó là các vấn đề liên quan đến các điều kiện cần và đủ để thành lập một trung tâm tài chính quốc tế, về sự phối hợp giữa bộ máy điều hành hoạt động của DIFC với sự tham gia của Chính phủ và các bộ, ngành như thế nào?... Và tất nhiên, câu hỏi về thể chế, chính sách, những chính sách ưu đãi cần có cho trung tâm tài chính quốc tế cũng luôn được đặt ra.
Chia sẻ tầm nhìn phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đã đặt câu hỏi rằng, với quy mô tài chính còn khiêm tốn và độ mở về giao dịch ngoại hối còn hạn chế, nhưng lại có lợi thế vị trí địa lý trung tâm của khu vực ASEAN và có múi giờ khác biệt so với các trung tâm tài chính lớn trên thế giới, thì để xây dựng trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực và quốc tế, Việt Nam cần phải chú trọng cải thiện những vấn đề gì?
Tham gia đoàn công tác, có lãnh đạo của TP.HCM, địa phương được đánh giá là có đủ điều kiện để phát triển trung tâm tài chính quốc tế và thực sự cũng mong muốn sớm xây dựng mô hình này. Mối quan tâm của TP.HCM là các chiến lược để thu hút các tổ chức tài chính, cũng như thu hút nhân tài; định hướng phát triển hệ sinh thái fintech ra sao; mô hình “thành phố trong thành phố” của DIFC định hướng phát triển những sản phẩm dịch vụ cốt lõi nào và làm sao thiết kế các ưu đãi chính sách để phát triển các sản phẩm cốt lõi đó?...
Có được câu trả lời về những vấn đề này, Việt Nam, TP.HCM sẽ có thêm kinh nghiệm để chuẩn bị cho việc phát triển trung tâm tài chính của mình.
Trên thực tế, hiện mới có TP.HCM được GIFC (Chỉ số Các trung tâm tài chính toàn cầu) đánh giá là có tiềm năng xây dựng một trung tâm tài chính mới của khu vực. Tuy nhiên, việc đáp ứng các điều kiện cần và đủ của một trung tâm tài chính đang được đánh giá là thấp nếu so với các quốc gia khác trong khu vực và thế giới. Chính vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, việc xây dựng ngay lập tức một trung tâm tài chính có đầy đủ các dịch vụ tài chính như các trung tâm tài chính khác trên thế giới là chưa khả thi, do Việt Nam còn nhiều hạn chế về quy mô thị trường và kinh nghiệm quản lý. Bởi thế, việc xây dựng trung tâm tài chính tại Việt Nam cần thực hiện theo lộ trình và giai đoạn thực hiện theo từng quy mô từ quốc gia, khu vực và hướng đến quốc tế. Đặc biệt, việc tự do hóa tài khoản vốn và các giao dịch ngoại hối cần được xem xét thận trọng do ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ quốc gia.
Mô hình phát triển của Singapore cũng được cho là phù hợp với Việt Nam. Theo đó, Singapore ban đầu chỉ xây dựng một trung tâm tài chính như một trung tâm ngoại hối quy mô nhỏ cho khu vực, sau đó mới tiến tới xây dựng trung tâm tài chính hoàn chỉnh (quy mô khu vực) và đạt đến quy mô quốc tế như hiện nay.